Ngọn cao su đập vào dây dẫn tại khoảng trụ 375 – 376 của đường dây cao áp 110kV Bình Long 2 - Chơn Thành.
Tuy nhiên, hiện có hơn 80% chiều dài đường dây 110 KV đều đi qua rẫy cao su. Hành lang an toàn lưới điện cao áp khu vực này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ.
Hiểm hoạ rình rập
Khi cây cao su đổ vào lưới điện gây ra sự cố mất điện thời gian dài, tốn nhiều công sức và chi phí khắc phục, xử lý sự cố. Đơn cử như vụ đổ cây cao su vào khoảng 4 giờ sáng ngày 2.4.2014 vừa qua làm mất điện trên đường dây 110 KV đoạn qua Bình Long 2 - Chơn Thành mà đơn vị đã phải xử lý suốt gần 10 giờ đồng hồ. Nguyên nhân do mưa lớn kèm giông lốc làm ngã đổ cây cao su ngoài hành lang vào dây dẫn pha B, làm đứt dây dẫn gây ra sự cố tại trụ 378 - 379. Chi nhánh đã phải tách lèo tại trụ 468 để cung cấp điện kịp thời cho Nhà máy xi măng Bình Phước.
Sau đó, đêm 20.4 lại xảy ra sự cố trên đường dây 110 kV Bình Long 2 - Dầu Tiếng. Tiếp đó, đêm 2.6 lại tiếp tục xảy ra sự cố mất điện. Do mưa lớn kèm giông lốc đã làm đổ cây cao su quẹt vào dây dẫn pha A gây sự cố tại trụ 378 - 379.
Cao su bị ngã đổ, cành cây va quệt vào đường dây và bị phóng điện cháy là nỗi lo thường trực tại các đường dây cao áp ở Bình Phước.
Ý thức người dân chưa cao
Từ đầu năm đến nay, thống kê của Chi nhánh điện cao thế Bình Phước cho biết có khoảng 9.360 cây cao su có nguy cơ gãy đổ lên tuyến đường dây 110kV do đơn vị này quản lý. Hiện Chi nhánh mới chặt tỉa được hơn 3.000 cây, trong đó có khoảng gần 400 cây phải chặt tỉa trong điều kiện đường dây không được phép cắt điện.
Ông Nguyễn Ngọc Tự, Trưởng phòng Tổng hợp Chi nhánh cho hay đơn vị rất khó khăn trong công tác ngăn ngừa sự cố gãy đổ cây cao su. Lý do là khi xảy ra sự cố người dân mới cho đơn vị chặt tỉa cây. Mặt khác, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và hỗ trợ giải quyết dứt điểm nên nguy cơ sự cố mất điện do vi phạm hành lang luôn là vấn đề đau đầu của Chi nhánh.
“Cây cao su nằm dọc hành lang an toàn các tuyến đường dây 110kV trên địa bàn tỉnh đều có cành, ngọn vi phạm vào hành lang an toàn nên cần phải được chặt tỉa theo đúng quy định. Tuy nhiên khi làm việc với các hộ dân có vườn cây cao su liên quan thì họ nhất quyết đòi phải hỗ trợ tiền mới cho chặt tỉa. Vì thế, việc ngăn chặn sự cố do cây cao su ngã đổ vào lưới điện cao áp hiện nay vẫn không thể giải quyết dứt điểm được”, ông Tự cho biết.
Theo: Thanh niên