Ảnh minh họa.
Cụ thể, trong tháng 5/2020 nắng nóng kéo dài xảy ra diện rộng trên toàn bộ miền Bắc nói chung cũng như tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt của tỉnh tăng cao. Tại Quảng Ninh sản lượng điện ngày max đạt 16,1 triệu kWh tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019; công suất đỉnh đạt 803MW tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019; Sản lượng tháng 5 đạt 435,231 triệu kWh, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2019. Đây là mức tăng trưởng không cao, tuy nhiên nếu so sánh trong phạm vi cả nước sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 5/2020 đạt 17,045 tỷ kWh, giảm 4,19% so với cùng kỳ tháng 5/2019, giảm chủ yếu do hậu quả COVID-19 thì mức tăng trưởng này của Quảng Ninh là rất đáng kể và chủ yếu tăng trong sinh hoạt.
Để đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng năm 2020. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Công ty đã tăng cường công tác quản lý kỹ thuật vận hành, thường xuyên theo dõi tình trạng vận hành đường dây, trạm biến áp để triển khai các giải pháp cụ thể,kịp thời thực hiện các biện pháp san tải, cân, đảo pha, hoán đảo máy biến áp để tăng cường khả năng cấp điện cho phụ tải. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Công ty đã tiến hành hoán đảo nâng công suất 104 máy biến áp, cân đảo pha 306 lượt, phân tải 148 lượt đảm bảo cấp điện ổn định cho các phụ tải sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn.
Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết, khi nhiệt độ ngoài trời ≥ 36 độ C, chúng tôi sẽ dừng các công việc cắt điện có kế hoạch trên lưới gây mất điện cho khách hàng (trừ các công việc xử lý sự cố), điều chỉnh kế hoạch cắt điện có kế hoạch phù hợp với điều kiện thời tiết. Ngoài ra, bố trí tăng cường lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời ≥ 35 độ C để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng.
Cùng với đó, Công ty đã áp dụng các giải pháp công nghệ mới trong công tác quản lý vận hành, thường xuyên sử dụng camera ảnh nhiệt, thiết bị đo phóng điện cục bộ trong công tác kiểm tra để phát hiện và xử lý nguy cơ sự cố. Tăng cường thực hiện công tác hotline trên lưới điện, thực hiện việc sửa chữa, đấu nối, vệ sinh cách điện trong tình trạng đường dây vẫn có điện. Trong 5 tháng đầu năm 2020 đã thực hiện được 51 vị trí sửa chữa, đấu nối hotline và 1.185 vị trí vệ sinh cách điện hotline.
Trong công tác chống quá tải, Công ty đã triển khai các công trình đầu gồm 83 trạm biến áp xây dựng mới với tổng dung lượng 29.050 kVA, 62,241 km đường dây trung thế, 62,353 km đường dây hạ thế xây dựng mới chống quá tải cho các khu vực, hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4/2020. Công trình sau khi đưa vào vận hành kịp thời chống quá tải các khu vực, nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, mà còn giảm nguy cơ sự cố do quá tải cho các khu vực.
Cũng theo ông Nguyễn Sông Thao, theo tính toán, năm 2020 tốc độ tăng trưởng phụ tải toàn tỉnh đạt khoảng 8% so với năm 2019. Để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ lưới điện, nâng cao độ tin cậy trong vận hành hệ thống điện. Công ty đã tuyên truyền đến khách hàng thường xuyên thực hiện sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa khi thật cần thiết đặt nhiệt độ điều hòa ở mức trên 260 C; ưu tiên mua sắm các phương tiện thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điên mặt trời áp mái, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời. thiết bị điện không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn, như điều hòa, bếp điện, bình nóng lạnh.
Những giải pháp trên giúp khách hàng giảm chi phí tiền điện, cũng như góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện, giúp hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn, kinh tế và góp phần chống biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường để trái đất mãi xanh hơn.
Link gốc