Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới truyền tải điện quốc gia trên địa bàn 9 tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên với khối lượng gồm 5.173,49 km đường dây; trong đó có 1.939,17 km đường dây 500 kV, 3.234,37 km đường dây 220 kV; 19 trạm biến áp (TBA), gồm 5 trạm 500 kV, 14 trạm 220 kV, với tổng dung lượng 11.473 MVA.
PTC3 cho biết, đặc thù các tuyến đường dây 500 kV và 220 kV chủ yếu nằm dọc các sườn núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối, nên đơn vị luôn quán triệt tới 100% cán bộ công nhân viên (CBCNV) nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ được giao. Mỗi một cá nhân đều ý thức chấp hành nghiêm nội quy lao động; tăng cường kỷ cương kỷ luật vận hành, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm để vận hành an toàn lưới truyền tải điện. Đòng thời, đơn vị tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lực lượng trực tiếp sản xuất xác định sớm các hiện tượng, nguy cơ tiềm ẩn vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) để kịp thời ngăn chặn và xử lý, không để xảy ra sự cố.
PTC3 cũng nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Theo đó, công ty cùng với lực lượng an ninh kinh tế kiểm tra rà soát, chấn chỉnh lực lượng bảo vệ tại các TBA và đường dây, duy trì trao đổi thông tin liên tục về tình hình an ninh trên tuyến đường dây, TBA. Đòng thời, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện giữa Tổng cục An ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, PTC3 và các Truyền tải điện còn thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các đơn vị bảo vệ thực hiện tốt nội dung trong hợp đồng bảo vệ, đặc biệt lưu ý việc phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ, hành vi vi phạm HLATLĐCA gây nguy hiểm cho tuyến đường dây truyền tải.
Với các cung đoạn lưới truyền tải điện đi qua 8 khu công nghiệp, 24 rừng phòng hộ đầu nguồn và công trình xây dựng, dự án phát triển kinh tế - xã hội, PTC3 yêu cầu các đơn vị chủ quản, ban quản lý dự án, đơn vị thi công các công trình hạ tầng, giao thông lập biện pháp tổ chức thi công để thống nhất và cam kết thực hiện các biện pháp an toàn cho người và thiết bị khi thi công gần đường dây, cử người sát an toàn trong thời gian thi công. Mặt khác, cảnh báo về an toàn điện cho người điều khiển, phương tiện, máy thi công tham gia thi công biết nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn điện.
Trong quá trình quản lý vận hành PTC3 chủ động xử lý những vướng mắc phát sinh với các đơn vị chủ quản nên đến nay đều đảm bảo hành lang an toàn theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện. Công ty cũng trao đổi thông tin với các cấp chính quyền địa phương, các sở ban ngành liên quan, đề xuất với Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý trật tự xây dựng, cấp đất, thu hồi đất, cấp phép xây dựng, khai thác khoáng sản và các hoạt động của các đơn vị được phép xây dựng công trình, khai thác khoáng sản gần hành lang đường dây không để vi phạm HLATLĐCA, gây sạt lở móng cột, đứt dây tiếp địa….
Thời tiết khí hậu khu vực miền Trung và Tây Nguyên phức tạp; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau, còn các tỉnh duyên hải nam miền Trung mùa mưa lại diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12, mùa khô từ khoảng tháng 1 đến tháng 7 hàng năm. Để chủ động trong chống cháy mùa khô hành lang tuyến, ngay từ năm trước PTC3 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án chống cháy mùa khô hành lang tuyến cho năm sau nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện.
Trên cơ sở phương án của các truyền tải điện, PTC3 yêu cầu các đơn vị huy động lực lượng tổng kiểm tra, phát quang, dọn thực bì, đốt có kiểm soát.... Nhiều khoảng cột, nhất là các đường dây 500 kV hành lang an toàn mở rộng từ 10 đến 15 mét. Đồng thời, tăng cường số lần kiểm tra hành lang tuyến. Một số cung đoạn có nguy cơ cháy cao số lần kiểm tra ít nhất 1 lần/tuần. Những cung đoạn nguy cơ cháy cao cử công nhân trực canh liên tục; kết hợp tuyên truyền, giám sát phát hiện kịp thời các đám cháy để có phương án xử lý kịp thời.
Các đơn vị cũng được trang bị camera để giám sát cháy rừng, cháy mía vào mùa khô tại các vị trí xung yếu tuyến đường dây, đến mùa mưa bão chuyển sang lắp để giám sát các vị trí móng trụ có nguy cơ sạt lở gây sự cố và đã mang lại hiệu quả cao.
Để hạn chế thấp nhất sự cố lưới truyền tải điện do hỏa hoạn, PTC3 đã chỉ đạo các truyền tải điện trực thuộc làm việc với các nhà máy đường để có kế hoạch thu mua sớm những ruộng mía trong và ngoài gần hành lang có nguy cơ cao về cháy gây sự cố đường dây. Bên cạnh đó, ký cam kết đảm bảo HLATLĐCA với các lâm trường, nông trường, ban quản lý rừng phòng hộ, UBND xã, thị trấn, hộ dân sinh sống, canh tác trong và gần tuyến đường dây. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp trong phòng chống cháy rừng, cháy cây trồng trong và ngoài gần hành lang tuyến có khả năng gây sự cố lưới điện.
Với những tuyến đường dây đi qua khu vực miền núi, dân cư phần lớn là dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Một số nơi đồng bào còn quen với tập quán du canh du cư, đốt nương làm rẫy nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy trong hành lang, tấm che hoa màu… bay lên đường dây gây mất an toàn lưới điện. Để nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trong tham gia bảo vệ an toàn lưới truyền tải điện, PTC3 đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả về các thông tư, nghị định công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện đến rộng rãi quần chúng nhân dân.
Tính từ năm 2019 và 8 tháng năm 2020, PTC3 đã phát 36.805 tờ rơi, 35.200 cuốn lịch Tết, lắp đặt 189 biển báo tuyên truyền tại các khu vực đông dân cư, 210 biển báo tại các điểm giao chéo đường bộ; ký 13.765 bản cam kết với các hộ dân sinh sống dọc hành lang tuyến; ký 317 bản cam kết, quy chế phối hợp bảo vệ HLATLĐCA với các hạt kiểm lâm, nông trường, lâm trường, chủ rừng.