PC Cao Bằng: Nỗ lực nâng cao chất lượng cung cấp điện

Thứ hai, 1/2/2021 | 16:55 GMT+7
Để bảo đảm khả năng truyền tải và cấp điện trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, Công ty Điện lực Cao Bằng (PC Cao Bằng) đã luôn nỗ lực đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng cấp điện, ngay cả trong giai đoạn khó khăn như năm nay.

Khách hàng giao dịch tại Điện lực Thành phố Cao Bằng

 
Với địa hình hơn 90% đường dây đi qua các khu vực đồi núi, dân cư thưa thớt, thường xuyên có mưa dông và nằm trong vùng ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết cực đoan, để bảo đảm khả năng truyền tải và cấp điện trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, ông Vũ Xuân Linh - Giám đốc PC Cao Bằng - cho biết, trong năm 2020, đơn vị đã thực hiện đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện, giảm bán kính cấp điện, lắp đặt các thiết bị đóng cắt, thiết bị cảnh báo sự cố, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận từng bước nâng cao chất lượng độ tin cậy cung cấp điện.
 
Đặc biệt, trong tháng 7/2020, PC Cao Bằng đã đóng điện trạm 110 kV Bảo Lâm, một công trình quan trọng nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục và sẵn sàng tính dự phòng cho phát triển phụ tải khu vực miền Tây của tỉnh, nâng cao chất lượng điện áp, nâng cao độ ổn định cung cấp điện; thực hiện nâng công suất máy biến áp T1 thuộc Trạm biến áp 110 kV TP. Cao Bằng, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho phụ tải khu trung tâm tỉnh Cao Bằng; lắp đặt bổ xung máy biến áp T2 thuộc trạm biến áp 110 kV Quảng Uyên vừa tăng độ ổn định cung cấp điện, đáp ứng khả năng phát triển phụ tải và giải tỏa công suất phát cho các nhà máy thủy điện khu vực miền Đông của tỉnh.
 
Ngoài ra, một số nhà máy thủy điện trên địa bàn được đóng điện đã tăng khả năng đảm bảo cấp nguồn cho khu vực: Nhà máy thủy điện Mông Ân, Nhà máy thủy điện Bảo Lạc B, Nhà máy thủy điện Sông Nhiệm 4.
 
Hiện nay, Công ty luôn duy trì hoạt động ổn định hệ thống thu thập dữ liệu từ xa các công tơ đầu nguồn, ranh giới, lắp đặt hoàn thiện các điểm đo ranh giới nội bộ, đầu tư các trạm biến áp công cộng với tất cả các điểm đo đã có hệ thống đo xa; triển khai các chương trình đo xa kết hợp chỉnh trang lưới điện hạ thế. Tính đến ngày 31/12/2020, số lượng công tơ đo xa bán điện là 53.069, chiếm tỷ lệ 37,4% trên tổng số công tơ bán điện. Nhìn chung, các hệ thống đo xa vận hành tương đối ổn định, nâng cao hiệu quả lao động và đảm bảo tính chính xác trong công tác thu thập dữ liệu phục vụ vận hành, theo dõi tổn thất điện năng.
 
Ông Vũ Xuân Linh chia sẻ, trong năm 2020, Công ty đã đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các sự kiện chính trị, các ngày lễ trong năm, luôn ưu tiên cấp điện các khách hàng như các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn, bệnh viện, trường học,... cũng như không ngừng nỗ lực hoàn thiện công tác kinh doanh dịch vụ hướng đến người dân nhằm đem đến sự hài lòng cho mọi khách hàng.
 
Về điện nông thôn, tính đến năm 2020, công ty đã cấp điện lưới quốc gia đến 118.473/130.135 hộ, đạt tỷ lệ 91,04%. Tuy nhiên, do địa hình và đặc thù của tỉnh biên giới cùng sâu vùng xa, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 8,96% số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia.
 
ảnh bài PC Cáo Băng- PC Cao Bằng tham gia le ky ket giao uoc  thi dua  khoi các DN TƯ của tỉnh Cao Bằng nam 2021
PC Cao Bằng tham gia lễ ký kết giao ước thi đua khối các doanh nghiệp trung ương của tỉnh Cao Bằng năm 2021.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song cùng với tình hình khó khăn chung của cả nước, hoạt động của các khách hàng sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bị ảnh hưởng, hoạt động không ổn định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng điện thương phẩm năm 2020 của Công ty chỉ đạt gần 440 triệu kWh, bằng 84,12% so với năm 2019. Tổn thất điện năng năm 2020 của Công ty đạt 4,7%, giảm 0,1% so với năm 2019 và 0,45% so với kế hoạch. Công ty được đánh giá là một trong tỉnh miền núi có địa hình rộng, bán kính cấp điện dài nhưng có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp, độ tin cậy cung cấp điện cao trong EVNNPC.
 
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động không ngừng nỗ lực phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao. Theo đó, là đơn vị sản xuất, kinh doanh, hằng năm, Công ty xác định phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm chi phí sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chi nhánh điện các huyện, thành phố, các phòng chuyên môn của Công ty đều xây dựng kế hoạch đăng ký các đề tài. Ở bộ phận công nhân trực tiếp đề xuất những ý tưởng mới xuất phát từ thực tế lao động, sản xuất. Những ý tưởng này sẽ được hội đồng sáng kiến của công ty xem xét, cho ứng dụng thử nghiệm, khi thấy hiệu quả sẽ phát triển thành đề tài sáng kiến triển khai rộng rãi trong toàn ngành.
 
Thời gian qua, một số sáng kiến điển hình đưa vào ứng dụng thực tế trong lao động sản xuất tại các đơn vị, mang lại hiệu quả cao như: Cải tiến sửa chữa tụ bù 35 KV - 300 KVAr bị đánh thủng cách điện; Sử dụng ống bọc cách điện silicone cho dây nhôm trần ngăn ngừa sự cố do động vật và chống phóng điện bề mặt sứ; Giải pháp lưu trữ dữ liệu trực tuyến trên Mycloud cho PC Cao Bằng; Cải tiến kết cấu lắp đạt dao cách ly đa năng trên cột bê tông ly tâm…

Link gốc
Theo: Báo Công Thương