Tin trong nước

Những người âm thầm thắp điện cho nhân dân

Thứ ba, 7/7/2020 | 15:20 GMT+7
Trong thời điểm nắng nóng gay gắt bao trùm toàn miền Bắc, những công nhân thợ điện vẫn ngày đêm căng mình xử lý sự cố, đảm bảo cấp điện đầy đủ, an toàn cho nhân dân.
Trời nắng nóng, phụ tải điện quá tải, các công nhân ngành điện thường xuyên phải xử lý sự cố điện vào ban đêm để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho người dân.

Thợ điện mùa nắng nóng: Muôn nẻo khó khăn
 
Trở về nhà sau một ngày trực chiến tại trạm biến áp số 5 (thị trấn Nghi Sơn, Thanh Hóa), anh Lường Tú Long, Đội phó Đội vận tải điện số 1, Điện lực Tĩnh Gia (PC Thanh Hóa) dường như đã thấm mệt. Không kịp thay quần áo, anh ngồi xuống mâm cơm đã nguội, ăn thật nhanh để lấy lại sức sau một ngày dài làm việc. Điện thoại bất chợt rung lên, một sự cố lưới điện xảy ra khiến anh phải đến xử lý gấp. Anh buông đũa, bỏ cả bát cơm đang ăn dở, vội lao ra ngoài khi bầu trời đã tối đặc.
 
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ anh Long cho biết, đây là điều xảy ra thường xuyên tại ngôi nhà của anh chị. Lấy chồng làm thợ điện, người phụ nữ nhỏ bé dường như đã thấm hết được những khó khăn, vất vả của ngành nghề được cho là vô cùng gian nan và nguy hiểm này.
 
"Mùa nắng nóng thế này, anh thường xuyên đi sớm về muộn. Có đêm, xảy ra sự cố phải đi làm đến 1,2 giờ sáng, có khi vừa về lại đi, đi đến sáng rồi ban ngày vẫn phải làm việc bình thường, thời gian nghỉ cũng rất ít. Vì công việc bận rộn nên anh cũng ít khi tham gia vào các việc của gia đình. Tôi là người đảm nhận hết từ con cái, chăm sóc, rồi cũng động viên anh cố gắng thôi. Đã là nghề mình theo đuổi thì cũng phải cố gắng phục vụ cho nhân dân thật tốt", chị Quỳnh tâm sự.
 
Chị cho hay, đây không chỉ là công việc vất vả mà còn luôn đầy rẫy nhưng nguy hiểm rình rập. Chị kể rằng, có những hôm mưa gió, nguy cơ chập điện là rất lớn. Lúc đó, các anh công nhân lại phải lao ra đường ứng phó để xử lý sự cố điện kịp thời.
 
"Đêm hôm mưa gió bão bùng, nhiều người còn nói đùa rằng đến con vật còn biết chạy vào nhà, nhưng thợ điện thì lại chạy ra ngoài. Nhiều khi phải đi ngoài đường trời mưa bão, cây đổ, mái tôn nhà họ lia vào người nên mình cũng sợ", chị Quỳnh nhớ lại những lần cùng chồng đi xử lý sự cố điện trời mưa.
 
"Có hôm trời mưa, tôi đi rọi đèn hay đưa đồ cho đoàn. Các anh phải lội nước cao đến ngang chân, phải cởi hết quần áo ra, mặc mỗi quần đùi. Nhưng khi ấy cũng chẳng biết ngại là gì cả. Lội lên trơn còn không trèo được cột. Nghĩ đến các anh mà thấy rất tội", chị bồi hồi chia sẻ. Những câu chuyện nghe vừa thấy buồn cười, vừa thấy đáng thương, là những trải nghiệm mà chỉ có những người làm trong ngành điện hoặc có người thân trong ngành mới hiểu được.
 
Bước vào tháng 6 - giai đoạn cao điểm nắng nóng, các công nhân thợ điện thường xuyên phải căng mình trực chiến, đảm bảo cấp điện đầy đủ cho sinh hoạt của người dân cũng như điện phục vụ hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế. 
Công nhân Điện lực luôn phải làm việc liên tục trong tiết trời nắng nóng.
 
Theo anh Long, trong mùa nắng nóng khắc nghiệt, phụ tải điện tăng rất mạnh. Trong đó, Tĩnh Gia luôn được coi là điểm nóng nhất của Thanh Hóa. Tuy nhiên, trước thời điểm đó, Điện lực Tĩnh Gia đã tổ chức cho các nhóm công tác để kiểm tra tình hình băng tải tại các trạm biến áp tại các cột điện.
 
"Trong đợt nắng nóng kéo dài, Điện lực Tĩnh Gia luôn tổ chức kiểm tra các trạm biến áp, nếu có sự cố xảy ra thì sẽ tìm biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo cung cấp đủ điện cho bà con nông dân. Hiện tại, lưới điện của điện lực Tĩnh Gia rất lớn. Trạm điện tương đối dài, số người có hạn nên anh em thường phải thay nhau trực, kể cả xa hay gần. Ở các đội quản lý vận hành hiện tại, tất cả luôn để máy trực 24/24. Bất kể thời điểm nào, khi có lệnh điều động của đội là anh em lên đường, thường xuyên xử lý các sự cố quá tải, kể cả tối hay ban đêm và trong mọi thời tiết", anh Long cho biết.
 
Dù vất vả, khó khăn, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng ít có người thợ điện nào nghĩ đến việc bỏ nghề. Có lẽ, vì công việc mang đến nguồn điện cho người dân đã trở thành 1 phần lý do để cống hiến và làm việc của những người công nhân cần mẫn. 
 
"Làm nghề điện vất vả thì cũng vất vả, nhưng nhiều khi người dân mất điện, mình sửa được điện cho người ta kịp thời và đặc biệt trong thời gian nắng nóng, kể cả trưa hay tối, họ cảm ơn mình thì cũng cảm thấy được động viên rất nhiều. Đó là lý do mà nhiều anh em vẫn tiếp tục theo đuổi cái nghề quá khó khăn và khắc nghiệt này", anh Trần Trung Đức, công nhân Đội hạ thế 1, Điện lực Quỳnh Lưu chia sẻ.

Sẵn sàng túc trực, để ra giải pháp hiệu quả đảm bảo cấp điện an toàn cho người dân
 
Thông tin về tình hình tiêu thụ điện trên địa bàn trong tháng 6/2020, anh Hà Văn Nam, Phó Giám đốc Điện lực Tĩnh Gia cho biết, trong tháng vừa qua có hơn 52.000 khách hàng sinh hoạt với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện bình quân là trên 30% so với tháng 5. Nhu cầu sử dụng của người dân cùng với các thiết bị làm mát hoạt động hết công suất là nguyên nhân khiến mức điện tăng trưởng cao.
 
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức với ngành điện trong thời gian cao điểm nắng nóng, anh Hà Văn Nam cho biết, thời gian qua, ngành điện đã liên tục triển khai các phương án, một là luân chuyển các máy biến áp quá tải để thay thế, phục vụ cấp điện; hai là lên phương án kiểm tra ngày và đêm thường xuyên ngày và đêm các trạm biến áp mang tải cao để kịp thời khắc phục những sự cố không mong muốn; ba là chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị, vật tư để khắc phục các sự cố, ứng phó với thời tiết khắc nghiệt.
 
"Trong thời gian vừa qua, Điện lực Tĩnh Gia đã kịp thời đóng điện trạm 110 kV Tĩnh Gia 2, san tải sang Tĩnh Gia 1 để đảm bảo cung ứng điện, đồng thời nâng cấp, cải tạo 1 số đường dây bị quá tải để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho bà con nhân dân trên địa bàn", anh Nam cho biết.
 
Để ứng trực nắng nóng, cấp điện cho bà con, Công ty điện lực cũng phân công các ca trực, thường xuyên kiểm tra các đường dây, trạm biến áp bị quá tải để đảm bảo cấp điện ổn định nhất, tránh sự cố không mong muốn xảy ra.
 
Tương tự, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tình hình phụ tải điện khu vực sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản từ đầu mùa hè tới nay tăng đột biến. Mùa hè nắng nóng, với nhiệt độ cao trong thời gian dài, thường xuyên ở mức 41 - 42 độ khiến phụ tải khu vực sinh hoạt công cộng trong tháng 6 trên địa bàn huyện tăng xấp xỉ 31,2% so với tháng 5. 
 
Không chỉ phụ tải điện tăng cao mà khu vực này còn thường xuyên xuất hiện các hiện tượng giông lốc kèm sấm sét do thời tiết chuyển mùa. Với đặc thù ven biển nên mật độ sét tương đối dày đặc, gây ra những khó khăn trong công tác quản lý vận hành lưới điện cũng như khắc phục, xử lý nhanh sự cố, cấp điện trở lại phục vụ người dân.
 
Theo anh Nguyễn Văn Đạt - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Điện lực Quỳnh Lưu (PC Nghệ An), để đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ dịp nắng nóng này, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tính toán, dự đoán nhu cầu phụ tải trong mùa hè, chuẩn bị các phương án khắc phục, xử lý kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ ngày đêm lưới điện trước và trong mùa nắng nóng, xử lý kịp thời; đồng thời vận dụng nguồn vốn sẵn có ở đơn vị để luân chuyển, nâng công suất máy biến áp, bổ sung dây, cải tạo lưới hạ thế, đặt thêm trạm dã chiến phục vụ ổn định cấp điện trên địa bàn.
 
"Từ đầu năm, đơn vị đã thực hiện đặt 5 trạm dã chiến, kéo được hơn 2.000m dây hạ thế. Ngoài ra, giải pháp nữa là phối hợp chính quyền, nhà thầu thi công, giải phóng mặt bằng thi công các công trình quá tải, cải tạo lưới để kịp thời đóng điện trong mùa hè, cấp điện ổn định phục vụ nhân dân", anh Đạt thông tin.
 
Trong thời gian tới, để đối phó với nguy cơ nắng nóng kéo dài, Điện lực Quỳnh Lưu cũng sẽ tăng cường công tác lưới điện, phát hiện sự cố, xử lý kịp thời; đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án đầu tư, tập trung khắc phục, phối hợp chính quyền, nhà thầu tháo gỡ vướng mắc về vấn đề mặt bằng trên địa bàn. Đối với phụ tải tăng trưởng đột biến, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả.
 
Anh Đạt cũng cho biết thêm, để đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc giữa tiết trời nắng nóng gay gắt, đơn vị cũng có nhiều giải pháp chăm lo đời sống trên hiện trường làm việc cũng như cuộc sống sinh hoạt của thợ điện; đảm bảo sức khỏe, tinh thần anh em làm việc hiệu quả, an toàn, mang đến nguồn điện phục vụ cho cuộc sống của bà con. 
 
Theo: VTC News