Anh Phạm Thanh Tùng- Công nhân Đội quản lý vận hành, Điện lực Kỳ Anh đạt Giải nhất cuộc thi thợ giỏi nhóm nghề quản lý vận hành- Công ty Điện lực Hà Tĩnh.
Với sự xuất sắc vượt trội đó, anh xứng đáng được Tổng công ty Điện lực miền Bắc trao tặng danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" và được Công ty Điện lực Hà Tĩnh đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng Bằng khen.
Sinh năm 1991 tại xã vùng biên giới Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ anh Tùng vốn có nhiều dấu ấn và kỷ niệm với nghề thợ điện bởi thời điểm đó bố anh là chủ nhiệm HTX dịch vụ điện. Đây cũng là khởi nguồn, là cái duyên đưa anh đến với ngành điện.
Quyết tâm gắn bó với nghề mình yêu thích, học xong cấp 3, anh thi đậu vào Trường Đại học Điện lực hệ Cao đẳng kỹ thuật điện. Mong muốn được tiếp nối công việc của bố, ra trường vào năm 2012, anh xin vào làm nhân viên dịch vụ điện nông thôn của Điện lực Hương Sơn, sau đó anh được nhận vào làm công nhân hợp đồng tại Điện lực. Trong thời gian làm việc tại đây, bên cạnh nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, anh không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ bố và các anh chị em trong đơn vị, mạnh dạn đưa ra các đề xuất, ý tưởng mới trong quá trình lao động, sản xuất. Với hai sáng kiến “Cải tiến nâng cấp chân trèo cột bê tông chữ H” và “Bộ cố định dây công tơ trong hòm hộp phục vụ công tác thay thế công tơ” được Công ty công nhận, anh đã đóng góp tích cực vào phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Người công nhân trẻ gây ấn tượng với mọi người bởi những sáng kiến, đề tài có giá trị.
Sau hơn 5 năm không ngừng cố gắng phấn đấu, năm 2021, anh chính thức được tuyển dụng vào Công ty Điện lực Hà Tĩnh và được phân về công tác tại Điện lực Kỳ Anh. Tại đây, phát huy thế mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, tự đầu tư kinh phí và dành nhiều thời gian để thực hành, trải nghiệm. Chỉ trong một thời gian ngắn anh đã cùng đồng nghiệp cho ra đời 3 đề tài sáng kiến, trong đó đề tài “Hệ thống giá đỡ nâng dây thay sứ đứng” và “Bộ công cụ giữ xà và dây treo” được công nhận sáng kiến đưa vào ứng dụng thực tế tại đơn vị và trong toàn Công ty. Riêng sáng kiến “Bộ dụng cụ thay sứ đứng, thay xà và thay đinh xà” được Tổng công ty công nhận và đánh giá cao.
Chia sẻ về những thành quả của mình, anh Tùng khiêm tốn trải lòng: “Mặc dù bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn nhưng chừng đó thời gian gắn bó, tôi hiểu rõ ngành điện vốn vất vả, nhọc nhằn. Và nếu những ý tưởng của mình được phát huy, áp dụng thì sẽ giải phóng được sức lao động và cải thiện phần nào điều kiện làm việc cho mình và đồng nghiệp. Vì thế, trong quá trình lao động tôi luôn “đau đáu” làm sao để tìm ra nhiều cách làm hay, mở ra những “nút thắt” trong công việc. Suy nghĩ đi cùng hành động đã thôi thúc tôi dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và đưa ra các đề xuất trước tập thể. Rất may những ý tưởng đó được lãnh đạo và các thành viên trong đơn vị đồng tình, ủng hộ nhờ đó có thể tạo ra những sáng kiến hiệu quả để ứng dụng vào thực tế tại đơn vị. Thành quả đó không chỉ là của riêng tôi mà cả một sự cố gắng, nỗ lực của tập thể Điện lực Kỳ Anh”.
Quả thật, qua những gì anh nghĩ và làm, có thể thấy, với anh sáng tạo không chỉ là đam mê mà đó còn là thước đo hiệu quả công việc. Anh cũng thẳng thắn chia sẻ rằng:“Tôi vui với những kết quả mình đạt được bởi xứng đáng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, nhưng khi những gì mình làm có thể mang lại lợi ích cho cả tập thể thì niềm vui đó càng được nhân lên gấp bội. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo, cải tiến công việc nhằm đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.
Nhận xét về anh Phạm Thanh Tùng, anh Nguyễn Khắc Hiếu- Đội trưởng đội quản lý vận hành Điện lực Kỳ Anh cho biết: Không chỉ là người có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, anh Tùng còn là một nhân viên có ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, luôn xung phong đảm nhận những công việc phức tạp, sẵn sàng đi trước, về sau trong những đợt xử lý sự cố hay thời điểm, nắng nóng, mưa bão... chưa bao giờ thấy anh từ chối hay thoái thác bất cứ công việc gì.
Còn anh Dương Hữu Chiến- đồng nghiệp cùng đội với anh cho biết, bản thân Tùng cũng là một gương điển hình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị. “Lưới điện trên địa bàn còn nhiều yếu điểm, đường dây băng đồi núi, vượt giữa các rừng cây keo, tràm, Tùng đã cùng anh em trong đội tích cực vận động người dân chặt tỉa, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các điểm nóng, điểm đen về hành lang tuyến để lưới điện luôn đảm bảo vận hành liên tục, an toàn. Không những thế, Tùng thường xuyên bám sát hiện trường, hỗ trợ anh em tập trung kiểm tra, xử lý các tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện... góp phần đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn.
Không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn, anh còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể tại đơn vị, “xông xáo” trong các chương trình tri ân, thiện nguyện tại địa phương. Đối với anh em đồng nghiệp, Tùng luôn hòa đồng và tận tình giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình và động viên mọi người chủ động học hỏi, sáng tạo trong công việc. Đồng thời thẳng thắn đưa ra suy nghĩ, quan điểm của mình trước tập thể, đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng vì một mục tiêu chung đó là hoàn thành mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Với sáng kiến này chỉ cần một người là có thể thay sứ một cách dễ dàng và đảm bảo an toàn lao động.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình anh còn gặp nhiều khó khăn, con nhỏ, vợ chưa có việc làm ổn định, quãng đường từ nhà đến cơ quan hơn 150km nhưng vốn là người chịu khó, trách nhiệm, anh luôn nỗ lực để cân bằng cuộc sống và chu toàn giữa công việc, gia đình. Trong quá trình công tác của mình, anh luôn được cấp trên và đồng nghiệp yêu quý, ghi nhận về tinh thần và ý chí quyết tâm cũng như khả năng sáng tạo trong công việc.
Ông Đặng Đôn Sơn- Giám đốc Điện lực Kỳ Anh cho biết: Lãnh đạo đơn vị rất ghi nhận nỗ lực, nhiệt huyết của anh Phạm Thanh Tùng thời gian qua, bởi anh là nhân tố tạo nên khí thế, động lực giúp khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần chủ động, tích cực của CBCNV đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên trẻ, mang đến luồng gió mới trong phong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại đơn vị, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.