Ban chỉ đạo chuyển đổi số Công ty tổ chức họp triển khai các nội dung thực hiện.
Có thể nói, nhận thức đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp và việc chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số cũng sẽ giúp người lao động sớm thích nghi với những đổi mới trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Xác định “để công cuộc chuyển đổi số sớm đi đến thành công”, thời gian qua, song song việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu, công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội bộ, nhằm lan nhanh và ngấm sâu đến CBCNV trong đơn vị về ý nghĩa, tác dụng và xu hướng tất yếu của công tác chuyển đổi số.
Cụ thể, ngay sau khi có chỉ đạo của Tập đoàn và Tổng công ty về việc thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số đồng thời xác định rõ mục tiêu, nội dung, chương trình hành động. Ngoài việc triển khai các văn bản chỉ đạo, định hướng của ngành về công tác chuyển đổi số, Ban chỉ đạo chuyển đổi số Công ty còn thường xuyên phổ biến đến CBCNV thông qua các hội nghị, cuộc họp trực tuyến, giao ban định kỳ… để cán bộ, nhân viên trong toàn Công ty nhận biết được sự cấp thiết và vai trò quan trọng của công cuộc chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông đến toàn thể CBCNV-NLĐ thông qua các phương tiện truyền thông nội bộ như zalo nhóm, website của Công ty... Đặc biệt, để người lao động nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của công tác này, Công ty phổ biến sâu rộng đến người lao động “sổ tay chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” với mục tiêu, chiến lược và lộ trình rõ ràng, từ đó giúp người lao động hiểu và thấm nhuần về xu thế chuyển đổi số của ngành.
Anh Đinh Quốc Nhật, chuyên viên phòng Công nghệ thông tin Công ty chia sẻ: “Đứng trước những thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, tôi nhận thấy bản thân cần có nhận thức đúng đắn, thấu đáo về chuyển đổi số. Là một chuyên viên văn phòng, đặc biệt là công tác ở bộ phận công nghệ, thông tin của đơn vị, tôi luôn cố gắng nắm bắt, tiếp cận công tác chuyển đổi số, không ngừng học hỏi, nâng cao nhận thức, trình độ để lan tỏa đến đồng nghiệp của mình lợi ích và các giá trị mà công tác chuyển đổi số mang lại cho công việc”.
Với mục đích để người lao động xác định “chuyển đổi số” là trách nhiệm của chính bản thân họ thì công tác tuyên truyền, phổ biến chính là phương pháp hữu hiệu nhất bởi thông qua việc truyền tải những mục đích, yêu cầu của chuyển đổi số, ý thức của CBCNV đã thay đổi rõ rệt, từ đó phát huy được sức sáng tạo, năng lực và trí tuệ của mỗi người.
Chị Trần Thị Quỳnh Trang, nhân viên phòng TC&NS Công ty cho biết: “Trước đây, một số cán bộ, công nhân viên chưa tự tin tham gia, trình bày các ý tưởng, sáng kiến của mình trước tập thể, nhưng nhờ công tác truyền thông nội bộ hiệu quả nên giờ đây trong nhiều cuộc thi, đặc biệt là cuộc tìm kiếm ý tưởng chuyển đổi số đang được tổ chức trên nhóm Đồng nghiệp EVN thu hút nhiều CBCNV trong đơn vị tham gia qua đó tương tác và tự tin chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, hiểu biết của mình trước đồng nghiệp khắp cả nước. Kết quả này có được cũng nhờ làm tốt công tác truyền thông nội bộ nói chung và truyền thông chuyển đổi số nói riêng”.
Xác định, ngoài việc triển khai đồng bộ các nội dung về chuyển đổi số thì sự chuyển đội nhận thức sâu sắc, toàn diện của CBCNV chính là yếu tố mang lại thành công trong công tác này. Trong thời gian tới, để đáp ứng nhiệm vụ trong thời đại công nghệ số, Công ty Điện lực Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của ngành, nghiêm túc tham gia và triển khai đào tạo, tập huấn, lan tỏa và khuyến khích CBCNV trong đơn vị tự học tập để nâng cao kỹ năng số, từng bước thích nghi, thay đổi, áp dụng công nghệ số vào công việc. Đồng thời thay đổi cách làm, tư duy, suy nghĩ truyền thống của một số CBCNV để phù hợp với công cuộc chuyển đổi số của ngành.