Công việc hàng ngày đươc cán bộ kỹ thuật điện lực được thực hiện trên chương trình PMIS
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý kỹ thuật
PC Quảng Bình hiện đang quản lý vận hành 10 TBA 110kV với công suất 435MVA, 326,882 km đường dây 110kV, 178,9 km đường dây trung áp 35kV, 1.707,6km đường dây trung áp 22kV, 19,7 km cáp ngầm 22kV, 3.486,7 km đường dây hạ áp và 1581 trạm biến áp, trong đó có 732 trạm công cộng và 849 trạm chuyên dùng, cấp điện cho 276,526 khách hàng trên địa bàn 6 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã. Khối lượng quản lý vận hành khá nhiều cùng với áp lực chuyển đổi số mà EVN đưa ra đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật cùng các tổ Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp phải luôn trăn trở để ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành vừa tốt, vừa nhanh lại khoa học. Xác định mục tiêu rõ ràng, cộng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo PC Quảng Bình, mỗi một CBCNV luôn ý thức được nhiệm vụ khá nặng nề trong việc từng bước số hóa công tác quản lý kỹ thuật.
Nếu đề cập đến “chuyển đổi số” trong quản lý vận hành thì chương trình quản lý vận hành PMIS là một trong những viên gạch đầu tiên trong chuyển đổi số công tác quản lý kỹ thuật. PMIS được phát triển bởi Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) vận hành chính thức năm 2013. Phần mềm này được xây dựng với giao diện khá thân thiện với người dùng, dễ dàng để tạo cơ sở dữ liệu, linh hoạt trong việc xuất báo cáo và vận hành các Module như lập, tạo phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm đường dây và trạm biến áp; sổ nhật ký vận hành điện tử; CBM … Từ việc xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu, người dùng có thể quản lý khoa học các thiết bị trên lưới điện, thông tin vận hành như năm sản xuất, năm vận hành, thực hiện ca trực trên Module nhật ký vận hành điện tử… Đáng chú ý, PMIS còn được liên kết với các phần mềm thông tin hiện trường (TTHT) và kiểm tra hiện trường (KTHT) để phục vụ công tác quản lý kỹ thuật.
Các cán bộ phòng Kỹ thuật Công ty đã tổ chức bồi huấn và hướng dẫn các điện lực trực tiếp hoàn thiện sơ đồ lưới điện do điện lực quản lý vận hành trên bản đồ số trong phần mềm TTHT, đồng thời khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu như vị trí cột, thông tin được thu thập trên TTHT để thiết kế lưới điện, lập phương án đầu tư xây dựng, sửa chữa lưới điện …TTHT cũng là cơ sở dữ liệu cho các ứng dụng khác như KTHT, chỉnh trang cáp, các công tác khác liên quan đến kinh doanh (phát sinh, di dời công tơ…). Đối với đội ngũ quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, có thể nói phần mềm TTHT là “trợ thủ đắc lực” giúp định vị vị trí, thiết bị thực tế trên lưới điện, cung cấp thông tin, hình ảnh thuộc tính thiết bị trên lưới để phục vụ việc kiểm tra, khảo sát, công tác sửa chữa …
Chương trình thu thập hiện trường
Phần mềm KTHT là một trong những ứng dụng hữu ích phục vụ công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Phần mềm này được xây dựng trên cơ sở khai thác dữ liệu “Phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm ĐZ và TBA” từ PMIS và “Dữ liệu lưới điện trên bản đồ số” từ TTHT. Người dùng sử dụng 2 phân hệ web và ứng dụng (App) trên điện thoại thông minh (smart phone). Công ty đã và đang khai thác hiệu quả ứng dụng KTHT trên web để phân công cho công nhân nhiệm vụ kiểm tra ngày đêm ĐZ và TBA trên cơ sở đã đồng bộ phiếu kiểm tra từ PMIS.
Bên cạnh đó, phần mềm còn được dùng để giám sát công tác kiểm tra thực tế bao gồm quá trình kiểm tra và kết quả kiểm tra sau khi công việc kết thúc; quản lý một cách khoa học các vị trí tồn tại trên lưới điện để có cơ sở đưa ra các phương án khắc phục tồn tại đó. Công nhân các điện lực thuộc PC Quảng Bình được giao nhiệm vụ kiểm tra sẽ nhận công việc trên App KTHT đã được cài đặt thực hiện kiểm tra, chụp hình, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý tồn tại trên ứng dụng điện thoại. KTHT sử dụng công nghệ GPS để theo dõi (tracking) vị trí người dùng, đảm bảo người kiểm tra phải đến gần vị trí kiểm tra mới được cập nhật kết quả. Sau khi kết thúc công việc, cán bộ kỹ thuật thực hiện quản lý phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm ĐZ và TBA trên chương trình PMIS. Nhờ vậy, công nhân vận hành sẽ không còn phải mất thời gian viết biên bản định kỳ ngày đêm như trước đây, mà sẽ dành thời gian đó quản lý lưới điện.
Ngoài ra, các cán bộ phòng Kỹ thuật PC Quảng Bình còn khai thác khá hiệu quả chương trình OMS trong việc kiểm soát chỉ số độ tin cậy, đánh giá độ tin cậy hàng tháng, quý, năm về các chỉ tiêu sự cố… Hiện chương trình OMS được lãnh đạo Công ty rất quan tâm, đồng thời chỉ đạo thực hiện một cách chuẩn xác, nghiêm túc và hiệu quả.
Có thể nói trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý kỹ thuật tại đơn vị Quảng Bình PC đã mang lại hiệu quả sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Tin tưởng rằng, với sự cố gắng nỗ lực của lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật cũng như đội ngũ công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý kỹ thuật không còn là khó khăn và thử thách đối với PC Quảng Bình trong “chuyển đổi số” năm 2021.