Sử dụng máy đo nhiệt độ mối nối Fluke và Fliz để đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc và các mối nối nhằm kịp thời phát hiện sự cố.
Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, Điện lực Thanh Khê (PC Đà Nẵng) đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện; đặc biệt là công tác giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng…
Được biết, Điện lực Thanh Khê quản lý gần 110 km đường dây 22kV, hơn 180 km đường dây 0,4kV cùng với 467 trạm biến áp tập trung phần lớn tại quận Thanh Khê, một phần các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hải Châu. Lưới điện phần lớn nằm trong khu vực đô thị, ngầm hóa tương đối nhiều, địa bàn tập trung nhiều phụ tải quan trọng (Nhà máy nước Sân bay, Sân bay Quốc tế, các bệnh viện…), nằm gần khu vực ven biển có nhiều nguy cơ nhiễm mặn, giông sét, bão lũ… nên việc đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2018 đến năm 2022, sự cố lưới điện trên địa bàn do đơn vị quản lý giảm, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 3,16% xuống còn 2,8%. Để đạt được kết quả này, Điện lực Thanh Khê đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp vận hành lưới điện; điều độ hệ thống điện; đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên; chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động; tổ chức các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh điện năng...
Đồng thời, đơn vị nghiêm túc thực hiện các giải pháp kỹ thuật do PC Đà Nẵng đề ra như: hoàn thành việc tách tiếp địa, hạ thu lôi xuống mặt máy biến áp toàn bộ 347 TBA của ngành điện quản lý; hoàn thành công tác thí nghiệm định kỳ các thiết bị trên lưới điện theo CBM; lắp đặt bọc cách điện chống động vật tại các vị trí đầu cực thu lôi van, cáp ngầm trung áp, FCO, các máy biến áp…
Bản đồ lưới điện do Điện lực Thanh Khê quản lý.
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản lý vận hành lưới điện trong thời gian qua không những nâng cao chất lượng quản lý mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động. Hàng tháng, đơn vị sử dụng máy đo nhiệt độ mối nối Fluke và Fliz để đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc và các mối nối lèo, từ đó phát hiện và xử lý hơn 100 vị trí tiếp xúc tại đầu cực các aptomat, má trên cầu chì tự rơi… Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ thông tin, các chương trình phần mềm như AMI, TOOS, IFC… đã giúp đơn vị phát hiện các trạm biến áp bị quá tải, non tải, mất đối xứng hay có điện áp thấp, từ đó có kế hoạch xử lý kịp thời, hạn chế sự cố có thể xảy ra.
Song song với các công tác kể trên, Điện lực thực hiện vệ sinh cách điện tại các khu vực nhiễm mặn, nhiễm bụi dọc đường ven biển Nguyễn Tất Thành, khu vực mỏ đá Hoà Phát, đường Lê Trọng Tấn… đồng thời, chú trọng công tác phát quang hành lang tuyến định kỳ trên các tuyến đường có nhiều cây cối phát triển nhanh, tăng cường công tác kiểm tra hành lang an toàn lưới điện để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Việc hoàn thành sớm, đưa vào sử dụng các công trình chống quá tải, hoàn thiện lưới điện, sửa chữa lớn trong những năm qua cũng góp phần đáng kể trong công tác giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng.
Trong 5 năm, Điện lực đã xây dựng mới hơn 20 km đường dây trung áp, 91 TBA với dung lượng 36.900 kVA và gần 24 km đường dây hạ thế. Đặc biệt là việc hoàn thành công trình "Cải tạo cáp ngầm trung áp XT 474E10 (đoạn từ VT 12 đến RMU Ngã ba Huế 1)” có quy mô trên 6.000 mét cáp ngầm trung thế 22kV, 04 tủ RMU góp phần đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục và liên lạc giữa các đường dây 22kV do Điện lực Thanh Khê quản lý.
Với những kết quả đạt được, Điện lực Thanh Khê đã được Công ty xếp thứ hai trong phong trào thi đua cả năm 2022, xếp thứ nhất trong công tác quản lý kỹ thuật năm 2022.
Trong thời gian tới, Điện lực Thanh Khê phấn đấu thực hiện hiệu quả chương trình giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn.