Quản lý năng lượng

PC Ninh Bình: Kêu gọi sự hợp tác hơn của khách hàng trong tiết kiệm điện

Chủ nhật, 18/7/2021 | 16:34 GMT+7
Mặc dù Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng như Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình (PC Ninh Bình) liên tục phát đi những cảnh báo về lượng điện tiêu thụ tăng cao và kêu gọi người dân chung tay tiết kiệm điện, góp phần giúp ngành điện và đất nước trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời, giúp khách hàng tiết giảm được chi phí sử dụng điện. 
Ngành điện thường xuyên kiểm tra, khắc phục các sự cố, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống lưới điện trong mùa nắng nóng.
 
Tuy nhiên, đến nay tình hình chưa được cải thiện là bao.
 
Từ đầu tháng 5 trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng cùng với thời gian nghỉ hè của học sinh vào giữa lúc dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt vẫn ở mức cao. Đặc biệt, tình trạng lãng phí điện ở các cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn còn diễn ra khá phổ biến. 
 
Thực tế cho thấy nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh, đa số các phòng làm việc được trang bị các thiết bị: Điều hòa nhiệt độ, quạt máy, vi tính, máy in, photocopy, đèn chiếu sáng, có nơi còn sử dụng tủ lạnh, bình nóng lạnh... cả ngày nên điện năng tiêu thụ rất lớn. Theo thống kê của ngành điện, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh quí II là 660,226 triệu kWh, riêng tháng 6/2021 là 223,299 triệu kWh (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm không đáng kể so với tháng 5/2021). 
 
Đặc biệt, tháng 6 cũng ghi nhận phụ tải điện toàn tỉnh lên mức đỉnh mới, với công suất đỉnh đạt ở mức trên 470 MW và sản lượng tiêu thụ điện là trên 7,5 triệu kWh. Báo động nguy cơ xảy ra sự cố trên lưới điện truyền tải dẫn tới hậu quả mất ổn định hệ thống điện. 
 
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới cũng như của từng hộ tiêu thụ điện; dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ là rất lớn. Để phòng tránh nguy cơ đe dọa đến hệ thống lưới điện, PC Ninh Bình đã chủ động xây dựng các phương án vận hành cấp điện, không để xảy ra tình trạng quá tải kéo dài trên lưới điện cao, trung, hạ thế. 
 
Trong đó, ngoài các biện pháp đã thực hiện từ đầu mùa nắng nóng, hiện nay PC Ninh Bình đang gấp rút thực hiện phương án điều tiết công suất phụ tải của các nhà máy xi măng và các khu công nghiệp trong khung giờ cao điểm từ 11h30 - 15h30 và 20h00-23h00 là 112,9 MW để giảm tải giờ cao điểm; bổ sung lắp đặt tụ bù tại các trạm biến áp 110kV để giảm vô công tiêu thụ; lắp đặt các DCL 1-, DCL -2 để linh hoạt trong vận hành, phân bổ phụ tải; 
 
Tiếp tục thực hiện chuyển phụ tải phía 35kV của trạm 110kV Phúc Sơn, bao gồm KCN Phúc Sơn, Công ty MCnex,… sang nhận nguồn từ các đường dây 371, 372, 375-A37 Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình. Phân công lực lượng tăng cường ứng trực tại các điểm xung yếu để khẩn trương khắc phục các sự cố bất thường, nhảy aptomat do quá tải cục bộ để khôi phục cấp điện sớm nhất, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng... 
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tuyến, Trưởng phòng Kinh doanh PC Ninh Bình: Trước tình hình thời tiết nắng nóng tiếp diễn, để đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống lưới điện, nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của ngành điện thì e là chưa đủ, rất cần sự hợp tác hơn nữa từ phía khách hàng trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. PC Ninh Bình khuyến cáo các hộ gia đình nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt; sử dụng điều hòa nhiệt độ có biến tần, vận hành các thiết bị điện một cách hợp lý và tiết kiệm... như để máy điều hòa không khí ở nhiệt độ ở 25 - 26 độ C (ban ngày) và 27 - 28 độ C (ban đêm); sử dụng chung phòng điều hòa và kết hợp vận hành điều hòa và quạt gió cùng lúc giúp giảm bớt công suất của điều hòa (có thể tiết kiệm tới 10% điện năng tiêu thụ); không để thất thoát không khí ra bên ngoài bằng cách đóng kín các cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào, hạn chế số lần mở tủ lạnh để giảm lượng khí lạnh bay ra bên ngoài. 
 
Bên cạnh đó, các cơ quan, công sở cũng cần thực hiện triệt để việc sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng và kiểm tra thiết bị điện trước khi ra về; đề ra quy chế sử dụng điện tiết kiệm.
 
Đối với doanh nghiệp sản xuất cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm từ 09h30 đến 11h30 và từ 17h đến 20h hàng ngày, không để các thiết bị điện hoạt động không tải; Đầu tư, cải tiến, thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện; Rà soát đánh giá và đầu tư thêm các thiết bị tiết kiệm điện….
 
Ngoài các giải pháp trên, với cơ chế khuyến khích của Chính phủ hiện nay, khách hàng có thể đầu tư lắp đặt thêm điện năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí tiền điện. Thực hiện tốt tiết kiệm điện sẽ giúp ngành điện duy trì hoạt động và cung cấp điện ổn định, góp phần làm giàu cho đất nước và cho chính bản thân khách hàng, sử dụng điện tiết kiệm là ích nước, lợi nhà. 
 
Vì vậy, theo ông Trần Văn Tuyến: Tiết kiệm điện năng cần phải được thực hiện lâu dài, liên tục trong suốt quá trình tiêu thụ điện chứ không phải chỉ thực hiện vào lúc thiếu điện, và phải thực hiện đồng bộ từ các cơ quan, công sở, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Để tiết kiệm điện, ngay tại PC Ninh Bình, từ tháng 5/2021, Giám đốc Công ty đã chỉ đạo các đơn vị tắt toàn bộ ánh sáng hành lang, ánh sáng công cộng và giảm tối thiểu 50% công suất sử dụng điều hòa tại trụ sở và các tổ, đội của đơn vị làm việc. 
 
Theo: Báo Ninh Bình