Công nhân Điện lực Hoàng Su Phì xử lý sự cố trên đường dây 35 KV thuộc địa phận xã Ngàm Đăng Vài. Ảnh: Hồng Nhung
Khắc phục sự cố không kể ngày, đêm
Hằng năm, vào mùa mưa, bão, ngành Điện lại tất bật xử lý sự cố do thiên tai gây ra. Điển hình nhất là trong những ngày tháng 6, tháng 7 vừa qua, Điện lực (ĐL) huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì đã phải liên tục khắc phục sự cố mưa lớn gây sạt lở nguy cơ đổ cột điện hạ áp, cao áp và sét đánh cháy máy biến áp (MBA)... làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho người dân.
Tại huyện Hoàng Su Phì, từ đầu tháng 6 đến nay sạt lở làm ảnh hưởng đến 18 cột cao áp, 74 cột hạ áp và cháy 4 MBA. Mặc dù đã chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để nhanh chóng khắc phục sự cố, xong cũng có những sự cố lớn yêu cầu phải làm việc liên tục với cường độ cao trong nhiều ngày. Cụ thể, sạt lở đổ cột điện khiến 395 khách hàng tại xã Túng Sán bị ngừng cung cấp điện, để khắc phục sự cố này ĐL Hoàng Su Phì đã phải làm việc liên tục trong 10 ngày từ 10.6 đến 19.6 mới có thể cấp điện trở lại cho người dân.
Ngoài ra, khi nhận được thông báo của người dân về sự cố, công nhân ngành Điện sẽ phải di chuyển đến địa điểm xảy ra để tìm nguyên nhân và tiến hành thao tác xử lý ngay cả trong đêm hay trong thời tiết mưa bão, gió rét. Ông Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc ĐL Xín Mần cho biết: Theo đặc thù yêu cầu của công việc, anh em trong đơn vị thường xuyên phải làm việc không kể ngày, đêm. Có thời điểm, anh em sau khi phát hiện sự cố phải xử lý đến 2 giờ, 3 giờ sáng mới xong. Nhưng dù làm việc trong thời gian nào, yêu cầu đảm bảo an toàn trong xử lý sự cố luôn được thực hiện nghiêm và đúng quy trình.
Không ngại nguy hiểm hoàn thành nhiệm vụ
Điện lực huyện Hoàng Su Phì kiểm tra, xử lý sự cố lưới điện tại xã Sán Sả Hồ. Ảnh: PV
Đặc điểm thổ nhưỡng của huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần có kết cấu địa chất đồi đất pha cát, địa hình thường xuyên bị chia cắt do thiên tai điều này dẫn tới việc di chuyển tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố của cán bộ, công nhân viên điện lực gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vị trí đặt cột điện, trạm biến áp thường là khu vực đồi dốc, dễ sạt lở hoặc xảy ra lũ ống, lũ quét nên quá trình tiếp cận và xử lý sự cố dễ đối mặt với những rủi ro khó lường. Điển hình như câu chuyện của anh Hoàng Minh Tuấn, ĐL Xín Mần trong lần đi khắc phục sự cố tại thôn Nậm Là, xã Quảng Nguyên vào giữa tháng 7, khi vừa vượt qua khe suối thì lũ ập tới kéo theo đó là lượng lớn đất, đá đổ xuống làm hai bên đường đều bị vùi lấp không thể đi lại, khiến anh phải đi vòng một trục đường khác mới có thể về trung tâm xã. Hay cũng trong tháng 7, thời điểm đường tỉnh lộ 177 thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhưng công nhân ĐL Hoàng Su Phì vẫn phải nỗ lực vượt qua các điểm sạt lở để kịp thời tiếp cận, khắc phục sự cố trên đường dây 35 KV thuộc địa phận xã Thông Nguyên.
Giám đốc ĐL Hoàng Su Phì, Nguyễn Bá Vĩnh chia sẻ: Với đặc thù địa hình, địa chất của các huyện phía Tây việc gặp phải rủi ro không mong muốn trong quá trình khắc phục sự cố là điều khó tránh khỏi. Nhưng anh em trong đơn vị luôn nỗ lực xử lý sự cố nhanh nhất có thể, để kịp thời cung cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian ngắn nhất.
Có thể thấy rằng, sự cố điện do thiên tai gây ra khiến công việc nhiều hơn nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao ngành Điện luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cả về con người và hệ thống điện, qua đó, giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Link gốc