Quản lý năng lượng

Phát động cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025

Thứ tư, 28/10/2020 | 14:22 GMT+7
Sáng nay (28/10), Bộ Công Thương tổ chức phát động “Cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025”.
 

 
Đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương chủ trì tổ chức phát động cuộc thi sáng tác logo và slogan về tiết kiệm điện với chủ để “Chung tay thực hiện tiết kiệm điện vì sự phát triển bền vững đất nước”. Chương trình được tài trợ, đồng hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng thế giới (WB). 
 
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Võ Quang Lâm – Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chi phí để thực hiện các giải pháp tiết kiệm 1kW công suất điện rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để sản xuất và truyền tải 1kW công suất điện tới người tiêu dùng cuối cùng (chỉ bằng khoảng 20-25%). Trong bối cảnh tăng trưởng điện hàng năm vào khoảng 10%, trong đó điện cho sản xuất - công nghiệp chiếm khoảng 54%. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp trọng điểm (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) tiêu thụ khoảng 75 tỷ kWh điện mỗi năm – tương ứng khoảng 35% sản lượng điện của cả nước. Do vậy, việc thực thi các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn như: tiết kiệm chi phí tiền điện của người dân và doanh nghiệp, giúp ngành Điện vận hành hệ thống điện hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững quốc gia. 
 

Ông Võ Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu tại lễ phát động.
 
Ông Võ Quang Lâm, cho rằng, "dư địa để chúng ta làm các giải pháp tiết kiệm điện trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chiếu sáng, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt… là rất căn cơ. Nếu chúng ta tính rằng một đồng bỏ ra để tiết kiệm điện thì hiệu quả gấp khoảng 4-5 lần so với đầu tư 1kWh điện thương phẩm, vì vậy nếu chúng ta tập trung vào dư dư địa này thì đất nước chúng ta có điều kiện để phát triển bền vững hơn, ngành điện có thể đảm bảo an ninh năng lượng tốt hơn, và đặc biệt là người dân và doanh nghiệp cũng sẽ trả chi phí tiền điện ít hơn. Đây là lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp, EVN và cho cả đất nước chúng ta để chúng ta cùng nhau xây dựng một đất nước phát triển bền vững và đảm bảo môi trường trong những năm tiếp theo.."
 
Theo ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ TKNL và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển năng động nhất ở khu vực châu Á, với nhu cầu tiêu thụ điện năng cao, khoảng trên 10% trong giai đoạn 2016-2020. Trên thực tế, tiềm năng, dự địa trong việc sử dụng hiệu quả nguồn điện còn rất lớn. 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), giúp giảm 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2006-2010 và 5,65% trong giai đoạn 2011-2015.
 
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), hướng tới triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó, việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
 

Ông Phương Hoàng Kim- Vụ trưởng Vụ TKNL và phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
 
Gần đây nhất, ngày 7 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 (Chỉ thị 20), trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Tại Chỉ thị 20, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể-xã hội thực hiện 5 giải pháp: Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất. 
 
Về ý nghĩa của cuộc thi sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện với chủ đề “Chung tay thực hiện tiết kiệm điện vì sự phát triển bền vững”, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, "thông qua cuộc thi, Bộ Công Thương mong muốn sẽ lựa chọn được biểu tượng và khẩu hiệu giàu hình ảnh, có ý nghĩa để thực hiện chương tình tiết kiệm điện, thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025.."
 
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự cần thể hiện được xu hướng tiết kiệm điện, hướng đến tiêu chí bền vững và thân thiện. Đồng thời, đạt được những yêu cầu về thiết kế như: thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được nét truyền thống kết hợp với xu thế hiện đại và hội nhập (thể hiện qua màu sắc, đường nét, bố cục, ý nghĩa...).
 
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi gồm: 01 Giải Nhất (bao gồm cả logo và slogan): trị giá 50.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công Thương; 10 Giải Khuyến khích: trị giá 7.000.000 VNĐ/giải kèm chứng nhận của Bộ Công Thương; 01 Giải thưởng dành cho tổ chức có số lượng tham gia nhiều nhất trị giá 10.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công Thương; 01 Giải thưởng khán giả bình chọn nhiều nhất (qua fanpage cuộc thi): trị giá 5.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công Thương.
 
Thời gian nhận tác phẩm dự thi kể từ 12h00 ngày 21/10/2020 đến 17h00 ngày 5/12/2020. Dự kiến lễ công bố trao giải sẽ diễn ra vào tháng 12/2020.
 
Nguyên Long