Công nhân Điện lực TX Đông Triều thực hiện kéo dây phân tải lộ hạ thế khu vực phường Mạo Khê.
Đồng thời, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đưa tổn thất điện năng giảm xuống 6,5%. Qua đó, cho thấy chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tăng trưởng phụ tải cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Là đơn vị quản lý, vận hành trên 13.000km đường dây trung, hạ áp, nhưng phần lớn những đường dây này chưa được cải tạo, bán kính cấp điện xa và phụ tải rải rác, tập trung ở cuối nguồn đã khiến cho công tác giảm tỷ lệ tổn thất điện năng của Công ty những năm trước gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào cao điểm mùa nắng nóng, nhiều đường dây và trạm biến áp luôn phải hoạt động trong tình trạng đầy tải, quá tải đã khiến cho không ít hộ dân rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt thường xuyên rơi vào cảnh chập chờn.
Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Thời gian qua, Công ty đã chủ động đề ra nhiều nhóm giải pháp mang tính đột phá trong việc giảm tổn thất điện năng. Trước tiên, là củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo giảm tổn thất điện năng và giao chỉ tiêu tổn thất cho từng Điện lực. Hằng tháng, quý, năm đều có đánh giá thực hiện chỉ tiêu gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Trong công tác vận hành, Công ty đã tích cực triển khai lắp đặt tụ bù trung, hạ thế; tăng cường kiểm tra điện áp tại các trạm biến áp phân phối; sử dụng camera nhiệt để kịp thời phát hiện các điểm tiếp xúc kém, các điểm phát nhiệt; thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng lưới điện nhằm triệt để xử lý tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện; lắp đặt hệ thống chống sét thông minh, các thiết bị cảnh báo sự cố trên các đường dây 22kV, 35kV.
Song song với đó, Công ty đã dành nguồn lực lớn để xây dựng, cải tạo đường dây và trạm biến áp. Tính từ năm 2016 đến nay, Công ty đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng để xây mới, cải tạo 950km đường dây trung và hạ thế; 767 trạm biến áp phân phối. Đồng thời với đó, Công ty cũng đẩy nhanh quá trình lắp đặt công tơ điện tử để tiến tới xóa bỏ công tơ cơ khí. Đặc biệt, Điện lực Quảng Ninh cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu trong ứng dụng KHCN vào quản lý vận hành, giúp Công ty quản lý toàn bộ thông tin đường dây, thiết bị cũng như liên kết với chương trình bản đồ GIS, thuận tiện cho việc khảo sát cấp điện, lập phương án đầu tư, sửa chữa mà không cần trực tiếp đi hiện trường. Việc ứng dụng các phần mềm quản lý đã giúp Công ty tính toán, nhận dạng đúng bản chất, nguyên nhân gây tổn thất điện năng tại các trạm biến áp, kịp thời phát hiện sự cố của hệ thống đo đếm từ xa và thực hiện tính toán tổn thất một cách chính xác nhất.
Công nhân Điện lực TP Uông Bí thực hiện lắp đặt công tơ điện tử thay thế cho công tơ cơ khí.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đó, tỷ lệ tổn thất điện năng của Công ty Điện lực Quảng Ninh đã giảm mạnh theo từng năm. Năm 2016 là 5,25% thì hết năm 2019, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 3,68% và dự kiến năm 2020 sẽ chỉ còn 3,64%; số lượng các hộ dân sử dụng điện áp thấp cũng giảm mạnh qua các năm.
Để tỷ lệ tổn thất điện năng tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp nhất có thể, hiện Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai những nhóm giải pháp mang lại hiệu quả cao mà đơn vị đang áp dụng. Đồng thời tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình điện theo thứ tự ưu tiên đối với khu vực có điện áp thấp, nơi có tổn thất cao, lưới điện cũ nát trước; đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất; sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến, có độ chính xác cao để đánh giá, phân tích tình trạng vận hành của từng thiết bị nhằm sớm phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố, hư hỏng lưới điện. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiếp tục xử lý các tồn tại trong quản lý kỹ thuật như: Cân đảo pha lưới điện; kiểm tra xử lý các mối nối đường dây; san tải giữa các trạm biến áp để giảm tổn thất lưới điện hạ thế…
Link gốc