Tin trong nước

Sử dụng hiệu quả nguồn nước xả từ các hồ thủy điện

Thứ tư, 20/1/2016 | 10:34 GMT+7
Đợt lấy nước đầu tiên sẽ diễn ra từ 0h ngày mai, 21/01 đến 24h ngày 26/01/2016 phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2016. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (TCTL) cho biết về công tác chuẩn bị tiếp nhận đợt đầu tiên lấy nước này.

 
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

PV: Xin ông cho biết về dự báo tình hình nước phục vụ sản xuất nông  nghiệp vụ Đông Xuân 2016? Cụ thể, vụ đông xuân 2016 có gì khác so với các vụ đông xuân trước hay không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong các tháng đầu năm 2016, dòng chảy sông suối có thể giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN, lưu vực sông Đà hụt từ 5-30%, sông Thao từ 10-45%, sông Lô từ 5-20%, hạ lưu sông Hồng từ 40-45%. Nhìn chung, tình hình nguồn nước không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, khả năng sẽ xảy ra thiếu nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng cho lúa nếu không được điều tiết bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Về thuận lợi, các hồ thủy điện hiện có dung tích trữ bảo đảm cung cấp đủ nước cho 3 đợt xả theo kế hoạch và chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác xả nước, sẽ bảo đảm tốt việc cung cấp phục vụ gieo cấy lúa ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy nhiên, khó khăn đáng kể là theo dự báo hiện tượng mùa Đông ấm sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, nguy cơ gây giảm năng suất và mất mùa. Thêm nữa, trong thời gian tháng 3, 4/2016, dòng chảy hạ du hệ thống sông Hồng xuống thấp sẽ xảy ra thiếu nước tưới dưỡng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, nhất là khi các nhà máy thủy điện giảm công suất phát điện. Ở vùng miền núi phía Bắc, mặc dù có lượng nước trữ tương đối khá nhưng diện tích phục vụ tưới không lớn do phần lớn các hồ chứa có dung tích không lớn. Do vậy, những diện tích canh tác lấy nước tưới từ sông, suối (nhờ các đập dâng nhỏ) hoặc canh tác nhờ nước trời có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ Đông Xuân 2015-2016.

PV: Theo kế hoạch, khi xả nước từ các hồ thủy điện, với mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội được duy trì ở mức + 2,20 m trở lên, theo ông mực nước này có đảm bảo để các địa phương lấy được nước hiệu quả không ?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để các địa phương lấy nước hiệu quả, dòng chảy sông Hồng phải bảo đảm cho các công trình lấy nước hoạt động đạt công suất thiết kế. Trong đó, yếu tố mực nước sông là điều kiện cho các cống lấy nước tự chảy, là loại hình công trình thủy lợi lấy nước phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, điển hình như các công trình Liên Mạc, Xuân Quan, Long Tửu. Bên cạnh đó, lưu lượng dòng chảy phải bảo đảm đẩy mặn hiệu quả, tăng thời gian lấy nước ngọt cho các cống lấy nước vùng triều.

Với mức nước ở Hà Nội +2,2m, các công trình lấy nước bằng trạm bơm ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một số khu vực của TP Hà Nội hoạt động, đồng thời đẩy mặn rất hiệu quả cho các công trình thủy lợi vùng triều ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình hoạt động. Đối với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, với mực nước tại Hà Nội +2,2m, mực nước thượng lưu của một số cống như Long Tửu, Liên Mạc, Xuân Quan chưa đạt mực nước thiết kế.

Để bảo đảm tiêu chí tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện, mực nước tại +2,2m được duy trì nhiều năm nay trong các đợt xả nước. Các địa phương có nguồn nước chưa thực sự thuận lợi đều có phương án khắc phục khó khăn, bảo đảm tiến độ lấy nước. Tuy nhiên, trên thực tế, để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các địa phương, EVN đều tăng lượng xả để mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức lớn hơn +2,2 m, có những thời điểm lên tới 2,4m hoặc 2,5m.

PV: Việc tiết kiệm nước trong bối cảnh hạn hán là vô cùng quan trọng. Vậy TCTL đã có kế hoạch lấy nước thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo lịch lấy nước Đợt 1, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội sẽ duy trì ở mức thấp nhất + 2,2 m từ 0 giờ ngày 21/1 đến 24 giờ ngày 26/1/2016 (6 ngày). Trong đó, lưu ý dòng chảy sông Hồng ở thượng lưu Trạm thủy văn Hà Nội (các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc) sẽ bảo đảm các công trình thủy lợi hoạt động trước thời điểm 0h ngày 21/1; các tỉnh ven biển sẽ lấy nước hiệu quả sau thời điểm 24h ngày 26/1.  

Để tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Tổng cục Thủy lợi vừa có Công điện số 04/CĐ-TCTL-QLCT ngày 15 tháng 1 về việc chuẩn bị lấy nước Đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015-2016, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, lưu ý các địa phương 1 số nội dung: Hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải toả các ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở kênh dẫn các cửa lấy nước; Kiểm tra hệ thống máy bơm, phương tiện lấy nước để sẵn sàng vận hành khi nguồn nước bảo đảm; Theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến nguồn nước, tổ chức vận hành ngay các cửa lấy nước, trạm bơm để trữ nước vào hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất và gieo cấy, đặc biệt ưu tiên cấp nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước; Tăng cường lực lượng túc trực tại công trình đầu mối; Bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để rò rỉ gây lãng phí…

PV: Dự kiến các đợt xả nước sẽ cấp hơn 5,16 tỷ m3 nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2016. Trong gần 10 năm nay sản lượng nước xả để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi diện tích gieo cấy và hoa màu không đổi (vẫn khoảng 630 nghìn ha). Điều này đặt ra vấn đề có phải do sử dụng nước không hiệu quả và với tổng lượng xả là 5,16m3 nước có đủ cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2016 ở các tỉnh Trung du và ĐBBB ?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện lớn nhất vào năm 2014, lên tới 5,7 tỷ m3, có một số nguyên nhân đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo như trước và trong thời kỳ lấy nước hầu như không có mưa, đất ruộng và hệ thống kênh mương thủy lợi rất khô, làm tăng lượng nước đổ ải. Theo tính toán sơ bộ, lượng nước tăng từ 20-30% so với năm 2013. Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi, lòng dẫn hệ thống sông Hồng một số năm gần đây đã bị xói sâu hơn, so với năm 2000 trung bình gần 20%, đặc biệt lòng dẫn sông Đuống xói sâu đến hơn 40%, vấn đề này làm mất lượng nước đệm bù vào các phần bị xói. Dòng chảy cơ bản hệ thống sông Hồng trước các đợt xả xuống rất thấp, mực nước tại Hà Nội trước Đợt xả 2 chỉ đạt +0,24m, thấp hơn nhiều so cùng giai đoạn năm 2013 (đạt +1,02m), năm 2012 (đạt +1,10m), làm tăng lượng nước xả để nâng mực nước tại Hà Nội lên trên +2,20m. Trong Đợt 2 và Đợt 3, nguồn nước hạ du hệ thống sông Hồng đã được điều tiết tăng (mực nước trung bình tại Hà Nội Đợt 2: 2,47m, Đợt 3: 2,44m, tăng so với Đợt 1 khoảng 0,15m) để giải quyết khó khăn về nguồn nước cho một số khu vực thuộc tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh…

Năm 2015, một số yếu tố thuận lợi như có mưa trước Đợt 1 và trong Đợt 3, làm tăng lượng dòng chảy hệ thống sông và đẩy nhanh tiến độ lấy nước; Kế hoạch lấy nước phù hợp với hầu hết các địa phương, thời gian lấy nước của từng đợt được tính toán bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất; Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt hơn đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng.

Năm nay, dự kiến tình hình không thuận lợi như năm 2015, khả năng ít có mưa. Lượng nước xả của các hồ chứa thủy điện sẽ tương đương năm 2015 nếu công tác lấy nước được nỗ lực tăng cường tốt hơn nữa.

Công việc làm đất cần lượng nước rất lớn trong thời gian ngắn, do vậy, mới cần 3 Đợt xả nước tập trung. Tuy nhiên, giống như các năm trước, Tổng cục Thủy lợi sẽ đề nghị các địa phương tích trữ tối đa lượng nước từ các đợt xả nước này vào trong nội đồng để dành cho kỳ tưới dưỡng sau đó. Ngoài ra, lượng nước tưới dưỡng sẽ được cung cấp từ các hồ chứa thủy lợi, sông nội địa. Sẽ không có đợt xả nước tập trung dành cho tưới dưỡng. Trường hợp dòng chảy sông Hồng quá thấp, Tổng cục Thủy lợi sẽ đề nghị EVN tăng cường phát điện để duy trì dòng chảy. Các địa phương cần lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dòng lượng nước này cung cấp cho tưới dưỡng.  

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !
 
Nguyên Long/Icon.com.vn