PTC2: Vận hành ổn định trong điều kiện giãn cách

Thứ năm, 6/8/2020 | 08:47 GMT+7
Trong bối cảnh một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) để phòng, chống dịch Covid-19, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn điện được vận hành an toàn, ổn định.
cong ty truyen tai dien 2 van hanh on dinh trong dieu kien gian cach
Sẵn sàng phương án ứng phó khi dịch bệnh kéo dài

Để rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Phong - Giám đốc PTC2.
 
PV: Thưa ông, trong bối cảnh thực hiện GCXH, đơn vị đã có những giải pháp gì để đảm bảo cấp điện an toàn liên tục, nhất là tại các bệnh viện, trung tâm kiểm soát dịch bệnh? Đồng thời, đảm bảo an toàn cho người lao động (NLĐ)?
 
Ông Trần Thanh Phong: Lưới điện của TP. Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung đều dùng điện lưới quốc gia. TP. Đà Nẵng được cung cấp bởi các trạm biến áp (TBA) 500kV Đà Nẵng và 2 TBA 220kV là Ngũ Hành Sơn và Hòa Khánh, việc cung cấp điện cho thành phố luôn được đảm bảo trong bất kỳ tình huống nào. Không riêng gì thời điểm dịch Covid-19 mà tất cả thời gian trong năm. Việc đảm bảo cung cấp điện liên tục từ lưới điện quốc gia luôn phải đặt lên hàng đầu, bởi chỉ một trục trặc nhỏ cũng có thể gây mất điện diện rộng. Vì thế, vận hành điện 24/24 trong toàn bộ 365 ngày trong năm được công ty đặt lên hàng đầu.
 
Giãn cách bởi dịch Covid-19 lần này là giai đoạn 2. Giai đoạn đầu, công ty đã thực hiện nghiêm túc và chủ động đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Đơn vị quán triệt NLĐ phải chấp hành đầy đủ các quy định của Chính phủ, địa phương, các cơ quan y tế cũng như hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia. Cụ thể, tại các địa điểm làm việc đều được phun thuốc sát khuẩn, kiểm soát người lạ ra vào, khai báo y tế rõ ràng. Cán bộ, công nhân viên được trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chống giọt bắn…
 
PV: Công tác ứng trực cũng như ứng dụng công nghệ ra sao để điều hành, xử lý công việc trong bối cảnh dịch bệnh phải hạn chế tối đa lượng người làm việc trực tiếp, thưa ông?
 
Ông Trần Thanh Phong: Đối với lực lượng trực vận hành các TBA 500kV và 220kV ở khu vực Đà Nẵng và các khu vực mà PTC2 quản lý, chúng tôi cô lập các TBA để đảm bảo nguồn nhân lực vận hành lưới điện và áp dụng phương châm 4 tại chỗ. Đối với lực lượng lao động gián tiếp thì chủ yếu được bố trí làm việc ở nhà. Ở đơn vị, lực lượng cần thiết tối đa cũng chỉ 50% quân số, nhằm GCXH, hạn chế di chuyển. Dù làm việc ở đơn vị hay ở nhà, mọi người đều phải tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế.
 
Về áp dụng công nghệ, với những người làm việc tại nhà thì phải dùng công nghệ thông tin, NLĐ được huấn luyện, trang bị đầy đủ các phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh để làm việc. Việc phun thuốc sát khuẩn ở các địa điểm làm việc, nơi ăn, ở tập trung của NLĐ cũng đã sử dụng robot và flycam, nhằm đảm bảo phun được diện rộng và không ảnh hưởng đến người vận hành…
 
PV: Đơn vị đã có phương án chuẩn bị như thế nào để ứng phó với các tình huống diễn biến phức tạp khi dịch bệnh kéo dài, thưa ông?
 
Ông Trần Thanh Phong: Thứ nhất, công ty đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho lực lượng vận hành có thể ăn, ở tập trung, cô lập với môi trường bên ngoài. Ở đây cũng xin nhấn mạnh là toàn bộ các đơn vị của PTC2 nằm trên 7 tỉnh, thành phố chứ không riêng gì TP. Đà Nẵng.
 
Thứ hai, chúng tôi đã xây dựng các tình huống kịch bản có thể xảy ra để ứng phó phù hợp, như trường hợp giả định thiếu đến 50% nhân lực vận hành đường dây cũng đã được xây dựng và có phương án xử lý cụ thể.
 
Thời gian qua, công ty đã đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư dự phòng thay thế các ca trực thiếu trong lực lượng vận hành trạm; chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện thông suốt, không để xảy ra sự cố, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty, cũng như việc cung ứng điện cho mọi phụ tải.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Link gốc
Theo: Báo Công Thương