Sử dụng nước áp lực cao trong vệ sinh cách điện giúp PC Đắk Lắk tiết kiệm nhiều thời gian và sức lao động.
Việc không cần cắt điện trong quá trình thao tác đã góp phần giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian, lao động cũng như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Theo đó, đối với công tác này, công nhân thực hiện vệ sinh trực tiếp trên đường dây mà không phải cắt điện. Nguồn nước dùng để vệ sinh lưới điện đã được khử ion để nước không còn khả năng dẫn điện, sử dụng vòi nước với áp lực cao chứa trong xe phun thẳng lên sứ cách điện, lần lượt làm sạch bụi bẩn của từng bát sứ hoặc các thiết bị trên lưới điện trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút cho mỗi vị trí. Trong khi trước đây, để vệ sinh sứ trên 1 trụ điện phải mất từ 30 phút đến 60 phút. Công nhân phải trực tiếp leo lên trụ điện cao nên mỗi đợt vệ sinh thường kéo dài nhiều ngày và phải huy động rất nhiều nhân lực thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành hệ thống điện.
Với những ưu điểm nổi trội của hình thức vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao, trong năm 2019, Công ty tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo và áp dụng rộng rãi hơn trong toàn đơn vị. Trước đây, công việc này được Đội Hotline (nay thuộc Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Đắk Lắk) trực tiếp đảm nhận. Đội ngũ này được đào tạo bài bản về chuyên môn nên đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong thao tác trên lưới đang mang điện. Tuy nhiên, đến nay, để chủ động hơn trong công tác cũng như giảm bớt áp lực công việc cho Đội, PC Đắk Lắk cũng đã triển khai các khóa đào tạo để tự thực hiện vệ sinh sứ trên lưới đang mang điện bằng nước áp lực cao. Riêng trong năm 2019, Công ty đã tổ chức 03 đợt bồi huấn, sát hạch công tác vệ sinh cách điện trên lưới 35kV đang mang điện với sự tham gia của 51 học viên. Các học viên này sau khi sát hạch đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện công tác tại đơn vị.
Từ việc đẩy mạnh đào tạo và thực hiện thường xuyên công tác, trong 9 tháng đầu năm 2019, PC Đắk Lắk đã thực hiện 51 lượt vệ sinh lưới điện bằng công nghệ Hotline tại 166 TBA phân phối và gần 1.300 vị trí. Điều này được khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất hài lòng, đánh giá cao vì không phải ngừng hoạt động sản xuất mỗi khi ngành điện thực hiện vệ sinh sứ trên lưới điện. Bên cạnh đó, với ngành điện, công tác này giúp cải thiện các chỉ số như SAIDI, SAIFI... giảm chi phí vận hành và tăng năng suất lao động, cũng như giảm nguy cơ gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Hiện nay, PC Đắk Lắk đang có kế hoạch để mở rộng phạm vi áp dụng hình thức này tại các đơn vị quản lý vận hành. Để thực hiện có hiệu quả, ngoài triển khai đào tạo một cách bài bản, đơn vị cũng chú trọng công tác an toàn với việc tuân thủ đúng quy trình, quy định trong thao tác và thực hiện xử lý nguồn nước để đảm bảo an toàn cho công nhân vận hành trong quá trình làm việc.
Theo: CPC