Công ty Điện lực Tây Ninh sửa chữa điện trên đường dây điện áp 22kV. Ảnh minh họa: Đức Dũng/TTXVN
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua, các nhà đầu tư và người dân triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và thỏa thuận đấu nối vào lưới điện trung áp, nhất là trên địa bàn 3 huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành do Công ty quản lý, điều hành rất lớn.
Điều này khiến nhiều đường dây lưới điện trung áp ở đây đã quá tải, hết khả năng tiếp nhận công suất của hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Những khó khăn, vướng mắc kể trên đã gây thắc mắc cho người dân sinh sống ở khu vực có đường dây trung áp kể trên (đã hết khả năng tiếp nhận) đi qua, khi bị từ chối đấu nối từ nguồn điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Cụ thể, tại trạm 110kV Tân Hưng, các tuyến 472TH đi qua các xã Thị trấn Tân Châu, Thạnh Đông, Tân Phú,Tân Hưng (huyện Tân Châu), xã Mỏ Công (huyện Tân Biên); tuyến 474TH đi qua các xã Thị trấn Tân Châu, Thạnh Đông, Tân Hội, Thanh Bắc, Tân Hà (huyện Tân Châu); tuyến 476TH đi qua các xã Thạnh Đông, Tân Phú (huyện Tân Châu), Mỏ Công, Thạnh Bình (huyện Tân Biên).
Tại máy biến áp T1 40MW: Tuyến 475 đi qua các xã Suối Dây, Suối Ngô, Tân Hòa (huyện Tân Châu); tại trạm 110kV Suối Dộp: tuyến 473SD đi qua các xã thị trấn Châu Thành, Thái Bình, Trí Bình, Thành Long, Hòa Hội, Hòa Thạnh, Biên Giới (huyện Châu Thành). Trạm 110kV Bến Cầu: Tuyến 478BC đi qua các xã An Thạnh, Phước Bình, Phước Chỉ (huyện Bến Cầu)... đã hết công suất đấu nối từ nguồn điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Theo Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, dự kiến giai đoạn 2021-2022, Công ty sẽ tìm nguồn vốn để thi công mới, nâng cấp đường dây trung thế tại các khu vực kể trên, để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu lắp đặt điện năng lượng mặt trời mái nhà được đấu nối vào lưới điện.
Để tránh tình trạng quá tải các đường dây không còn khả năng tiếp nhận công suất, trước mắt, Công ty Điện lực Tây Ninh khuyến cáo các nhà đầu tư nên đầu tư vào các đường dây, khu vực còn nhiều khả năng tiếp nhận công suất điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể như: các đường dây trung thế thuộc địa bàn các huyện Trảng Bàng, Hòa Thành, Bến Cầu và Thành phố Tây Ninh. Hiện các đường dây này còn khả năng tiếp nhận khoảng 400 MW từ nguồn điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Điện lực Tây Ninh đã cung cấp trên 2,2 triệu kWh điện thương phẩm cho khách hàng, tăng 14,08% so cùng kỳ năm 2019, đạt 45,52% kế hoạch; trong đó, cấp điện cho các thành phần nông - lâm - thủy sản tăng 31,55%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,01%, thương nghiệp - khách sạn - nhà hàng tăng 10,22%; quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 9,71%; các hoạt động khác tăng 6,35%.
Công ty cũng đã giảm giá điện, giảm tiền điện cho trên 400.000 khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 139 tỷ đồng.
Về phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, đến nay, tổng công suất các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt, phát lên lưới điện 694,7 MWp; trong đó, đấu nối vào lưới điện 220kV là 410 MWp; đấu nối vào lưới điện 110kV là 250 MWp, đấu nối vào lưới điện 22kV trở xuống với tổng công suất lắp đặt là 26,7 MWp.
Công ty Điện lực Tây Ninh cũng đã thỏa thuận thêm chủ trương đầu tư của 177 khách hàng lắp đặt (điện năng lượng mặt trời) với tổng công suất 176MWp, đang xem xét 101 khách hàng với tổng công suất 120 MWp để thỏa thuận đấu nối vào các đường dây trung thế còn khả năng tiếp nhận.