PC Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả lộ trình phát triển lưới điện thông minh

Thứ bảy, 5/3/2022 | 14:40 GMT+7
Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) đã chỉ đạo các Điện lực tổ chức ra quân lắp đặt công tơ điện tử thay thế công tơ cơ khí, nỗ lực hoàn thành kế hoạch lắp công tơ điện tử Tổng công ty giao trong năm 2022.
 
Tiến độ thực hiện khẩn trương cùng sự tập trung cao độ của CBCNV các đơn vị góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch lắp đặt công tơ điện tử.
 
Theo đó, đầu năm 2022, Công ty đã cấp cho các Điện lực gần 89.597 công tơ điện tử 01 pha, 03 pha 01 giá và thiết bị đo xa để lắp đặt lên lưới phục vụ sản xuất kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công ty cùng nỗ lực, quyết tâm của toàn thể CBCNV, đến hết tháng 02/2022, Công ty đã tiến hành lắp đặt được 32.142 công tác các loại, nâng số công tơ điện tử lên 295.632 cái (chiếm tỷ lệ 67,23% tổng số lượng công tơ trên địa bàn); nâng tổng số công tơ điện tử có chức năng đo xa trên địa bàn lên 253.857 cái (chiếm tỷ lệ 54,89% tổng số lượng công tơ toàn Công ty). Hiện nay, Công ty phấn đấu hoàn thành lắp đặt khối lượng công tơ điện tử Tổng công ty cấp đầu năm 2022 trước ngày 31/03. Sau khi hoàn thành lắp đặt dự tính, khối lượng công tơ điện tử có chức năng đo xa sẽ đạt khoảng 69% khối lượng công tơ toàn đơn vị. Trong năm nay, Công ty tiếp tục đăng ký với Tổng công ty hơn 150.000 công tơ điện tử các loại, phấn đấu hết năm công tơ điện tử có chức năng đo xa lắp đặt trên lưới điện Hà Tĩnh đạt tỷ lệ 100%.
 
Là một trong những đơn vị triển khai quyết liệt việc lắp đặt công tơ điện tử, Điện lực Can Lộc đã và đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lắp công tơ điện tử lên lưới. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện 05 đợt ra quân và hàng chục lịch công tác của các tổ, đội nhằm triển khai và đẩy nhanh tiến độ lắp công tơ điện tử trên địa bàn. Tính đến thời điểm tháng 02/2022, Điện lực Can Lộc đã thực hiện lắp đặt gần 5000 công tơ điện tử, chiếm gần 44% số lượng công tơ được phân bổ đầu năm 2022 (11 600 công tơ)
 
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Can Lộc cho biết, để triển khai hiệu quả, đơn vị đã bố trí, phân công các nhóm công tác tiến hành khảo sát hiện trường trước khi thực hiện nhằm tối ưu hóa công tác lắp đặt. Việc lựa chọn các vị trí lắp thiết bị đo xa phù hợp với từng trạm biến áp; thống kê chi tiết các hạng mục cần thay thế như thay hộp, thay dây nguồn; sắp xếp lại công tơ đúng thứ tự theo quy định… được đơn vị lên kế hoạch cụ thể, chi tiết.
 
Trước ngày thay công tơ, ngoài việc thông báo trên hệ thống phát thanh truyền hình huyện, lãnh đạo đơn vị cũng làm việc với chính quyền địa phương để phối hợp thông tin, tuyên truyền cho khách hàng sử dụng điện biết kế hoạch, thời gian thay công tơ, do đó việc thay công tơ của đơn vị cơ bản thuận lợi khi có khách hàng chứng kiến và ký biên bản treo tháo hệ thống đo đếm điện năng.
 
Song song với công việc ở hiện trường, bộ phận nghiệp vụ tại đơn vị cũng được huy động tối đa để thực hiện các công việc như nhập dữ liệu biên bản treo tháo công tơ lên chương trình CIMIS 3.0; quyết toán vật tư; giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất công tác thay thế công tơ điện tử.
 
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công tơ điện tử đo xa vào quản lý vận hành lưới điện đã mang nhiều lợi ích thiết thực. Khi sử dụng công tơ điện tử đo xa, công tác ghi chỉ số sẽ nhanh hơn rất nhiều so với ghi thủ công; sản lượng điện được chốt tự động một cách chính xác, làm giảm nguy cơ sai sót, nhầm lẫn trong quá trình ghi chỉ số, từ đó công tác tính hóa đơn tiền điện được thực hiện kịp thời. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ ghi chỉ số công tơ từ xa đã giúp ngành Điện nâng cao được năng suất lao động, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình ghi và quản lý công tơ, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. 
 
Ngoài ra, số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa cũng giúp giám sát chất lượng điện năng, thuận tiện cho việc tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp… giúp hiện đại hóa trong sản xuất kinh doanh, thuận tiện cho việc phát triển các ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
 
Đặc biệt, song song với những lợi ích mà công tơ điện tử mang lại cho ngành Điện, nhờ sử dụng công tơ điện tử mà các kiến nghị của khách hàng về hóa đơn tiền điện trong thời gian qua đã được giảm xuống rõ rệt… góp phần nâng cao sự hài lòng cho khách hàng, củng cố niềm tin cũng như uy tín ngành Điện trong lòng người dân.
Phương Thảo