Không ngừng tìm tòi sáng tạo…
Thời trẻ là thợ may lành nghề, nhưng sau ngày giải phóng miền Nam, không biết cơ duyên nào đã đưa đẩy ông An vào làm công nhân Phân xưởng lưới điện, Sở Điện lực Đà Nẵng (nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng).
Ông Trần An bên chiếc đèn Led tiết kiệm năng lượng tự tạo
Năm 2008, vì lý do sức khỏe, ông An được bố trí làm nhân viên bảo vệ. Lúc này, ông có nhiều thời gian nghiên cứu, thực hiện đam mê của mình.
“Lần tình cờ ra thành phố Huế, thấy bán thanh lý những tấm pin năng lượng mặt trời, tôi thấy phí quá, liền mua mang về và cố gắng tìm tòi, học hỏi cách sử dụng. Tôi chủ yếu thu mua các đồ điện tử đã cũ về nghiên cứu phục hồi. Thay vì người ta đầu tư hàng trăm triệu cho hệ thống pin năng lượng mặt trời, tôi chỉ phải đầu tư mấy chục triệu là có thể tạo ra dòng điện với chất lượng khá tốt” - Ông Trần An chia sẻ.
Lúc đầu, ông tự mày mò lắp đặt, nhưng pin không sạc được, lần sau lại sạc quá đầy, làm nổ luôn pin. Vậy là ông lại nghiên cứu, chế tạo bộ điều khiển sạc. Mất vài tháng trời vùi đầu vào nghiên cứu, tìm hiểu mới hoàn thành được bộ điều khiển. Khi sạc pin, đồng hồ sẽ hiển thị chỉ số sạc, nếu đầy, thiết bị sẽ tự động ngắt.
Trải qua thời gian nghiên cứu, cuối cùng ông An cũng hoàn thiện bộ thiết bị phát điện năng lượng xanh của mình với một quy trình hoạt động tương đối đơn giản: Năng lượng thu được từ tấm pin được truyền qua bộ điều khiển sạc để nạp vào bình ắc-quy rồi từ đó cung cấp cho thiết bị điện.
Mở rộng phạm vi sử dụng năng lượng tái tạo
Nằm trong con hẻm trên đường Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, ngôi nhà của ông An rộng chừng hơn 50m2, nhưng hơn nửa diện tích chứa những tấm pin năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử và bình ắc-quy cũ.
Trên mái nhà, ông đặt nhiều tấm pin mặt trời. Vào mùa hè, với nền nhiệt ở Đà Nẵng, nguồn điện gia đình ông luôn dư dả. Mùa đông, ông lắp thêm một quạt bên hông nhà để thu năng lượng gió.
Thời gian này, năng lượng tự nhiên chỉ dùng cho bóng đèn chiếu sáng vì nguồn năng lượng tái tạo vào mùa đông không đủ cung cấp cho tất cả các thiết bị trong nhà. Ông An đã tìm cách hòa năng lượng tái tạo được dự trữ trong ắc-quy vào lưới điện.
Trước cửa nhà, ông lắp một hệ thống hòa lưới điện, gồm tấm pin, bộ hòa lưới, đồng hồ, công tắc điều khiển. Theo ông: “Thực ra việc sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã có từ lâu, không có gì là mới cả. Tôi chỉ mong muốn nghiên cứu thêm để lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo sao cho đơn giản và ít tốn kém nhất, nhà nào cũng có thể sử dụng”.
Ông chia sẻ: “Công suất điện nhà tôi sử dụng khoảng 200 W, khi lắp đặt hệ thống hòa lưới điện, tôi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo công suất khoảng 120 W, tiết kiệm ít nhất 60% công suất điện”. Chính vì vậy, ngay cả thời điểm nắng nóng, gia đình ông An cũng chỉ phải trả khoảng 200.000 đồng tiền điện/tháng.
Và cũng từ nhiều năm nay, nhà ông chưa bao giờ biết đến khái niệm "mất điện". Đặc biệt, năm 2013, toàn thành phố Đà Nẵng mất điện do sức tàn phá của cơn bão Haiyan, nhưng gia đình ông vẫn có điện, hơn nữa ông còn “chia” điện cho một số gia đình xung quanh, trong lúc chờ phục hồi được điện lưới.
Từ mô hình tiết kiệm điện nhà mình, ông đã nhân rộng mô hình này cho nhiều người thân quen, sử dụng pin mặt trời làm đèn hiệu quảng cáo tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Một số sáng chế của ông Trần An:
- Đèn LED có công suất 12 V. Tuổi thọ trung bình của thiết bị lên đến 30.000 giờ, trong khi bóng đèn ngoài thị trường chỉ 10.000 giờ.
- Máy cắt, máy mài, máy khoan... 12 V.
- Bộ chuyển đổi từ DC sang AC 220 V, với công suất 1.000 W.
- Bộ sạc năng lượng tái tạo cho wifi, khi mất điện, wifi vẫn hoạt động.
|