Đội ngũ cán bộ, kỹ sư PC Đà Nẵng theo dõi vận hành hệ thống DAS Trung tâm điều khiển.
Hiện nay, lưới điện thành phố Đà Nẵng, đang ở chế độ mạch kín vận hành hở. Khi xảy ra sự cố trên lưới điện, nhân viên vận hành phải mất một khoảng thời gian nhất định để xác định khu vực sự cố, cô lập vùng sự cố, từ đó chuyển tải cấp điện trở lại cho khách hàng. Điều này dẫn đến một lượng lớn khách hàng sử dụng điện bị gián đoạn. Ngành điện cũng bị ảnh hưởng đến các chỉ tiêu: sản lượng điện thương phẩm, độ tin cậy cung cấp điện và quan trọng hơn sự hài lòng của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Đình Tuân - Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết: “Thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh thành phố Đà Nẵng, theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; cách đây gần 5 năm, từ cuối năm 2016, PC Đà Nẵng đã nghiên cứu triển khai hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối, trong đó tập trung vào việc dự đoán và phản ứng một cách tự động với những sự cố trên lưới điện.
Cũng từ đây, tính năng FLISR (Fault Location Isolation and Service Restoration - tự động phát hiện điểm sự cố, phân tích cô lập vùng sự cố và tái lập lại nguồn điện) đã được Công ty nghiên cứu sử dụng trên lưới điện. Sau thời gian triển khai, đầu năm 2018 hệ thống FLISR được đưa vào vận hành, dự án chạy thí điểm trên 02 xuất tuyến 471 và 472 Ngũ Hành Sơn 220, cấp điện cho các phụ tải ven biển Ngũ Hành Sơn.
Là một chức năng của hệ thống tự động hóa, FLISR được thiết kế để tự động xác định sự cố, cô lập vùng sự cố với phần còn lại của hệ thống, khôi phục vùng không bị sự cố, trong đó vùng mất điện là nhỏ nhất. PC Đà Nẵng hiện đang vận hành tính năng này ở chế độ tự động hoàn toàn. Mọi thao tác đóng cắt, phân tích vận hành để cô lập vùng sự cố và khôi phục phụ tải không ảnh hưởng bởi sự cố được máy tính thực hiện, điều độ viên theo dõi trạng thái thiết bị xác định khu vực sự cố và xử lý.
FLISR sẽ phân tích tất cả thông tin trong thời gian thực được thu thập từ các thiết bị trên lưới gồm thông tin từ các bộ chỉ thị sự cố, giá trị dòng sự cố tại các vị trí khác nhau trên đường dây, thông tin sự cố từ rơ le bảo vệ; từ đó, phát hiện sự cố và xác định các thông tin liên quan khác. Trên cơ sở này, hệ thống tự động thực hiện các thao tác khôi phục cung cấp điện bằng cách đưa ra các lệnh điều khiển từ xa đến các máy cắt trong trạm điện, reclosers và các thiết bị đóng cắt đường dây khác nhau (reclosers, dao cắt có tải, và RMU)”.
Tiếp nối thành công của dự án, trong các năm tiếp theo, PC Đà Nẵng đã mở rộng hệ thống FLISR tại toàn bộ khu vực quận Ngũ Hành Sơn và trung tâm thành phố. Đến thời điểm hiện tại, 39 xuất tuyến đã được đưa vào vận hành với 62 recloser, 35 LBS và 18 RMU/Kios hoạt động ở chế độ tự động. Hiện nay, PC Đà Nẵng triển khai xây dựng trên địa bàn các quận Sơn Trà, Thanh Khê, một phần Liên Chiểu. Theo lộ trình đến cuối năm 2022, hệ thống FLISR cơ bản hoàn thiện trên lưới điện thành phố Đà Nẵng. Đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của hệ thống, Công ty đã thực hiện thay thế các thiết bị cũ không phù hợp, thay thế dây dẫn với tiết diện phù hợp, lắp bổ sung các recloser, LBS và RMU nhằm đảm bảo kết lưới mạch vòng, cấp điện từ ít nhất 02 nguồn khác nhau. Công ty cũng tiến hành xây dựng các xuất tuyến mới, san tải nhằm đảm bảo xuất tuyến mang tải không quá 60% công suất để dự phòng chuyển tải cho các xuất tuyến khác mà không gây quá tải.
Ông Nguyễn Đình Tuân, cho biết thêm: “Về phần mềm, Công ty mua sắm trang bị chức năng FLISR của hãng Survalent Technology trang bị cho Trung tâm điều khiển. Hệ thống FLISR hoạt động tối ưu khi đường truyền thông tin sử dụng cáp quang, Công ty đã phối hợp với Công ty Cổ phần viễn thông FPT thực hiện trao đổi hạ tầng để kéo cáp quang đến các thiết bị trong mạch FLISR. Để dự án triển khai hiệu quả, đơn vị thành lập tổ điều hành dự án. Đội ngũ cán bộ kỹ sư của Công ty tham gia sát sao dự án ngay từ buổi đầu nhằm nắm bắt công việc phục vụ cho việc phát triển hệ thống sau này. Công ty cũng hoàn thành xây dựng hệ thống các quy trình, quy định, tổ chức đào tạo, kiểm tra CBNV tham gia vận hành hệ thống. Nhằm giảm chi phí cho dự án, Công ty đã tận dụng các thiết bị hiện hữu trên lưới điện, hoặc điều chuyển các thiết bị, đáp ứng sát sao yêu cầu kỹ thuật.
Để đánh giá các tình huống có thể xảy ra khi vận hành, ngay sau khi cấu hình hệ thống hoàn thành, Công ty đã xây dựng các tình huống giả lập/kịch bản sự cố để kiểm tra hoạt động của hệ thống cũng như kiểm tra xác suất một vài sự cố thật trên lưới để kiểm tra tính đáp ứng của hệ thống. Sau các sự cố diễn ra trên mạch DAS, các kỹ sư đã phân tích kiểm tra trình tự thực hiện của hệ thống, đảm bảo hệ thống hoạt động đúng theo yêu cầu vận hành. Công ty cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra tình trạng làm việc của các thiết bị trong mạch DAS về hệ thống thông tin truyền thông, nguồn cung cấp cho thiết bị và phiếu chỉnh định rơ le.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ kỹ sư tham gia tự động hóa để đáp ứng nhu cầu công việc. Trong những năm qua, theo dõi vận hành cho thấy, hệ thống làm việc ổn định, thời gian hoạt động của mỗi lần từ 11s đến 41s. Khi sự cố xảy ra, hệ thống đã hoạt động chính xác, đúng theo yêu cầu vận hành. Hệ thống đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điện năng, vận hành tối ưu lưới điện. Với quá trình làm việc ở chế độ hoàn toàn tự động, các điều độ viên không phải can thiệp vào chuỗi vận hành, nhờ đó đã giảm được áp lực công việc, nâng cao năng suất lao động tại đơn vị”.
Ý nghĩa hơn, dự án đi vào hoạt động đã nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện ở khu vực dự án. Khi xảy ra sự cố, hệ thống FLISR vận hành sẽ cô lập khu vực sự cố ở phạm vi nhỏ nhất. Việc tìm kiếm và khôi phục sự cố từ đó mà nhanh hơn do phạm vi đã được thu hẹp. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cơ sở hạ tầng của thành phố, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.