Ảnh minh họa.
Độc giả ở Hà Nội cho biết: Tháng trước, khi đang thực hiện cách ly xã hội, gia đình tôi bị mất nước nhưng điện thoại cho đơn vị cấp nước không được. Mọi khi có thể nhờ hàng xóm giúp đỡ, kiểm tra, nhưng vì theo quy định “gia đình cách ly với gia đình” nên phải tự xoay xở. Sau phát hiện ra – rất may là chỉ do nhảy aptomat ở khu vực tầng 1 nên không có điện, máy bơm nước không hoạt động được.
Xin hỏi, nếu trong trường hợp bị mất điện mà không phải từ phía ngành điện, mà từ các thiết bị điện trong gia đình bị hỏng hay đường dây điện ở trong nhà gặp sự cố thì phải làm sao? Chuyên gia có biết có địa chỉ nào hỗ trợ, hay khi cần hướng dẫn thì gọi cho ai có thể giúp đỡ được?
Ông Bùi Quốc Hoan: Đối với ngành Điện, việc cung cấp dịch vụ điện tại các khu vực giãn cách được triển khai theo các nguyên tắc sau:
+ Chỉ thực hiện các công tác để ngăn ngừa, xử lý sự cố đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục, sửa chữa điện cho khách hàng và thay thế công tơ kẹt, chết cháy.
+ Đối với công tác tiếp nhận yêu cầu các dịch vụ điện: Vẫn tổ chức thực hiện việc tiếp nhận qua tất cả các kênh cung cấp dịch vụ hiện đang cung cấp đến khách hàng sử dụng điện (bao gồm cả tại phòng Giao dịch khách hàng). Truyền thông và hướng dẫn khách hàng sử dụng các kênh trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và các kênh tiếp nhận của Trung tâm CSKH.
+ Việc giải quyết xử lý các yêu cầu dịch vụ điện (cấp điện mới, các dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện): căn cứ vào hướng dẫn, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và các điều kiện an toàn dịch để tổ chức giải quyết yêu cầu của khách hàng trên cơ sở hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo khoảng cách an toàn và thực hiện dịch vụ theo phương thức điện tử. Trường hợp chưa tổ chức giải quyết được yêu cầu của khách hàng thì thực hiện hẹn triển khai ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách.
Do đó, nếu bị mất điện thì khách hàng nên gọi về Trung tâm CSKH để tiếp nhận và sẽ có CBCNV ngành điện đến để xử lý để đảm bảo an toàn cho khách hàng và cho hệ thống điện. Nếu phạm vi công việc là phía sau công tơ, là thuộc phần tài sản và trách nhiệm xử lý của khách hàng, CBCNV sẽ tư vấn và hỗ trợ khách hàng để khắc phục.
Độc giả ở Hà Nội hỏi: Đối tượng được thụ hưởng + việc triển khai thực hiện của EVN trong đợt giảm giá điện lần thứ 5 này là ai?
Ông Bùi Quốc Hoan:
Ngày 28/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo đó:
1. Đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện đáp ứng các điều kiện sau:
- Các khách hàng sử dụng điện: là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25 tháng 8 năm 2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực sau:
(i) Doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản;
(ii) Doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả;
(iii) Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ.
- Là các khách hàng đang mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.
- Danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận trên cơ sở đăng ký kinh doanh và thực tế sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn và cung cấp cho các đơn vị điện lực.
2. Về mức hỗ trợ giảm giá điện: Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng tại mục 1.
3. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện: cho khách sử dụng điện tại mục 1 là 03 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11 năm 2021.
Để khẩn trương thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5, EVN đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty Điện lực, các Trung tâm Chăm sóc khách hàng rà soát, chuẩn bị và triển khai ngay các công việc liên quan.
Tính đến nay mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành để cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt liên tiếp trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để góp phần giảm bớt khó khăn do tác động của dịch COVID-19, toàn bộ công nhân viên Tập đoàn đã và đang tiếp tục chung tay cùng cộng đồng triển khai nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho các địa phương và cơ sở y tế. Chỉ tính riêng đối với đợt dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 cho đến nay, EVN và các đơn vị thành viên đến nay đã đóng góp ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch với tổng số tiền là khoảng 500 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 số tiền 400 tỷ đồng.
Độc giả hỏi: Hiện nay nhiều khách hàng đã thực hiện các hợp đồng dịch vụ điện với ngành điện. Việc bảo đảm về dữ liệu thông tin cá nhân của họ cung cấp cho ngành điện được EVN cam kết như thế nào? EVN có xây dựng “Cẩm nang Bảo đảm An toàn thông tin trong đại dịch Covid-19” không?
Ông Bùi Quốc Hoan:
Các công việc về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được EVN chúng tôi coi trọng, và tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo chuẩn mực quốc tế.
Trong các giao dịch dịch vụ điện theo phương thức điện tử cũng được ứng dụng mật khẩu OTP qua đó ít nhất giúp khách hàng bảo mật 2 lớp: 1 lớp là tài khoản đăng nhập Web/App và 1 lớp là mật khẩu OTP khi giao dịch.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang đề xuất các Bộ/ngành cho phép triển khai thực hiện các phương thức kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp để thông qua đó cắt giảm hồ sơ giấy tờ và có thêm cơ chế để xác thực khách hàng bằng các thông tin tại các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Độc giả hỏi: Thời gian gần đây đã có nhiều số điện thoại gọi đến các thuê bao của khách hàng dùng điện doạ cắt điện nếu không thanh toán tiền… Thậm chí xuất hiện trang web giả mạo EVN… Vậy EVN đã có cách giải quyết như thế nào để đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình?
Ông Bùi Quốc Hoan:
Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, xuất hiện rất nhiều số điện thoại giả mạo là nhân viên Điện lực để doạ cắt điện và yêu cầu thanh toán tiền điện đồng thời xuất hiện cả trang Web giả mạo EVN. Theo thống kê của chúng tôi, có hàng ngìn số điện thoại giả mạo được khách hàng gọi điện và thông báo đến các Trung tâm CSKH.
Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng cũng như cho EVN, chúng tôi đã triển khai đồng thời các biện pháp sau:
- Thống kê các số ĐT giả mạo được khách hàng thông báo, Website để gửi đến Bộ Công an, cơ quan Công an tại các địa phương đề đề nghị xử lý.
-Thông tin rộng rãi đến khách hàng qua các kênh Website, App CSKH, Email, Zalo, SMS để khách hàng nắm bắt tình hình và cảnh giác với các cuộc gọi có hình thức tương tự.
- Tại Tổng công ty Điện lực TP HCM đã đưa vào sử dụng hệ thống định danh cuộc gọi “EVNHCMC” (Voice Brandname) để liên lạc với khách hàng. Theo đó, cuộc gọi Voice Brandname sẽ giúp khách hàng nhận diện thương hiệu của EVNHCMC khi nhân viên ngành Điện gọi điện đến khách hàng để thực hiện công tác. Tên định danh hiển thị trên điện thoại di động sẽ giúp cho khách hàng biết là đang giao dịch với nhân viên của EVNHCMC, tránh trường hợp giả danh điện lực để lừa đảo chiếm đoạt tiền và thông tin khách hàng.
Để bảo mật thông tin cá nhân, tránh bị lợi dụng, lừa đảo trong các giao dịch điện tử với ngành điện nói riêng các giao dịch trên mạng Internet nói chung thì khách hàng có thể áp dụng các nguyên tắc sau:
- Không sử dụng mật khẩu dễ đoán
- Không tin người lạ trên mạng
- Không chia sẻ thông tin cá nhân
- Với các cuộc gọi nghi ngờ thì lúc đó chúng ta cần gọi điện đến Trung tâm CSKH của ngành điện để kiểm tra, xác minh.
Độc giả hỏi: Tôi được biết EVN có cung cấp cho khách hàng app theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày đối với các thiết bị sử dụng điện và có thể chủ động ước tính điện năng tiêu thụ hàng tháng của gia đình. Nhờ chuyên gia hướng dẫn cụ thể cách cài đặt?
Ông Bùi Quốc Hoan:
Hiện nay, trong 29,8 triệu khách hàng trên toàn quốc đã có 66,18% khách hàng được triển khai lắp đặt công tơ điện tử có đo xa, riêng tại địa bàn thành phố Hà nội đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử để đo đếm bán điện cho khách hàng, trong đó 98,02% công tơ có thể thu thập chỉ số tự động từ xa, còn lại gần 2% là thu thập chỉ số bằng thiết bị cầm tay trong bán kính 200m.
Các công tơ có tính năng thu thập chỉ số từ xa được chúng tôi thu thập hàng ngày và đưa dữ liệu lên 05 ứng dụng CSKH, website CSKH của các Tổng Công ty điện lực để khách hàng chủ động tra cứu.
Với App CSKH bên cạnh việc theo dõi điện năng tiêu thụ hằng ngày có các chức năng ước tính điện năng tiêu thụ hàng tháng của gia đình và thực hiện các giao dịch các yêu cầu dịch vụ điện trực tuyến và theo phương thức điện tử, riêng tính năng tích điểm, đổi quà… đang được thí điểm tại TCTĐL TP Hà Nội. Để sử dụng các App này thì khách hàng có thể vào kho ứng dụng CH-Play của Android hoặc App Store của Apple gõ tên ứng dụng EVN CSKH, sau đó chọn ứng dụng tương ứng của TCTĐL đang ký hợp đồng mua điện để tải về và cài đặt. Nếu khu vực khách hàng đã được lắp công tơ điện tử thì khách hàng sẽ xem được điện năng hằng ngày trên Ứng dụng này và thực hiện ước tính điện năng sử dụng thông qua việc cung cấp các thông tin về các thiết bị sử dụng điện của khách hàng và thời gian sử dụng để công cụ hỗ trợ tính toán.
Độc giả hỏi: Do dịch bệnh COVID-19 hạn chế đi lại tiếp xúc, tôi muốn ký hợp đồng với ngành điện đề nghị được cung cấp điện có được không? Thực hiện như thế nào, nhờ chuyên gia tư vấn giúp?
Ông Bùi Quốc Hoan:
Năm 2019 Tập đoàn triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Với phương thức mới này các dịch vụ cấp điện được điện tử hoá toàn bộ quá trình cung cấp và các hồ sơ thủ tục, khách hàng chỉ cần ký các hồ sơ điện tử được thực hiện theo phương thức mật khẩu một lần (OTP) hoặc chữ ký điện tử (CA). Việc áp dụng theo hình thức này mang nhiều thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện như: thuận tiện, đơn giản và tiết kiệm thời gian giao dịch, toàn bộ hồ sơ dịch vụ được lập dưới dạng điện tử giúp khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin, thuận tiện trong việc quản lý, giám sát các thoả thuận cung cấp dịch vụ giữa các khách hàng và Điện lực đồng thời thuận lợi khi có các yêu cầu thay đổi hợp đồng mua bán điện như thay đổi chủ thể hợp đồng, thay đổi mục đích sử dụng điện, thay đổi định mức số hộ sử dụng điện…
Do đó hiện nay, để thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, khách hàng chỉ cần thực hiện trên Website CSKH hoặc App CSKH để thực hiện ký bằng phương thức mật khẩu một lần (OTP) với khách hàng là hộ gia đình hoặc chữ ký điện tử (CA) với khách hàng là tổ chức.
Độc giả hỏi: Được biết EVN có dịch vụ thanh toán tiền điện bằng mã QR-code từ đầu năm nay. Nhờ chuyên gia hướng dẫn cụ thể?
Ông Bùi Quốc Hoan:
Bắt đầu từ tháng 1 năm 2021, EVN triển khai ứng dụng QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng sử dụng điện, mỗi khách hàng sẽ có một mã QR code của mình. Mã QR code này sẽ gắn liền với mỗi khách hàng, được áp dụng trên toàn bộ hồ sơ khách hàng, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khách hàng cũng không cần phải nhớ mã số khách hàng khi thực hiện các giao dịch với EVN, đồng thời việc thanh toán cho các dịch vụ điện năng của khách hàng trở nên đơn giản hơn, thuận tiện hơn.
Hiện nay phẩn nội dung đưa QR-code lên các hồ sơ điện tử và hóa đơn đã hoàn thành, thời gian qua EVN đã làm việc với các Ngân hàng, Tổ chức thanh toán trung gian để hiệu chỉnh và tích hợp mã QR-code của EVN vào các ứng dụng thanh toán do các tổ chức này cung cấp, đến nay đã có BIDV, Sacombank, Tiền Phong Bank, các ví điện tử VNPay, Momo, Payoo, Vimo, Nextech… hoàn thành việc triển khai.
Khi thực hiện thanh toán, các khách hàng chỉ cần vào các ứng dụng của Ngân hàng, ví điện tử, chọn biểu tượng QR-code hoặc vào chức năng thanh toán tiền điện để quét các QR-code trên hoá đơn điện tử hoặc hợp đồng điện là có thể thực hiện quá trình thanh toán, giao dịch thanh toán sẽ hoàn thành nhanh chóng mà không cần khai báo thông tin người dùng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể lưu trữ thông tin Qr-code EVN trên điện thoại di động cá nhân để thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thao tác quét mã QR code.