Hướng tới ĐH thi đua yêu nước EVN lần thứ III

Nữ kỹ sư đam mê chế tạo và máy biến áp made in Việt Nam

Thứ hai, 17/8/2015 | 16:14 GMT+7
Ngày 13/8, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi” trong thanh niên công nhân và lao động trẻ. 

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ tại diễn đàn. 
 
Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt, kỹ sư Cty Cơ điện Đông Anh (Hà Nội) gây ấn tượng đặc biệt cho các đại biểu tại Diễn đàn về câu chuyện của bản thân. Chị Nguyệt đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để chinh phục những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật điện, làm lợi cho đất nước. “Sau khi ra trường, tôi không nhận công tác tại phòng điện năng ở Hà Nội mà xin sang Nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh (nay là Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh EEMC) để có nghiên cứu phục vụ cho ngành điện”, chị Nguyệt chia sẻ. Từ đây, chị Nguyệt đã nghiên cứu, cho ra đời hàng loạt các thiết bị điện cao áp như máy biến áp 110kV, máy biến áp 220kV, máy biến áp 500kV...

“Tôi cứ thế miệt mài nghiên cứu không kể ngày đêm. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ đó, công trình nghiên cứu máy biến áp 110kV đầu tiên của Việt Nam do chúng tôi sản xuất (nặng 62 tấn) đã được đưa vào vận hành trong hệ thống lưới điện Quốc gia 110kV. Chất lượng, hình thức máy chúng tôi tốt hơn, đẹp hơn máy của nước ngoài đặt cạnh bên. Giá thành bằng 3/5 giá nhập khẩu”.
Máy biến áp 110kV là công trình nghiên cứu đầu tay của chị Nguyệt. Năm 1988, nhà nước xóa bỏ bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, đòi hỏi ngành điện phát triển trước một bước. Trước việc mỗi năm ngành điện phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua máy biến áp 110kV và 220kV của nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu điện cho đất nước,  nữ kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Nguyệt đề xuất đảm nhận công trình nghiên cứu thiết kế chế tạo máy biến áp 110kV. Đề xuất của kỹ sư Nguyệt gặp sự phản đối quyết liệt của hầu hết những người trong ngành điện, không tin vào khả năng của cô. “Trong hoàn cảnh đó, tôi càng muốn khẳng định cho mọi người hiểu rằng: Người nước ngoài làm được thì người Việt Nam chúng ta cũng làm được”, kỹ sư Nguyệt cho biết.
 
Năm 2010, chị Nguyệt tiếp tục nghiên cứu thành công công trình “Nghiên cứu thiết kế và công nghệ chế tạo tổ máy biến áp truyền tải, tự ngẫu 450MVA - 500 - 225 - 35kV”. Thành công của công trình đã đưa Việt Nam lên nước thứ 12 trên thế giới, cũng là nước đầu tiên của Đông Nam Á thiết kế và chế tạo được máy biến áp 500kV. Thành công của công trình đã kéo giá nhập khẩu xuống từ 150 tỷ đồng xuống còn 120 tỷ đồng/máy, làm lợi cho đất nước gần trăm tỷ đồng/năm. “Mỗi lao động trẻ trong thời kỳ mới hãy luôn nỗ lực hết mình trong công việc hằng ngày, không ngại gian khó, thử thách để chinh phục các đỉnh cao, làm lợi cho đơn vị, quê hương, đất nước, đó là cách thể hiện lòng yêu nước sâu sắc nhất”, anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt nhắn nhủ.
 
Tại diễn đàn, lão thành ngành Điện – ông Vũ Hiền đã “truyền lửa” cho thế hệ thanh niên công nhân và lao động trẻ bằng những câu chuyện chân thực về quá trình chiến đấu, lao động anh hùng, sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc của lớp công nhân thế hệ trước. Với thanh niên công nhân và lao động trẻ, tình yêu Tổ quốc được cụ thể hóa thành hành động, thể hiện ngay trong những nỗ lực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ lao động, sản xuất, góp phần xây dựng đơn vị, xây dựng đất nước giàu mạnh.
 
Theo: Tiền Phong