Hình ảnh sự cố điện do ảnh hưởng của giông lốc xảy ra năm 2019 tại lưới điện 100kV thuộc đường dây Ô Môn - Thới Lai.
Tháng 10-2019, sau cơn mưa kèm theo cơn lốc bất ngờ khiến cả chục cột điện trên địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai gãy đổ chìm xuống đồng ruộng. Đây là lưới điện 100kV thuộc đường dây Ô Môn - Thới Lai dài hơn 14km cấp điện cho người dân 2 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và một phần của quận ô Môn. Sự cố không gây thiệt hại về người, tài sản của người dân và đã được ngành điện chủ động khắc phục.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường. Nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro do thời tiết gây ra, ngay từ đầu năm, PC Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn. Trước khi bước vào mùa mưa, PC Cần Thơ đã chỉ đạo các Điện lực trực thuộc tại các quận, huyện triển khai thực hiện sửa chữa, vệ sinh sứ trên đường dây trung áp, kịp thời phát hiện, khắc phục kịp thời sứ hỏng để giảm suất sự cố trên lưới điện... Thực hiện kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), kịp thời phát hiện, xử lý những vị trí có nguy cơ mất an toàn cao; tiến hành phát quang, chặt tỉa cây xanh vi phạm HLATLĐCA nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc tai nạn điện xảy ra. PC Cần Thơ còn chú trọng xây dựng các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); tổ chức phổ biến, hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó với thiên tai khi xảy ra, đặc biệt đối với các tình huống giông, lốc, sét làm hư hại hệ thống điện. Tổ chức phối hợp các Công ty Điện lực của các tỉnh, thành tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế những thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật quy định về bảo vệ hành lang lưới điện và an toàn điện cho người dân.
TP Cần Thơ, đặc biệt là khu vực nông thôn, còn nhiều hộ gia đình nhà cửa tạm bợ, khi có gió to, lốc xoáy thường bị tốc mái (có khi sập cả căn nhà) va vào lưới điện gây nên gây ra sự cố. Cây xanh ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cũng dễ gãy nhánh, đổ ngã khi có mưa to gió lớn cũng uy hiếp đến sự an toàn của lưới điện… Ông Nguyễn Công Lực, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn - Bảo hộ lao động PC Cần Thơ khuyến cáo, để đề phòng tai nạn điện người dân cần chú ý: không vào trạm điện, tháo gỡ hoặc trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ. Không được trộm cắp, ném bắn gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện. Không sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình. Cấm thả neo tàu thuyền, thải nước và các chất ăn mòn cáp, thiết bị trong phạm vi 1,5m theo chiều ngang; không đứng dưới cột điện lúc trời mưa hoặc lúc có giông sét; không dựa vào cột điện và chơi đùa dưới đường dây điện… Không tự ý sửa chữa điện của gia đình nếu không có kiến thức về điện. Khi phát hiện trụ điện ngã hoặc dây điện đứt rơi xuống đất, ruộng, ao, hố cần ngăn cản mọi người không được tới gần quá 10m và tìm cách báo tin cho trạm điện lực gần nhất để xử lý.
Nhằm đảm bảo an toàn nguồn điện, đặc biệt trong mùa mưa bão, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, xây dựng phương án cấp điện cho những phụ tải quan trọng; bảo đảm thông tin liên lạc trong mùa mưa bão; chuẩn bị nhiên liệu, thiết bị dự phòng để khôi phục cấp điện trở lại an toàn, nhanh nhất. Đồng thời, thực hiện tổng kiểm tra lưới điện; tổ chức xử lý, khắc phục những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt tại các vị trí xung yếu; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền an toàn điện và biện pháp phòng tránh tai nạn điện cho nhân dân trong mùa mưa. Cùng đó, ngành điện đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, nguồn điện dự phòng nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời khắc phục hậu quả trên địa bàn và bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ.
Trong tháng 5-2020 dự báo có nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đó là tắt các thiết bị điện khi không cần thiết để tiết kiệm chi phí: cài máy điều hòa nhiệt độ ở mức 25-26 độ C vào ban ngày và 26-28 độ C vào ban đêm…
Link gốc