Đó là chưa kể ở nhiều địa phương, không ít người dân hoặc còn thiếu hiểu biết, hoặc cố tình vi phạm - dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần - nhưng vẫn đốt nương, làm rẫy, thả diều bên dưới khu vực hành lang tuyến đường dây, dẫn đến nguy cơ sự cố mất an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.
“Các tuyến đường dây hầu như đi qua các khu vực đồi núi cao và thung lũng sâu, có nhiều dân tộc thiểu số nên Đội cũng gặp nhiều vướng mắc về khâu tuyên truyền khi dân đốt nương làm rẫy. Đội cũng tuyên truyền bằng tiếng địa phương. Ở tại Đội có 3 đồng chí nói được tiếng Tày. Các dân tộc trên này chủ yếu sử dụng tiếng Tày, nhưng mà dân tộc Nùng, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, H’Mông mà không nói được tiếng Tày thì phải nhờ người đi phiên dịch hộ nên cũng vướng mắc nhiều về khâu tuyên truyền…”
Đó là tâm sự của kỹ sư Hoàng Văn Thức - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Bảo Lạc về công tác quản lý vận hành và sửa chữa lưới truyền tải điện của đơn vị. Cả đội chỉ vỏn vẹn 10 người, quản lý 2 tuyến đường dây 220kV mạch kép với gần 72 km đường dây và 147 vị trí cột. Các tuyến đường dây đi trên địa hình đồi núi hiểm trở thuộc địa phận 4 xã của huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, 03 xã của huyện Bảo Lâm và 8 xã, 01 thị trấn của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Nếu như ở nhiều khu vực của tỉnh Cao Bằng chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống, việc đốt nương làm rẫy vẫn thường xuyên diễn ra dẫn đến nguy cơ cháy rừng gây sự cố lên lưới điện, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân về bảo vệ các công trình lưới điện còn thấp… thì ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, không ít người dân dù rất hiểu biết pháp luật nhưng vẫn chơi thả diều ngay gần khu vực hành lang tuyến đường dây truyền tải điện cao áp. Đã có những sự cố lưới điện do dây dù vướng vào đường dây 220kV Hà Giang - Thái Nguyên và Trạm 220kV Phú Bình, Thái Nguyên gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng tới việc cấp điện cho các khu Công nghiệp và Nhà máy sam sung - những phụ tải điện có yêu cầu rất cao về đảm bảo chất lượng điện đã được Chính phủ cam kết.
Ông Vũ Tất Thành - Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 – đơn vị thực hiện quản lý vận hành và sửa chữa lưới truyền tải điện quốc gia trên địa bàn 10 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, cho biết thực tế, "không kể chơi thả diều ban ngày, bây giờ họ chơi cả ban đêm. Vào ban đêm thì rất khó khăn cho công tác quản lý vận hành vì họ chơi và buộc thả diều trong khu vực khuôn viên của họ, có thể buộc ngay trên nóc nhà nên khi người quản lý vận hành mời cả chính quyền địa phương, công an đi theo nhưng tuy nhiên gọi chủ nhà họ cũng không mở cửa. Thời gian trước người ta chỉ làm diều kích thước nhỏ, từ 50cm đến 1m nhưng mỗi con diều bây giờ dài từ 4-5m, nhỏ cũng từ 2-3m, và vật liệu làm diều thì cũng không phải bằng tre nứa, dây dù nữa mà bện bằng dây kim tuyến. Khi bị mắc diều, dây diều dài đến 3-4 nghìn mét, hàng vài cây số, khi diều mắc vào đường dây sẽ gây phóng điện qua các dây kim tuyến đó gây sự cố, ảnh hưởng rất nguy hiểm đến lưới điện, gây gián đoạn cung cấp điện".
Đồng ý với đề xuất, kiến nghị của đại diện đơn vị quản lý, vận hành lưới điện về việc tăng nặng khung hình phạt, thậm chí cần thiết phải quy định xử lý hình sự để đủ sức răn đe đối với hành vi thả diều - những con diều lớn sử dụng dây kim tuyến (tráng kim loại) có giá trị lên tới nhiều chục triệu đồng - nguy cơ gây sự cố lớn, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia (thay vì quy định như hiện nay chỉ phạt hành chính từ 1-5 triệu đồng), ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng ban An toàn Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết thêm "còn có hiện tượng khi diều mắc trên đường dây người dân còn đi gỡ diều để thu hồi những con diều. Việc này rất nguy hiểm bởi vì nếu như đường dây đang mang điện mà họ với tới dây diều thì coi như thành nghẽn mạch đường dây, nguy hiểm đến tính mạng con người".
Theo đơn vị quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhiều năm nay, trò chơi thả diều không chỉ lan rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên mà ở nhiều tỉnh thành cũng có tục chơi diều, nhất là tại các lễ hội xuân. Theo quy định tại Điều 15 mục C Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì chế tài xử phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng nếu thả diều gây sự cố lưới điện; Theo điều 4 của Nghị định 14/2014/NĐ-CP nghiêm cấm “thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện”… là còn nhẹ và chưa rõ ràng.
Hiện nay lực lượng chức năng không thể thực hiện thu diều mà chỉ vận động và yêu cầu hạ diều, một số người dân sau khi hạ diều xong chờ cho lực lượng chức năng di chuyển đi nơi khác lại tiếp tục thả diều trở lại.
Từ thực tế đã có nhiều vụ chập cháy, gây sự cố đường dây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn cung cấp điện thì việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng tăng nặng khung hình phạt để đủ sức răn đe là vô cùng cấp thiết.