Nâng tầm trách nhiệm trước trọng trách xã hội
PC Đồng Nai tiền thân là Sở quản lý phân phối điện Đồng Nai. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày 30/4/1975, ngành Điện được tiếp nhận từ cơ sở vật chất nghèo nàn; Đội ngũ CBCNV chỉ có 104 người trong đó có 01 kỹ sư, 06 trung cấp điện; Lưới điện có 66,168 km đường dây 15kV, tổng dung lượng là 78.389,5kVA; Điện thương phẩm đạt 135,8 triệu kWh chủ yếu phục vụ cho khu công nghiệp Biên Hòa, khu Quân sự Long Bình, phục vụ sinh hoạt của Nhân dân nội ô Biên Hòa, thị trấn Long Khánh – Định Quán.
Khi tiếp nhận là khu khai thác điện nước Biên Hòa, những hoạt động của ngành Điện lúc bấy giờ vô cùng khó khăn phức tạp. Để tạo sự hòa hợp, phát huy sức mạnh của cả hai đội ngũ cán bộ mới và cũ nhằm đảm bảo sản xuất và phân phối điện năng ổn định, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng của tỉnh đã lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, từ đó Sở quản lý và phân phối điện Đồng Nai được hình thành.
Ngày10/10/2006 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1309/QĐ-TTg chuyển đổi Công ty sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến tháng 12/2010 chuyển về thành đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển đến nay Công ty đã có trên 2600 CBCNV, quản lý: 24 trạm 110kV, 42 máy biến áp 110kV với tổng dung lượng 1889MVA, 466,3 km đường dây 110kV, 4576 km lưới điện phân phối 22kV, 5194 km lưới điện 0,4kV, 9953 trạm biến áp 22/0,4 kV với tổng dung lượng 3523,4 MVA; Tổng số khách hàng 658.000 khách hàng, 100% số xã, phường, thị trấn có điện với số hộ dân có điện là 99,74%, đã cấp điện đến 30 khu công nghiệp (KCN) và hàng chục cụm công nghiệp khác; Điện thương phẩm năm 2014 đạt 9 tỷ 210 triệu kWh. Đặc biệt tỷ lệ điện truyền tải và phân phối năm 2014 đã hạ xuống con số tiệm cận 2,87%. Đây là con số có ý nghĩa trong kinh doanh điện năng trên phạm vi cả nước.
Nhìn một cách tổng thể về hiệu quả sản xuất kinh doanh điện năng không chỉ dừng lại ở các con số đó, mà phải kể đến sản phẩm công nghiệp mà PC Đồng Nai đã góp phần với vai trò động lực.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 31 KCN và nhiều cụm công nghiệp nhỏ và vừa đang hình thành và phát triển, trong đó có những KCN lớn như: AMATA, Sông Mây, Bàu Xéo, Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2… (nhiều KCN rộng trên 300ha). Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp, sản xuất hàng trăm mặt hàng thiết yếu phục vụ cho tiêu dùng, phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu như: Điện tử, cơ khí, dược phẩm, may mặc, gốm sứ, thép xây dựng, cấu kiện bê tông đúc sẵn, thiết bị điện, viễn thông, công nghệ sinh học…
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5 năm 2010 - 2015 tăng bình quân từ 13 - 14%/năm. Trong đó: giá trị tăng thêm (GDP) khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 13% - 14%, dịch vụ tăng từ 15% - 16%, nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 3,5% - 4%.
Hoàn thiện khả năng cung ứng điện an toàn liên tục với chất lượng cao
Trong những năm qua bằng nhiều nguồn vốn trong đó có nguồn vốn của địa phương, công ty đã tiếp tục đầu tư cho công tác điện khí hóa nông thôn. Đồng Nai là một tỉnh đi đầu trong công tác bán điện đến từng hộ nông thôn, đầu tư các trạm biến áp 110kV, đường dây 110kV, trực tiếp cải tạo lưới điện phân phối, đưa công tác giảm tổn thất điện năng năm 1999 thực hiện 5,11%, năm 2014 là 2,87%.
Tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, có sản phẩm mang tính cạnh tranh toàn cầu và ít gây ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi kết cấu hạ tầng điện phải đồng bộ và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Theo đó, Công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu trọng điểm như: Xây dựng mới 12 TBA 110kV với tổng công suất 880MVA và nâng công suất 26 TBA 110kV với tổng công suất tăng thêm là 917MVA; xây dựng mới 61,5 km đường dây 110kV; cải tạo và tăng tiết diện dây dẫn 60,2 km đường dây 110kV;… Tổng vốn đầu tư dự kiến trong giai đoạn này khoảng 5.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, PC Đồng Nai sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Lắp đặt hệ thống điều khiển, giám sát từ xa tại tất cả các TBA 110kV; tăng tiết diện dây dẫn, cải tạo đường dây 1 mạch lên 2 mạch nhằm nâng cao khả năng tải của đường dây; cải tạo và xây dựng mới lưới điện đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo vận hành tin cậy; tăng cường quản lý vận hành, kiểm tra chất lượng thi công các công trình nhằm tránh xảy ra sự cố khi vận hành; bổ sung những công trình điện mới vào Quy hoạch xây dựng chung của tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng năng suất lao động….
Xây dựng đơn vị phát triển bền vững với truyền thống và văn hóa EVN
Với phương châm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đảm bảo chất lượng ổn định liên tục cho khách hàng, công ty thường xuyên cải tiến công tác dịch vụ khách hàng, duy trì nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ khách hàng như tổ chức hội nghị khách hàng, gửi thư xin ý kiến góp ý, niêm yết công khai các qui định về lắp đặt công tơ, trạm biến áp, ký hợp đồng mua bán điện, đầu tư xây dựng, chỉnh trang lại các phòng giao dịch khách hàng ở 11 Điện lực, được lãnh đạo tỉnh và Tổng công ty đánh giá cao về công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng.
Công ty đã triển khai thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện với kết quả đã tiết kiệm được 253 triệu kWh đạt 131% so với kế hoạch trong năm 2014. Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống tinh thần của CBCNV thường xuyên được quan tâm: Tham quan du lịch, điều dưỡng, giao lưu văn hóa, tổ chức các hội thi giao tiếp khách hàng, thi thợ giỏi, thi văn nghệ, thể thao với ngành và địa phương đạt giải cao. Thu nhập của người lao động hàng năm luôn được ổn định.
Với phong trào đền ơn đáp nghĩa công ty đã tích cực làm tốt công tốt chăm sóc gia đình thương binh liệt sỹ, người có công với cách mạng, nhận phụng dưỡng 04 mẹ Việt Nam anh hùng, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ hội người mù, trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt bị thiên tai, Đóng góp hàng trăm triệu đồng cho quĩ đền ơn đáp nghĩa.
Đặc biệt thời gian gần đây đã ủng hộ phong trào Biển đảo gần 400 triệu đồng. Với kết quả đã đạt được, Công ty đã được nhà nước tặng thưởng: 01 Huân chương lao động hạng nhất, 03 Huân chương Lao động hạng Nhì, 04 Huân chương lao động hạng Ba, 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Cờ thi đua xuất sắc của Bộ, tỉnh Đồng nai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đã đi qua có thể nói tập thể CBCNV ngành Điện Đồng Nai đã có nhiều cố gắng rất lớn trong mọi lĩnh vực công tác, xứng đáng là 01 Công ty đang phục vụ điện cho vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và đang vững vàng đi lên xây dựng đơn vị phát triển bền vững với truyền thống và văn hóa EVN.