Tin trong nước

Quản lý giá điện bán lẻ nông thôn: Nên quy về một mối

Thứ hai, 11/8/2014 | 14:01 GMT+7
Gần đây, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã phản ánh về tình trạng giá bán lẻ điện của các hợp tác xã (HTX), công ty bán lẻ điện tăng cao. Câu hỏi đặt ra là, quản lý giá điện bán lẻ nông thôn nên quy về một mối hay không?


Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” để chiếm đoạt tài sản đối với ông La Minh Tâm- Chủ nhiệm HTX điện năng xã Ngọc Quan (Đoan Hùng, Phú Thọ). Vụ việc xảy ra từ năm 2006, khi HTX tự ý đặt ra quy định thu của các hộ sản xuất sử dụng điện 3 pha từ 1- 7 triệu đồng và nộp thêm 10% số tiền điện trên hóa đơn hàng tháng với lý do bù tổn hao điện năng và để nâng cấp các trạm biến thế.

Trước thời điểm ngày 1/6/2014, tại xã Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương), nhiều hộ dân sản xuất nhỏ cũng phản ánh về tình trạng giá điện bán lẻ trên công tơ 3 pha của Công ty Bình Phương và Công ty Quốc Tuấn là 2.100 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ cho cùng nhóm đối tượng sử dụng điện vào mục đích khác, được quy định theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương. Trong khi đó, giá bán buôn của Ðiện lực Nam Sách cho hai công ty này chỉ 1.120- 1.249 đồng/kWh (chưa VAT)...

Việc cho phép các công ty tư nhân tham gia thị trường điện bán lẻ cũng là một hình thức xã hội hóa, nhưng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “cai đầu dài” bán điện giá cao, bất hợp lý.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều ví dụ về giá điện nông thôn đang gây bức xúc trong dư luận. Thực tế, ở nhiều vùng nông thôn, lưới điện xây dựng đã lâu, xuống cấp, nhưng không được duy tu bảo dưỡng, vừa hao tổn điện năng lớn lại gây nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hệ thống đo đếm khó kiểm soát, chất lượng điện không ổn định dù người sử dụng điện vẫn phải trả giá theo quy định. Người dân mong muốn giao hẳn lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, nhưng một số địa phương vẫn cho rằng các HTX điện đang kinh doanh hiệu quả.

Sau hơn 6 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển giao lưới điện nông thôn cho Tập đoàn Điện lực quản lý, ngành điện đã nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, thiết bị đo đếm theo quy chuẩn, từng bước hoàn thiện dịch vụ khách hàng... nên về cơ bản, người dân đã được hưởng lợi từ giá cả đến chất lượng điện.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên cả nước vẫn còn hàng trăm HTX điện và một số công ty tư nhân đang kinh doanh bán lẻ điện. Hoạt động quản lý, kinh doanh điện không hề đơn giản và phải theo một quy trình nghiêm ngặt, thế nhưng, các HTX còn thiếu nhiều điều kiện về năng lực quản lý, tài chính yếu kém, tổn thất điện năng lớn, nguy cơ mất an toàn lưới điện cao, giá bán điện không hợp lý, chưa đúng đối tượng, người dân bị thiệt thòi...

Chính vì vậy, lưới điện nông thôn cần sớm chuyển giao toàn bộ cho ngành điện quản lý theo chủ trương của Chính phủ.
Theo: Công Thương