Sử dụng thiết bị thông minh để kiểm tra thiết bị tại Trạm biến áp 500kV Di Linh.
Việc đưa Trạm biến áp 220kV này vào vận hành không người trực nhằm tăng năng suất lao động cũng như đảm bảo an toàn vận hành tin cậy và nâng cao chất lượng điện năng, giảm nguy cơ mất điện.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Cường- Phó Giám đốc PTC3 để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Phóng viên: PTC3 vừa hoàn thành chuyển đổi Trạm 220kV Bảo Lộc, trạm cuối cùng do đơn vị quản lý vận hành sang không người trực, vậy ông có thể cho biết ý nghĩa của việc này?
Ông Đinh Văn Cường: Đêm ngày 27/12/2023, PTC3 đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành nâng cấp hệ thống điều khiển, bảo vệ TBA 220kV Bảo Lộc (thuộc Dự án lưới điện thông minh – Smart grid) và đã chuyển sang chế độ vận hành không người trực.
Trạm biến áp 220 kV Bảo Lộc là trạm tiếp nhận, truyền tải công suất từ các nhà máy thuỷ điện trong khu vực như Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Nhà máy thuỷ điện VRG, đưa lên lưới điện quốc gia qua các đường dây: 220 kV Bảo Lộc – Di Linh kết nối lưới điện 500kV, 220kV Bảo Lộc - Sông Mây kết nối lưới điện phía nam và đường dây 220 kV Bảo Lộc - Phan Thiết kết nối về miền duyên hải. Đồng thời trạm cũng đóng vai trò quan trọng cung cấp điện sinh hoạt cho nhân dân TP. Bảo Lộc và các vùng lân cận.
Trạm biến áp 220kV Bảo Lộc vận hành có 3 cấp điện áp 220/110/22kV với hệ thống điều khiển theo kiểu truyền thống nên việc thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển, phân tích sự cố gặp khó khăn. Để chuyển sang chế độ không người trực cần nâng cấp hệ thống điều kiểm của trạm. Dự án được trang bị mới hệ thống điều khiển máy tính trong trạm theo cấu hình mạng LAN đơn thay thế cho hệ thống điều khiển truyền thống; đảm bảo giám sát, kết nối tín hiệu tới Trung tâm giám sát vận hành PTC3 và Trung tâm điều độ để điều khiển xa và vận hành không người trực. Đồng thời, dự án cũng trang bị hệ thống rơ le bảo vệ kỹ thuật số, có chuẩn giao thức truyền thông tiên tiến.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng vận hành hệ thống điều khiển, bảo vệ của trạm; nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống bảo vệ để loại trừ nhanh sự cố, nâng cao năng lực lưu trữ dữ liệu và quản lý vận hành, tăng cường năng lực vận hành hệ thống; nâng cao độ tin cậy, giảm cắt điện do hư hỏng hệ thống điều khiển, bảo vệ; chuyển trạm 220 kV Bảo Lộc thành trạm không người trực.
Màn hình điều khiển tại TBA 220kV Bảo Lộc sau khi chuyển đổi sang chế độ không người trực.
Với việc hoàn thành chuyển trạm biến áp 220kV Bảo Lộc sang chế độ vận hành không người trực, PTC3 là một trong hai đơn vị đầu tiên của EVNNPT hoàn thành chuyển 100% các TBA 220kV sang chế độ vận hành không người trực.
Khi chuyển tất cả các TBA 220kV sang chế độ không người trực, chúng tôi đã chuyển đổi từ mô hình sản xuất từ các TBA phải có nhân viên trực theo dõi, giám sát vận hành 24/7 sang phương thức toàn bộ các thông số vận hành, thông số lưới điện được thu thập, giám sát, điều khiển từ xa qua Trung tâm giám sát và các Trung tâm điều độ Hệ thống điện thay cho phương thức truyền thống hiện hữu, góp phần nâng cao hiệu quả trong vận hành trạm biến áp.
Bên cạnh đó, việc chuyển vận hành không người trực góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên vận hành, tăng tính linh hoạt trong công tác vận hành trạm biến áp.
Các Trạm biến áp 220kV không người trực đã được kết nối điều khiển về Trung tâm Giám sát vận hành điều khiển xa của PTC3 tại Khánh Hòa.
Phóng viên: Trong quá trình nâng cấp hệ thống điều khiển, PTC3 đã gặp khó khăn gì và đơn vị đã có những giải pháp gì để vượt qua, đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?
Ông Đinh Văn Cường: Với vai trò vừa là đơn vị quản lý vận hành, vừa là đơn vị tư vấn giám sát của chủ đầu tư trong dự án, PTC3 xác định rõ vai trò, trách nhiệm nặng nề của mình trong quá trình triển khai dự án. Trong vai trò kép đó, PTC3 đã gặp phải một số khó khăn chính có thể kể đến trong quá trình phối hợp thực hiện dự án như: Công tác chuẩn bị đầu tư dự án, với quy mô và tính chất phức tạp của dự án, PTC3 đã tập trung nhiều thời gian và nhân lực để góp ý hồ sơ thiết kế qua các giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, thỏa thuận phương án thi công.
Thời gian thi công dự án kéo dài, tính từ thời điểm khởi công hạng mục phần xây dựng (08/6/2021) đến thời điểm hoàn thành hạng mục cắt điện cuối cùng (27/12/2023), dự án đã kéo dài ròng rã, liên tục trong hơn 02 năm rưỡi. Trong khoảng thời gian này, PTC3 vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý vận hành trạm, vừa phải bám hiện trường để tổ chức giám sát, nghiệm thu, đôn đốc xử lý tồn tại các hạng mục của dự án trong khi lực lượng vận hành của trạm chỉ có vỏn vẹn 10 người.
Trạm 220kV Bảo Lộc là trạm truyền tải duy nhất trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và các vùng lân cận, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp điện, truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện và liên kết lưới điện 220kV khu vực. Do đó, việc cắt điện thi công một số ngăn lộ đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án hoàn thành trong năm 2023.
Đó thực sự là những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trong quá trình phối hợp thực hiện dự án. Tuy nhiên với tinh thần chủ động, quyết tâm cao độ, PTC3 đã cùng với đơn vị quản lý dự án và các đơn vị liên quan từng bước khắc phục, vượt qua khó khăn để hoàn thành dự án đúng tiến độ trong năm 2023.
Để đạt được kết quả đó, trong quá trình phối hợp thực hiện dự án, PTC3 đã tổ chức nghiên cứu, góp ý kỹ càng hồ sơ thiết kế của dự án, thỏa thuận, góp ý chặt chẽ phương án tổ chức thi công từ trạm đến truyền tải điện khu vực đến công ty.
Trung tâm Giám sát vận hành của PTC3 tại Khánh Hòa.
Chúng tôi luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, đặc biệt Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam...; thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, giúp đỡ các chủ đầu tư ngoài hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu.
Phóng viên: Với dự án này, PTC3 là một trong hai đơn vị đầu tiên của EVNNPT hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 100% trạm biến áp không người trực. Năm 2024 tới, PTC3 tiếp tục đặt mục tiêu tập trung cho chuyển đổi số ra sao và các đơn vị đang triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Văn Cường: Trong năm 2024 PTC3 tiếp tục thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số theo đề án chuyển đổi số của EVNNPT; trong đó, PTC3 tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới trong quản lý vận hành lưới điện truyền để nâng cao năng suất lao động.
Chúng tôi tiếp tục tập trung hoàn thành lập 100% đường bay tự động và đưa vào dùng thiết bị bay không người lái (UAV) kiểm tra định kỳ đường dây tự động cùng như dựng mô hình 3D để theo dõi hành lang; đẩy mạch ứng dụng các phần mềm dùng chung đã được ứng dụng thử nghiệm và mạng lại hiệu quả cao đặc biệt là các phần mềm quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp; xây dựng ứng dụng để đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng công nhân vận hành đường dây; ứng dụng các giám sát trực tuyến theo thời gian thực để giám sát theo dõi thiết bị tại các trạm.
Ngoài ra, tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh để nhận dạng và cảnh báo hư hỏng thiết bị, vật bay, cháy ....; giải pháp theo dõi giám sát tình trạng mang tải, độ vòng đường dây theo thời gian thực để giám sát độ võng trên các đường dây thường xuyên mang tải cao...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!