Việc đầu tư xây mới các trạm biến áp 110kV không người trực đã góp phần phát triển lưới điện thông minh.
Ông Chu Bạch Dương, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, do đó việc xây dựng hiện đại hóa lưới điện là xu thế tất yếu, sẽ giúp việc cung cấp điện ổn định cho nhu cầu phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt là chuyển đổi trạm 110kV truyền thống sang TBA 110kV không người trực. TBA không người trực được tích hợp với hệ thống quản lý thông minh để giám sát và phân tích dữ liệu. Hệ thống này giúp quản lý và cải thiện hiệu quả vận hành của TBA, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí hoạt động và tăng cường độ tin cậy của hệ thống điện.
Bên cạnh đó, TBA được trang bị các thiết bị và hệ thống an toàn, hiện đại nhằm bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn. Trạm còn được ứng dụng công nghệ số trong quản lý vận hành, sử dụng hệ thống SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition) cho phép giám sát và điều khiển từ xa, các cảm biến thông minh đo lường các thông số kỹ thuật như dòng điện, điện áp, nhiệt độ... và truyền dữ liệu về hệ thống. Ứng dụng các phần mềm chuyên dụng cập nhật đo đếm từ xa MDMS, quản lý văn phòng Doffice, quản lý thiết bị Pmis, Istation system, Modul sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM: Condition Based Maintenance) trên phần mềm PMIS. Trạm được trang bị hệ thống điều khiển logic mềm PLC điều khiển các thiết bị, hệ thống bảo mật an ninh bảo vệ hệ thống khỏi truy cập trái phép...
Từ năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thái Bình bắt đầu thực hiện cải tạo các trạm truyền thống đáp ứng tiêu chí không người trực (trạm điều khiển xa). Trước khi được cải tạo, các trạm 110kV truyền thống sử dụng các thiết bị vận hành lâu ngày đã xuống cấp, bộ phận cơ khí cũ, thao tác khó khăn, hệ thống rơ le bảo vệ nhiều chủng loại, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu kết nối với hệ thống SCADA.
Phát triển TBA không người trực là hoạt động thúc đẩy lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa ngành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Mô hình này giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống lưới điện.
Ngày 30/12/2019, Công ty Điện lực Thái Bình đã chính thức đưa 2 trạm 110kV là Vũ Thư và Kiến Xương vào vận hành ở chế độ thao tác xa từ Trung tâm điều khiển xa của Công ty. Theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, hiện nay toàn bộ 8 trạm 110kV truyền thống do Đội quản lý đã được cải tạo và chuyển sang chế độ trạm 110kV không người trực. Cùng với đó, 4 trạm 110kV được xây dựng mới và vận hành đáp ứng tiêu chí không người trực.
Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Nếu như trước đây, khi xảy ra sự cố nhân viên kỹ thuật phải thông qua khách hàng phản ánh hoặc dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố thì nay với hệ thống điều hành hiện đại, nhân viên trực vận hành TBA sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố hoặc cảnh báo sự cố, thông qua phần mềm điều khiển, góp phần giảm thời gian xử lý sự cố, nhanh chóng cung cấp điện trở lại, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy. Từ đó giảm tối đa khối lượng công việc mà trước đây nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo.
Ông Chu Bạch Dương cho biết thêm: Việc nâng cấp, cải tạo các TBA 110kV theo tiêu chí không người trực góp phần giảm thời gian thao tác thiết bị, tăng năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy, an toàn và ổn định trong cung cấp điện, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh tại Việt Nam nói chung và lưới điện tỉnh Thái Bình nói riêng. Cùng với việc chuyển đổi các TBA truyền thống sang TBA không người trực, Công ty Điện lực Thái Bình đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa. Do đó, toàn bộ dữ liệu từ các TBA và hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh sẽ được truyền tải nhanh chóng về trung tâm để các điều độ viên trực tiếp theo dõi, giám sát, quản lý vận hành, phân tích dữ liệu, chẩn đoán sự cố, điều độ công suất lưới điện truyền tải, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.
Link gốc