Công nhân Điện lực Tp Hạ Long kiểm tra việc đảm bảo cung cấp điện KCN Việt Hưng.
Đến nay, toàn tỉnh có 03 tuyến đường dây (ĐZ) 500 kV với tổng chiều dài 513,4 km; 01 TBA 500 kV/công suất 1.025 MVA; 11 tuyến ĐZ 220 kV/tổng chiều dài 625 km; 07 TBA 220 kV/tổng công suất 2.125 MVA; 52 tuyến ĐZ 110kV/tổng chiều dài 846,73 km; 29 TBA 110 kV/tổng công suất 2.237 MVA.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 08 KCN đang đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, có 02 KCN đã thu hút và lấp đầy phụ tải gồm: KCN Đông Mai và KCN Cái Lân; 04 KCN đã có nhà đầu tư đi vào hoạt động (KCN Hải Yên, KCN Việt Hưng, KCN Texhong Hải Hà - giai đoạn 1, KCN Sông Khoai); 02 KCN đang thực hiện đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư (KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong).
Ông Phạm Đình Chấn – Phó Giám đốc PC Quảng Ninh cho biết: Về cơ bản, các KCN, Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đều đã được ngành Điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu về công suất, cấp điện an toàn và ổn định. Điều này đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giúp cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, phụ tải tại một số KCN trên địa bàn tỉnh như: Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Sông Khoai... đang có sự phát triển nóng. Do vậy, PC Quảng Ninh đang tập trung dành mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện.
Sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Đông Mai.
Theo đó, Công ty đã báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Bắc để triển khai các dự án cấp điện cho các phụ tải mới bổ sung như: Dự án ĐZ 110 kV cấp điện cho TBA AMATA 1; Nâng cao khả năng truyền tải ĐZ 110 kV Hải Hà - Móng Cái… Đặc biệt, tính đến ngày 31/10/2022, ngành Điện đã đưa vào vận hành 34 hạng mục lưới điện 110 kV và đang tiếp tục triển khai thực hiện 25 hạng mục lưới điện mới với tổng khối lượng thực hiện trên lưới điện 110 kV đạt 53,15% so với quy hoạch được phê duyệt giai đoạn 2016 - 2025.
Riêng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, PC Quảng Ninh cũng đã đáp ứng tối đa nhu cầu về điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua các dự án như: TBA 220 kV Yên Hưng, 220 kV Nam Hòa, nâng tiết diện dây dẫn, cũng như xem xét đầu tư TBA 220 kV Móng Cái…
Tỉnh Quảng Ninh đang thu hút và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN. Điều này thể hiện cam kết vững chắc của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Mặt khác, thông qua sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kinh tế, kết hợp với việc đảm bảo nhu cầu về điện phục vụ khách hàng nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình quân chung của vùng và cả nước. Trong đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước và chỉ sau thành phố Hải Phòng) với thu nhập bình quân đầu người đạt 176,32 triệu đồng/người; 06 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,66% và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 28,821 tỷ đồng.