Nhiều gia đình ở Nghệ An được thanh toán tiền triệu mỗi tháng từ bán điện mặt trời

Thứ hai, 28/10/2019 | 10:26 GMT+7
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn Nghệ An, đã có 46 chủ đầu tư (hộ gia đình, doanh nghiệp) sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, được thanh toán tiền điện dư thừa, đẩy lên lưới; với số tiền gần 140 triệu đồng.
 
Nhân viên Công ty CP Hekinan lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho một hộ dân ở TP. Vinh. Ảnh: Đức Anh

Nhận tiền triệu từ bán điện mặt trời
 
Là một trong những hộ đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới trên địa bàn huyện Nam Đàn, 3 tháng qua, đều đặn hàng tháng, anh Phan Sỹ Sơn (xóm 7, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) nhận được trên 2 triệu đồng tiền bán điện mặt trời phát lên lưới, tương đương hơn 1.000kWh.
 
Gia đình anh Sơn đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới, được nhập khẩu từ Châu Âu của Công ty CP Hekinan (trụ sở tại số 75, đường Tôn Thất Tùng, TP.Vinh, Nghệ An) với công suất lắp đặt ban đầu 10kw/h, từ tháng 6/2019, chỉ với mong muốn giảm bớt tiền điện. Từ lúc lắp đặt đến nay, hệ thống điện mặt trời của gia đình anh sản sinh được từ 40kw-50kw điện/ngày; không những thoải mái sử dụng mà vẫn còn dư, bán lại cho ngành điện.
 
Anh Sơn vui vẻ cho biết, trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), tôi hơi ái ngại làm các thủ tục đấu nối lên lưới điện nhưng đã được công ty hỗ trợ hoàn toàn, rất nhanh gọn. Nhà tôi sử dụng 6 điều hòa, cùng nhiều thiết bị điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và công việc kinh doanh. Trước đây chưa đầu tư hệ thống điện mặt trời thì mỗi tháng nhà tôi trả trung bình khoảng 2-3 triệu đồng tiền điện, cao điểm mùa hè gần 3 triệu đồng/ tháng; nay chỉ phải trả khoảng 1,3 – 1,5 triệu đồng/ tháng. Sử dụng điện mặt trời thực sự mang lại lợi ích kép.
 
Theo thống kê của điện lực Nam Đàn, có 3/9 chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên địa bàn huyện đã được thanh toán tiền bán điện mặt trời; với tổng công suất trên 5 nghìn kwh, tương đương trên 11 triệu đồng.
 
Đến nay, trên toàn tỉnh có 8 đơn vị điện lực đã thực hiện chi trả cho các chủ đầu tư ĐMTMN nối lưới dư thừa gồm: Cửa Lò, Diễn Châu, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn - Thái Hòa và Yên Thành. Tính chung toàn tỉnh hiện nay, điện lực đã thanh toán tiền cho 46 chủ đầu tư có ngày vận hành thương mại từ 30/6/2019 trở về trước; với sản lượng đến hết tháng 9/2019 là 65.420 kWh, tương đương hơn 139,6 triệu đồng.
 
Trong đó, thành phố Vinh là địa phương có số chủ đầu tư ĐMTMN lớn nhất toàn tỉnh, với 46 chủ đầu tư. Và số chủ đầu tư được điện lực thanh toán tiền bán ĐMTMN cũng chiếm phần lớn của toàn tỉnh.
 
Gần đây nhất, ngày 9/10 vừa qua, Điện lực thành phố Vinh đã hoàn tất phiếu chi thanh toán tiền điện đẩy lên lưới đợt 2, cho 31 chủ đầu tư vận hành hệ thống ĐMTMN, từ 30/6/2019 trở về trước, trên địa bàn; với số tiền 60,5 triệu đồng, trong đó có một chủ đầu tư được thanh toán tới 8,5 triệu đồng. 
 
Ông Nguyễn Hồng Sơn, trú xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An, khách hàng nhận về hơn 8,5 triệu đồng tiền bán điện cho ngành điện lực phấn khởi chia sẻ: “Sau hơn 4 tháng lắp đặt và đi vào sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Hekinan, hiện tại ngoài việc có nguồn điện để gia đình sử dụng thoải mái, tôi đã thu về số tiền đầu tiên. Nếu nguồn thu đều đặn như thế này, cộng với lượng điện gia đình sử dụng sinh hoạt thì hiệu quả kinh tế rất tốt; sẽ nhanh thu hồi vốn đầu tư ban đầu”.
 
Tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển ĐMTMN
 
Đầu tư hệ thống ĐMTMN được coi là giải pháp hữu ích, thiết thực vừa tiết kiệm tiền điện tối đa, vừa có thể bán điện dư thừa; đồng thời góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm tải áp lực cho điện lưới quốc gia.
 
Với những lợi ích thiết thực đó, xu hướng người dân sử dụng các thiết bị điện mặt trời ngày càng gia tăng. 
 
Nhằm khuyến khích người dân lắp đặt, sử dụng ĐMTMN thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
 
Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán ĐMTMN; đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án ĐMTMN.
 
Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 05/2019/TT-BTC ngày 11/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017, quy định cụ thể giá điện năng từ các dự án điện mặt trời mái nhà. Theo đó, mức giá mua bán điện của dự án điện mặt trời mái nhà được áp dụng năm 2019 là 2.134 đồng/kWh (chưa có thuế VAT). Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện tính theo chênh lệch tỷ giá từng năm cụ thể.
 
Tuy nhiên, ĐMTMN vẫn còn khá mới mẻ với người dân, nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN theo chủ trương của Nhà nước, Điện lực Nghệ An cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị điện lực phối hợp với các nhà cung cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng, trong việc đấu nối điện mặt trời vào lưới điện; để vừa đảm bảo sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất và có thể bán điện dư thừa.
 
Ông Trần Tiến Dũng - Phó giám đốc Điện lực TP Vinh cho biết: Điện lực kịp thời phối hợp với các chủ đầu tư khảo sát và thực hiện đấu nối vào lưới điện (không thu phí công tơ). Trong vòng 3 ngày kể từ sau ngày tiếp nhận giấy đề nghị bán điện từ dự án ĐMTMN của chủ đầu tư, Điện lực hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư”.
 
Là một trong những đơn vị hàng đầu về nhập khẩu, phân phối, thi công trực tiếp các sản phẩm pin mặt trời poly có xuất xứ từ Châu Âu… tại khu vực Miền Trung, Công ty CP Hekinan (số 75, Tôn Thất Tùng, TP.Vinh) đang tích cực phối hợp với ngành liên quan hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục hòa lưới, bán điện mặt trời.
 
Ông Phạm Hữu Truyền - Phó Giám đốc Công ty CP Hekinan cho biết: “Hiện ngoài việc tư vấn, lắp đặt cho hàng trăm công trình có nhu cầu sử dụng điện mặt trời trong và ngoài tỉnh. Công ty chúng tôi bố trí đội ngũ nhân viên hỗ trợ các chủ đầu tư lắp đặt điện mặt trời hoàn thiện thủ tục bán điện dư thừa hòa lưới với các đơn vị điện lực, theo đúng quy định và nhanh nhất; để chủ đầu tư sớm thu hồi vốn”.
 
Với nhiều lợi ích thiết thực phục vụ đời sống, cùng với khả năng sinh lời từ bán điện dư thừa và đầu tư một lần, sử dụng được trên 25 năm, ĐMTMN hứa hẹn là xu hướng phát triển tất yếu, phổ biến trong tương lai.

Theo thống kê, đến hết tháng 9/2019, trên địa bàn Nghệ An đã có 117 chủ đầu tư ĐMTMN, trong đó có 93 chủ đầu tư sử dụng điện sinh hoạt và 24 sử dụng điện ngoài sinh hoạt; với tổng công suất 697 kWh và phát lên lưới EVN là 90.754 kWh.

Theo: Báo Nghệ An