|
Trên đường xuống huyện Mường La "núi ấp ôm mây, mây ấp núi" |
Chúng tôi đến Mường La vào những ngày cuối cùng của năm cũ, cái rét ngọt của Hà Nội nhạt dần theo vĩ độ lên Tây Bắc. Mùa xuân như đến sớm hơn ở vùng núi rừng hùng vĩ này. Dọc quốc lộ 6, hoa mận, hoa đào đua nhau nở, điểm tô làm cho bức tranh núi rừng Tây Bắc thêm rực rỡ, ngỡ như quãng đường dằng dặc, hàng trăm cây số lên Sơn La với những đèo, những khúc cua ngoằn nghèo như ngắn lại. Chưa đầy 7 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm thị xã và tiếp tục hành trình tới Mường La, thăm công trình thủy điện huyền thoại.
Từ thị xã vào Mường La chưa tới 50 cây số, nhưng đây thực sự là đoạn đường đầy thử thách với những người lần đầu đi xa và lại càng cam go với những người say xe. Những đoạn dốc với những góc cua vắt tay áo, dựng đứng, xóc ngược như muốn hất tung mọi người ra khỏi xe…. Những trận nôn thốc tháo của những phóng viên lần đầu “lên núi”, những tiếng chim ríu rít hòa cùng với tiếng đại ngàn… Càng vào sâu trong huyện, con đường càng gập ghềnh, hiểm trở, nhưng bức tranh sơn thủy lại càng trở nên rực rỡ, kỳ diệu. Không cưỡng nổi sự quyến rũ, đoàn chúng tôi chốc chốc lại dừng lại bấm máy, ghi lại những hình ảnh độc đáo thơ mộng mà đất trời đã ban tặng cho Mường La. Thỏa cơn khát. Những mảng ruộng bậc thang xanh mướt phủ khắp những triền đồi, những con suối len lỏi qua những góc núi ngày đêm róc rách, những nếp nhà sàn xinh xinh, những làn khói trắng bảng lảng lẫn với sương, mây…
Chiều muộn, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Mường La, vội vàng tới thăm công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Trời căng gió lộng, từ trên cao nhìn xuống lòng hồ thăm thẳm, ngổn ngang những vật liệu, những cột điện, những tường hào, những con người bé nhỏ đang đánh đu với những chiếc cần cẩu khổng lồ…Mỗi ngày, công trình lại dần được hoàn thiện, những chiếc cột điện lại được dựng lên vươn tới các bản làng xa xôi. Nhìn những hàng cột điện thẳng tắp, sừng sững vươn cao giữa đại ngàn bao la, đầy thách thức, chúng tôi thầm cảm ơn và khâm phục những người thợ tài ba cần mẫn đã không quản ngày đêm lao động, để khẳng định sức mạnh của con người trước thiên nhiên, để dẫn nguồn điện, dẫn ánh sáng tới khai phá những miền đất còn tối tăm, lạc hậu.
|
Công trình thủy điện vào giai đoạn nước rút |
Hoàng hôn đỏ lửa, chúng tôi trở về huyện khi cả công trường khổng lồ vẫn đang hối hả, những chiếc cần cẩu cao vút vẫn ăn hàng đều đặn và những tiếng khoan, đập bê tông vẫn rền vang, rầm rập…, tất cả vẫn đang gồng mình cho giai đoạn nước rút, quên cả thời gian, quên cả mùa xuân đang ập tới.
Tiếp chúng tôi, Bí thư huyện ủy Mường La- Lạc Hồng Mai hồ hởi cho biết: ngày 25/1 vừa qua, công tác di dân tái định cư trên toàn bộ khu vực Tây Bắc đã hoàn tất. Tính đến hết ngày 30/11/2009, riêng huyện Mường La đã di chuyển được 310 hộ tái định cư, nâng tổng số hộ di chuyển từ đầu dự án lên 3244 hộ. Công tác bồi thường, hỗ trợ để các hộ ổn định cuộc sống ở quê hương mới được triển khai tốt, đến nay cơ bản các hộ đã dựng xong nhà, và các công trình công cộng, từng bước ổn định đời sống và tổ chức sản xuất kinh doanh. Cùng với công tác di dân, công trình thủy điện hiện cũng đang ở giai đoạn hoàn thiện, chỉ chờ ngăn đập. Theo kế hoạch đúng ngày 22/12/2010 nhà máy sẽ chính thức phát điện. Có điện, có ánh sáng…đời sống đồng bào các dân tộc sẽ được nâng lên và chắc chắn Mường La sẽ “thay da đổi thịt”.
Theo gợi ý của Bí thư huyện ủy, chúng tôi tới thăm bản Quỳnh Lương, Xã Chiềng Chăn- bản tái định cư của đồng bào dân tộc Thái. Mùa xuân không chỉ tràn ngập trên các vạt núi, cánh rừng, mùa xuân đã thực sự ập vào và ngự trị trong từng nhà của bản người Thái này. Mới chuyển tới đây chưa được 2 năm nhưng cuộc sống mới của bà con khá ổn định. Những mái nhà tranh vách đất nay đã được thay thế bằng những ngôi nhà sàn kiên cố, có ti vi, xe máy,….xã đã có trường mái ngói, có trung tâm văn hóa bề thế. Tuy chưa được giao đất, giao rừng nhưng bà con tự vỡ những quả đồi màu mỡ gần nhà để tăng gia. Vì thế, cùng với quà và kinh phí hỗ trợ của nhà nước, tết chưa đến mà nhà nào nhà nấy gạo đã đầy nồi, ngô đầy bồ, thịt treo gác bếp…Công việc đồng áng không còn, phụ nữ ở bản miệt mài ngồi may áo, váy mới để diện trong dịp tết.
|
Một góc bản Quỳnh Lương |
Rời bản người Thái, với niềm vui khôn tả, nhìn những đứa trẻ bi bô chạy quanh những gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa…chúng tôi tin tưởng rằng mùa xuân trên quê hương mới này chắc chắn sẽ ấm áp và tràn ngập niềm vui. Những đồi trọc, đất trống nơi đây rồi sẽ được phủ xanh bởi những mầm non đang trỗi dậy đầy sức sống. Nắng xuân ấm áp, sự sống sẽ được ươm mầm tốt tươi nơi đất mới.
Trên đường trở về, chúng tôi còn ghé thăm Trung tâm văn hóa huyện. Tuy đã hết giờ hành chính nhưng các cán bộ của trung tâm vẫn đang cần mẫn cắt dán, làm các băng rôn, khẩu hiệu…tuyên truyền, cổ vũ, chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa tết….Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Thắng, giám đốc trung tâm cho biết: tuy là huyện có địa bàn phức tạp, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa- thể thao, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng cao trong huyện còn nhiều khó khăn nhưng huyện đã nỗ lực triển khai các phong trào xây dựng văn hóa, xóa đói giảm nghèo…đến nay toàn huyện có 67 bản, tiểu khu văn hóa; 90 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Năm 2009, toàn huyện có 161 đội văn nghệ quần chúng biểu diễn phục vụ 370 buổi, thu hút 170.000 lượt người xem, kẻ vẽ được 70m2 pa nô, cắt dán 550m2 khẩu hiệu vượt đường, 200 buổi cổ động…Và trong dịp tết Canh Dần 2010- kỷ niệm thủ đô tròn 1000 năm tuổi, Mường La đã tổ chức ra quân tất cả các đội văn nghệ, xây dựng những chương trình đặc biệt, sẵn sàng tới tận những vùng sâu, vùng xa nhất để phục vụ bà con. Còn ở trung tâm, tính tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho dịp tết cơ bản đã hoàn tất. Trung tâm văn hóa huyện sẵn sàng đón bà con các dân tộc về vui xuân.
Tạm biệt Mường La, chúng tôi trở về Hà Nội với niềm tin mãnh liệt, rằng Mường La đã thực sự đổi mới, bắt nhịp được cùng với cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển. Những tiềm năng vẫn đang tiếp tục được khai phá và trỗi dậy, những bản nghèo, lạc hậu đã dần được xóa tên trong danh sách… Mường La của hôm nay đã vậy, Mường La của ngày mai có thủy điện còn đổi mới và phát triển hơn nhiều. Mùa xuân của Mường La hôm nay đã thực sự hòa chung cùng mùa xuân của cả nước./..