Ngành điện thường xuyên rà soát, kiểm tra và phát quang, mé nhánh cây trong hành lang an toàn lưới điện trước mùa mưa, bão.
Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 22 vụ sạt lở, ước giá trị thiệt hại hơn 3 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 23 vụ, ước giá trị thiệt hại giảm hơn 1 tỉ đồng.
Đáng chú ý, phần lớn các điểm sạt lở này xảy ra ở huyện Châu Thành. Ông Đỗ Anh Hoài, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Điện lực Châu Thành, cho biết: Châu Thành là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở, ảnh hưởng và có nguy cơ ngã đổ tại một số trụ điện, vì thế ngành điện luôn có sự chủ động để đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn, chú trọng đến việc di dời các trụ nằm ở điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao vào các vị trí an toàn, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”. Các sự cố điện liên quan sạt lở đều được báo cáo nhanh về công ty để tổ chức phương án mua sắm vật tư, thiết bị khắc phục sớm nhất.
“Trước mùa mưa bão, chúng tôi đã lập kế hoạch kiểm tra lưới điện, tổ chức phát quang cây xanh, tránh nguy cơ ngã đổ vào lưới điện làm gián đoạn việc cấp điện. Sau khi nhận tin có sự cố lưới điện do giông bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Điện lực Châu Thành phân công lực lượng xung kích tại điện lực phối hợp với lực lượng dân quân các xã để khắc phục ngay, đảm bảo cung cấp điện cho người dân. Chúng tôi còn là thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện và lực lượng xung kích, thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để lập lịch ứng trực, xử lý sự cố”, ông Đỗ Anh Hoài chia sẻ.
Ông Đỗ Anh Hoài cho biết, nhờ sự chủ động từ sớm, điện lực đã tập hợp các vật tư, thiết bị dự phòng công ty mua sắm phát về cho các điện lực để khắc phục sự cố do thiên tai, thời tiết bất thường nên không xảy ra bị động. Ngoài ra, Giám đốc Điện lực Châu Thành, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng là thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện Châu Thành. Khi có sự cố thì điện lực phân công phối hợp với địa phương xuống khảo sát, tổ chức khắc phục, đảm bảo cấp điện liên tục cho bà con sinh hoạt và sản xuất.
Công ty Điện lực Hậu Giang cho biết, các đơn vị trực thuộc phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị thay thế dự phòng để kịp thời xử lý sự cố nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho ngành điện; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để xử lý sự cố và cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian sớm nhất một cách an toàn.
Ngành điện khuyến nghị người dân không nên xây dựng, lắp đặt các công trình, bảng hiệu, trồng cây vi phạm hành lang lưới điện, tự ý chặt, tỉa cành trên cao gần đường dây điện đang vận hành, không thả diều gần đường dây điện… để đảm bảo an toàn cho các công trình điện nói chung cũng là đảm bảo an toàn cho chính người dân.
Ngoài nỗ lực của ngành điện, người dân trên địa bàn tỉnh cần có tinh thần chủ động thực hiện tốt các biện pháp đề phòng tai nạn điện để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người thân. Luôn cẩn thận trong quá trình sử dụng điện để đề phòng tai nạn điện có thể xảy ra khi có thiên tai, mưa, bão, nhất là không nên đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét. Không tự ý leo lên cột điện, vượt qua hàng rào trạm điện hoặc chạm vào dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao để đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa.
Khi thấy trụ điện ngã đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống thì không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện và ngăn ngừa không cho người khác đến gần. Đồng thời, nhanh chóng tìm cách báo ngay cho đơn vị quản lý lưới điện, Trung tâm Chăm sóc khách hàng - Tổng Công ty Điện lực miền Nam hoặc chính quyền địa phương gần nhất biết để có biện pháp xử lý. Không chặt cây gần đường dây điện, có thể bị phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi chặt cây cần liên hệ phối hợp với đơn vị quản lý lưới điện tại địa phương.
Riêng đối với việc phòng chống cháy nổ khi sử dụng điện, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng cao, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khuyến cáo khách hàng hãy nâng cao cảnh giác trong việc sử dụng điện thật an toàn để đảm bảo phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Trong đó, nên bố trí riêng ổ cắm cho từng thiết bị điện công suất lớn. Lắp đặt hệ thống cáp dẫn, dây dẫn diện phải đặt trong khay cáp, thang cáp, hộp cáp hoặc rãnh cáp, ống luồn dây chuyên dùng.
Lắp aptomat, cầu chì phù hợp với công suất sử dụng cho từng khu vực, thiết bị điện công suất lớn, tách riêng nguồn điện chiếu sáng, sản xuất kinh doanh, phục vụ chữa cháy và thoát nạn. Lắp đặt hệ thống cáp dẫn, dây dẫn điện, thiết bị điện phải đúng thiết kế, đúng tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các mối dây dẫn điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật nối so le và được quấn băng cách điện.
Ông Nguyễn Khoa Hải Long- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, công ty đã tổ chức diễn tập ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão, sạt lở gây ra cấp công ty năm 2024 tại huyện Châu Thành. Diễn tập là dịp để Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của công ty và các điện lực rà soát lại công tác tổ chức, điều hành trong việc ứng phó và xử lý các sự cố do thiên tai gây ra. Giúp cho lực lượng xung kích cũng như toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty nâng cao nhận thức, tính chủ động, làm quen với công tác xử lý các sự cố…
Link gốc