Điện lực Hạ Hòa ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý thông tin khách hàng qua phần mềm.
Chủ động “số hóa”
Ngành điện Phú Thọ tập trung triển khai chuyển đổi số, chủ đề mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông qua. Mục tiêu EVN đặt ra là tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. Theo đó, đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. EVN nhận diện, lựa chọn và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số như số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, số hóa khách hàng, số hóa quy trình nghiệp vụ, tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học - công nghệ trong các hoạt động, tận dụng thành tựu nghiên cứu công nghệ 4.0.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho toàn đội ngũ nhân viên trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị điện lực tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh cũng bố trí nhân viên thường xuyên kết nối với khách hàng để khảo sát, đánh giá sự hài lòng trong quá trình cung cấp điện và các dịch vụ điện trực tuyến.
Thực hiện hoàn thành chuyển đổi các TBA không người trực, Trung tâm điều khiển xa; đưa 12/14 TBA 110kV vào vận hành ở chế độ không người trực; kết nối, khai thác, giám sát 187 Recloser và 21 LBS trên lưới điện từ Trung tâm điều khiển xa.
Năm 2021 Công ty đã triển khai 2 công trình đầu tư xây dựng về đường truyền kết nối TBA điều khiển xa; nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng CNTT tại Công ty Điện lực Phú Thọ và trang bị đầy đủ các công cụ quản lý, khai thác ứng dụng số hóa; hoàn thành các chương trình đào tạo chuyển đổi số theo kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình “Văn hóa doanh nghiệp số”.
Nhân viên ngành điện tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công cụ ước tính sản lượng điện.
Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận
Giờ đây người dân có thể xem chỉ số điện, tiền điện, báo sự cố điện, đề nghị sửa chữa… có thể thực hiện qua điện thoại thông minh. Chị Võ Thanh Trà, huyện Phù Ninh cho biết: Thời gian qua, việc cài đặt App và Zalo của ngành điện đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân, khách hàng. Chi phí tiền điện, thông báo cắt điện do sửa chữa đường dây, tương tác gửi thông báo về sự cố điện cũng được điện lực cử người giải quyết nhanh chóng. Ngoài ra, việc liên kết với các ngân hàng, các mạng viễn thông đã tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán hóa đơn tiền điện, ứng dụng này rất hữu ích cho người dân trong tình hình dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Điểm - Phó Giám đốc Điện lực Hạ Hòa cho biết: Hiện nay, khu vực chúng tôi phụ trách có hơn 95% số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đơn vị đã lắp đặt khoảng 11.000 công tơ điện tử góp phần giảm nguy cơ sai số, tạo sự minh bạch đối với khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ đã đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ khi ứng dụng công nghệ đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho cả doanh nghiệp và khách hàng, tạo sự hài lòng chung cho cả hai bên. Khách hàng không còn phải mất công đi lại, đợi chờ, xếp hàng ở các phòng giao dịch điện lực. Công nghệ cũng giúp khách hàng có thêm những trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ điện.
Công ty Điện lực Phú Thọ đã triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong chuỗi kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ cấp điện mới, ghi chỉ số, lập hóa đơn, thu và theo dõi nợ tiền điện, đến chăm sóc khách hàng. Các phương thức thanh toán cũng ngày càng thuận tiện, thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Các điểm thu tiền điện của điện lực hiện chỉ còn phục vụ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa. Hiện đa số khách hàng đã sử dụng các kênh thanh toán qua ngân hàng, tổ chức trung gian.
Việc nâng cấp website, ứng dụng chăm sóc khách hàng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, kết nối với cổng dịch vụ công Quốc gia cũng đã thực hiện và tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực mạng truyền dẫn của Công ty cũng như năng lực của hệ thống máy chủ cả về năng lực lưu trữ lẫn năng lực xử lý. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc theo dõi, giám sát hệ thống hạ tầng vận tải và công nghệ thông tin. Trang bị hệ thống tường lửa thế hệ mới cũng như triển khai các giải pháp bảo mật tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống.
Hiện nay, 11/11 chi nhánh điện lực đã triển khai vận hành phần mềm quản lý MBA; thực hiện số hóa được 373.673/363.556 hợp đồng đạt 102,77%; đã thực hiện chuẩn hóa 3.866/3.866 TBA, đạt 100% về thông tin khách hàng. Đến hết tháng 12/2021, 76,7% hồ sơ dự án năm 2021 được cập nhật lên phần mềm IMIS. Dự kiến đến tháng 3/2022, 100% hồ sơ các dự án năm 2021 sẽ được đưa lên phần mềm.
Chuyển đổi số trong ngành điện Phú Thọ không chỉ là chuyển từ “giấy tờ” sang máy vi tính, từ thủ công sang tự động mà còn là dùng công nghệ để thay đổi phương thức công tác, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh mới để mang lại ngày càng nhiều lợi ích kinh tế kỹ thuật và giá trị mới phục vụ khách hàng; hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Công ty Điện lực Phú Thọ xác định chuyển đổi số là một trong các nhóm giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Quá trình chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đối với hoạt động sản suất kinh doanh của đơn vị. Việc vận hành trên nền tảng số sẽ nâng cao năng lực vận hành hệ thống điện và độ tin cậy cung cấp điện, kiểm soát tốt tổn thất điện năng, giảm suất sự cố, rút ngắn thời gian xử lý sự cố. Việc số hóa được hoàn toàn các dữ liệu, quy trình sẽ giúp các cấp lãnh đạo Công ty có thể quản trị doanh nghiệp khoa học và hiệu quả cao, hỗ trợ dự báo và quản trị rủi ro, tăng năng suất lao động và cải thiện lợi nhuận, mọi công việc diễn ra đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn.
Link gốc