Thông tin đầu tư

Nhiều dự án năng lượng sạch "phủ kín" bờ biển Bạc Liêu

Thứ sáu, 25/9/2020 | 09:08 GMT+7
Khoảng 56 km bờ biển Bạc Liêu đã được phủ kín các dự án năng lượng tái tạo (điện khí thiên nhiên hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời).
Bạc Liêu hiện có 6 nhà máy điện gió được triển khai thi công ở khu vực ven biển.
 
Hàng loạt các dự án điện gió sắp khởi công
 
Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Bạc Liêu cho biết "Sau khi xem xét thiệt hơn, nhất là yếu tố môi trường phục vụ phát triển bền vững, Bạc Liêu chính thức trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý loại ra khỏi quy hoạch điện VII đối với Trung tâm nhiệt điện than Cái Cùng 3.600MW và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tỉnh Bạc Liêu tìm nguồn điện khác thay thế". Theo ông Tâm, chính điều này đã tạo điều kiện cho Bạc Liêu thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch. Bởi để bù đắp cho dòng năng lượng đã mất (do không xây dựng nhà máy nhiệt điện than), thì năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là nguồn thay thế duy nhất cho Bạc Liêu và ĐBSCL.
 
Gần đây, với việc khởi công dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1- giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 (tổng công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng) vào cuối tháng 7-2020, Bạc Liêu hiện có 6 nhà máy điện gió được triển khai thi công ở khu vực ven biển. Cùng với đó là hàng loạt các dự án điện gió khác cả trên biển lẫn trong bờ đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục đầu tư, sẵn sàng khởi công trong thời gian tới.
 
Nhà máy nhiệt điện công suất lớn hòa lưới điện quốc gia 2024
 
Đáng chú ý nhất là dự án năng lượng sạch - Nhà máy nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG với tổng công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư đăng ký 4 tỷ USD do Tổ hợp Nhà đầu tư (trong đó Công ty Delta Offshore Enery là đơn vị đại điện) đầu tư. Trong 6 tháng qua, các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư đều đáp ứng tiến độ, yêu cầu đề ra, cũng như cam kết phối hợp của tỉnh và nhà đầu tư.
 
Đây là dự án FDI lớn nhất của ĐBSCL từ trước đến nay, mở ra nhiều cơ hội để Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung phát triển, góp phần ổn định năng lượng cho giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tiếp theo. Tuyến đường dây 500kV có tổng chiều dài 289km, nối từ Bạc Liêu - Thốt Nốt - Đức Hòa - Cầu Bông, phục vụ đấu nối giải tỏa công suất dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL nên cần phải có sự ủng hộ và thỏa thuận thống nhất của các địa phương.
 
Ngoài ra, vì đây là một trong những dự án điện khí LNG đầu tiên của cả nước được bổ sung vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nên dự án phải vượt qua nhiều thủ tục chưa có tiền lệ; đồng thời phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ (hoàn thành đóng điện giai đoạn 1 trong năm 2024) và giá bán điện (yêu cầu khoảng 7 UScent/kWh) nên áp lực đối với dự án là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan liên quan từ trung ương tới địa phương và nhà đầu tư đang nỗ lực hết mình để đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết, hòa lưới điện quốc gia, góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng của cả nước.
 
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng với điều kiện tự nhiên, bờ biển dài, với cách tiếp cận, mời gọi đầu tư phù hợp gắn liền với những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất, Bạc Liêu đã và đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Hiện nay hầu hết toàn bộ khu vực ven biển (cả trong và ngoài đê biển) của tỉnh đều được các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đăng ký tiếp cận hoặc chuẩn bị đầu tư. Với số lượng các dự án điện gió như thế, nhất là dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW, lớn nhất ĐBSCL và các dự án điện mặt trời dự kiến triển khai, Bạc Liêu đang phát triển vững chắc để trở thành một trong những trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời từng bước trở thành tỉnh tự chủ về ngân sách.
 
Với số lượng các dự án điện gió như thế, nhất là dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW, lớn nhất ĐBSCL và các dự án điện mặt trời dự kiến triển khai, Bạc Liêu đang phát triển vững chắc để trở thành một trong những trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời từng bước trở thành tỉnh tự chủ về ngân sách. Ông DƯƠNG THÀNH TRUNG, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Theo: Tuổi trẻ