Tin thế giới

Phát triển Đập và Thủy điện ở Châu Á

Thứ năm, 23/9/2010 | 10:33 GMT+7

Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) từ 23 đến 26 tháng 5/2010. Theo Ông Luis Berga, nguyên chủ tịch ICOLD, thì mặc dù là thành viên khá trẻ của ICOLD, nhưng Hội Đập lớn Việt Nam (VNCOLD) có đủ nhiệt tình và năng lực làm việc để đảm bảo Hội nghị 2010 thành công. VNCOLD thành lập năm 2004 và trở thành thành viên của ICOLD vào năm 2005.

Ông Berga khẳng định Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ và cần xây dựng cơ sở hạ tầng thủy công để sản xuất điện, điều tiết tưới tiêu và kiểm soát lũ.

Ông Berga nói: “Các chuyên gia ngành đập rất quan tâm đến kinh nghiệm của Việt Nam trong việc lập kế hoạch, xây dựng và vận hành các đập lớn hài hoà với môi trường. Việt Nam có tiềm năng thủy điện rất lớn, vì vậy có tiềm năng phát triển dạng năng lượng sạch và tái tạo này.”

Hội thảo quốc tế mang tên “Phát triển đập và tài nguyên nước bền vững” được tổ chức tại Hà Nội với các chủ đề chính:

• Cải tiến trong xây dựng đập.
• An toàn đập, bảo trì và phục hồi đập.
• Thuỷ văn, lập kế hoạch tài nguyên nước bền vững và quản lý lưu vực sông.
• Vấn đề tài chính và giảm chi phí đầu tư xây dựng đập.
• Lập mô hình đập và kết cấu có sử dụng máy điện toán.
• Công cụ giảng dạy và vấn đề nâng cao trình độ kỹ sư thủy điện.

Ngoài ra, các ủy ban kỹ thuật của ICOLD bao gồm hơn 500 chuyên gia từ các nơi trên thế giới cũng tham dự hội nghị thường niên này. Các kết quả nghiên cứu của họ sẽ được công bố trong các tài liệu thông tin của ICOLD. Ngoài ra, các đại biểu còn được tham gia các chuyến khảo sát kỹ thuật tại các đập Sơn La, Cửa Đạt, Định Bình, Trị An, Hàm Thuận và Bái Thượng.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về tình hình phát triển đập và thuỷ điện ở châu Á, dưới đây xin giới thiệu một số công trình, trong đó nhiều công trình sẽ được hoàn thành trong vài năm tới.

Đập BAKUN (MALAYSIA)

Đập thủy điện Bakun được xây dựng trên sông Baliu (bang Sarawak, Malaysia). Mặc dầu được đề xuất từ những năm 1960, công trình đã bị trì hoãn nhiều lần, đáng chú ý nhất là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Tuy nhiên, năm 2002, dự án được trao cho Liên doanh thủy điện Malaysia - Trung Quốc và công trình 2.400 MW này dự kiến sẽ hoàn thành năm 2011.

Đập Bakun cao 207 m, đỉnh đập dài 748 m, dung tích 117 triệu m3 và hiện là đập CFRD (đập bêtông bản mặt) cao thứ hai thế giới. Khi hoàn thành, đập sẽ đạt độ cao đầy đủ là 230 m.

Đập tràn có bốn cửa hướng tâm, rộng 15 m và cao 20 m, mỗi cửa có máng trượt bêtông rộng 50 m, dài 680 m, kết thúc là hố tiêu năng.

Tám đường hầm thuỷ lực lót bêtông hoặc thép, đường kính tại cửa nhận nước là 8,5 m, đường kính đoạn dốc là 7 m và chiều dài từ 670 m đến 760 m. Gian máy được bố trí tại chân đập, bên trong có 8 tuabin công suất đơn vị 300 MW.

Vào lúc cao điểm có tới trên 4.000 công nhân làm việc tại hiện trường. Tổng chi phí xây dựng đập ước tính 5,8 tỷ ringgit Malaysia (1,8 tỷ USD).

Đập thủy điện Bakun

Thủy điện Bản Vẽ (VIệT NAM)

Nhà máy thủy điện Bản Vẽ công suất 320 MW ở Việt Nam dự kiến bắt đầu sản xuất điện tháng 5/2010. Tổ máy tuabin số 2 công suất 160 MW được lắp đặt tại công trình từ tháng 2/2010. Nhà máy vận hành thử vào tháng 3 và tổ máy tuabin số 1 chính thức bắt đầu sản xuất điện từ 19/5/2010.

Công trình trên sông Cả ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An này khởi công xây dựng tháng 9/2004. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ sản xuất hơn 1,76 tỷ kWh/năm. Nhà máy sẽ được liên kết với lưới điện quốc gia qua đường dây truyền tải dài 200 km. Thuỷ điện Bản Vẽ cũng sẽ được liên kết với nhà máy thủy điện Nậm Mô bên nước Lào láng giềng qua đường dây truyền tải 110 kV, như một phần trong kế hoạch kết nối các lưới điện trong vùng.

Đập của công trình Bản Vẽ là đập cao nhất Việt Nam (135 m). Dung tích hồ chứa 1,8 triệu m3. Ngoài sản xuất điện, công trình còn có chức năng cắt lũ, cung cấp nước cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Nam Đàn và Đô Lương.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ sở hữu và chủ đầu tư chính của công trình. Doanh thu hằng năm từ công trình cỡ  57 - 64 triệu USD. Tập đoàn Sông Đà là nhà thầu chính. Công ty cổ phần Cavico Việt Nam là nhà thầu phụ chịu trách nhiệm xây dựng các đường hầm. Chi phí công trình lên tới hơn 390 triệu USD.

 

Thủy điện Bản Vẽ

Thủy điện A Lưới (VIệT NAM)

Công trình thủy điện A Lưới, 170 MW, được xây dựng trên sông A Sáp, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Việt Nam) dự kiến bắt đầu sản xuất điện vào cuối năm 2010. Chủ sở hữu của công trình A Lưới là Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung (CHP). Đường hầm dẫn nước của công trình được mô tả là dài nhất và phức tạp nhất đang xây dựng ở Việt Nam. Tập đoàn Cavico đang xây dựng đường hầm dẫn nước với chi phí 55,4 triệu USD. Đường hầm sẽ dài 11,6 km, rộng 4-6 m và sẽ bao gồm một buồng điều áp.

Thuỷ điện A Lưới có chi phí dự toán khoảng 202 triệu USD. Các nhà đầu tư công trình gồm:

• Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung.
• Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
• Ngân hàng liên doanh Việt Nam - Thái Lan.
• Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình.
• Công ty tài chính Cao su.

 

Thủy điện A Lưới

Công trình Thủy điện Sơn La (VIỆT NAM)

Tháng 12/2009, Công ty Tianjin Alstom Hydro đã giao bánh công tác đầu tiên cho sáu tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW tại Nhà máy thủy điện Sơn La (Việt Nam). Bánh công tác tuabin nặng 210 tấn, đường kính 8,3 m và cao 3,8 m đã được giao đúng thời hạn.

Sơn La sẽ trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất thiết kế là 2.400 MW. Khi hoàn thành, nhà máy dự kiến sản xuất hằng năm 10 tỷ kWh, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu năng lượng ở Việt Nam.

Hợp đồng ký kết năm 2007 giữa Alstom Hydro và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu rõ Alstom sẽ cung cấp toàn bộ thiết bị điện - cơ cho công trình. Công trình được xây dựng trên sông Đà, tỉnh Sơn La. Phạm vi cung cấp bao gồm: thiết kế, thiết kế kỹ thuật, chế tạo và vận chuyển tới hiện trường 6 tuabin Francis 400 MW cùng các máy phát, thiết bị còn lại của nhà máy, cộng với công tác đào tạo, giám sát lắp đặt, thử nghiệm và nghiệm thu vận hành. Ông Philippe Cochet, chủ tịch Alstom Hydro, cho biết: “Nhà máy thủy điện Sơn La đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam và chúng tôi rất vinh dự được EVN giao phó công trình quan trọng này.”

 Thủy điện Sơn La

Các công trình đang triển khai ở Ấn Độ

• Những yếu tố không lường trước về địa chất đã gây khó khăn cho quá trình đào đường hầm nhà máy thủy điện Allain Duhangan 192 MW, đẩy chi phí xây dựng vượt quá mức dự kiến và tiến độ công trình bị chậm trễ. Ban đầu theo kế hoạch, nhà máy được đưa vào vận hành vào mùa hè năm 2008, nhưng theo dự kiến hiện nay phải đến tháng 6/2010 nhà máy mới hoàn thành. Công tác xây dựng bắt đầu cách đây 6 năm, từ năm 2004.

Công trình thủy điện kiểu dòng sông này sẽ sử dụng nước từ các sông Allain và Duhangan ở huyện Kullu, bang Himachel Pradesh. Hai tổ máy thuỷ điện trục đứng 96 MW do tập đoàn LNJ Bhilwara cung cấp được lắp đặt trong gian máy ngầm. Trạm phân phối điện trên mặt đất và đường dây truyền tải dài 185 km sẽ kết nối công trình với lưới điện địa phương.

Allain Duhangan là công trình BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), do Allain Duhangan Power Company Limited (ADPCL) đảm nhận. ADPCL thuộc sở hữu chung của các công ty Rajasthan Spinning & Weaving Mills, HEG Limited và Công ty điện lực Malana. Phần thiết bị do Bharat Heavy Electricals Limited cung cấp.

Khi vận hành, công trình sẽ cung cấp phụ tải nền vào mùa hè và mùa mưa, và cung cấp phụ tải đỉnh vào mùa đông và các tháng không có gió mùa. Sản lượng trung bình năm của nhà máy là 800 GWh.

• Công trình thủy điện xây dựng trên sông Alakanada 140 MW, thuộc bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ, cũng đang chậm tiến độ, nhưng là do tuyết rơi quá nhiều. Công trình có cột nước tổng là 480 m, bao gồm đập cao 40 m, đường hầm dẫn nước dài 3 km và đường ống áp lực ngầm dẫn đến gian máy ngầm với hai tuabin thủy điện kiểu dòng sông công suất đơn vị 70 MW.

Việc xây dựng không thể thực hiện trong mùa đông và vì vậy công trình theo dự đoán sẽ phải mất khoảng 6 năm mới hoàn thành, tức là gấp đôi thời gian yêu cầu bình thường. Dự kiến đến năm 2011 hoặc 2012 mới bắt đầu sản xuất điện.

Năm 2005, GMR Energy ký thoả thuận với chính quyền bang Uttarakand để được nhượng quyền xây dựng - sở hữu - vận hành nhà máy trong 45 năm. Công ty Halcrow được chỉ định lập bản đồ địa hình, khảo sát tuyến đập và nghiên cứu thủy văn cho công trình.

• Một công trình khác ở Ấn Độ cũng sẽ được đưa vào vận hành năm 2012, đó là công trình Subansiri 2.000 MW thuộc bang Assam. Alstom được Tổng công ty Thủy điện quốc gia lựa chọn cung cấp tám tuabin Francis trục đứng công suất đơn vị 250 MW cho công trình. Phạm vi cung cấp cũng bao gồm hệ thống điều tốc kỹ thuật số, các van bướm, các máy phát trục đứng 11,6 kV và hệ thống kích từ tĩnh.

• Năm 2008, Alstom Projects India Limited được Tổng công ty Sản xuất điện Andhra Pradesh trao hợp đồng chìa khóa trao tay xây dựng công trình thủy điện 240 MW, trên sông Krishna, huyện Mahaboobnagar thuộc bang Andhra Pradesh.
Alstom sẽ thiết kế, cung cấp, lắp đặt, thử nghiệm và vận hành sáu tổ máy điện tuabin Kaplan kiểu bầu, công suất đơn vị 40 MW, cùng với toàn bộ thiết bị phụ trợ và thiết bị tự dùng.

Theo kế hoạch, công trình sẽ sản xuất điện năm 2013.

Thủy điện Allain Duhangan

Thủy điện ở BHUTAN

Cho đến nay, công trình thủy điện Tala 1.020 MW là công trình lớn nhất do Ấn Độ và Bhutan cùng thực hiện. Đập bắt đầu xây dựng năm 1998, và công trình được đưa vào vận hành tháng 3/2007. Theo kế hoạch, nhà máy được đưa vào vận hành từ năm 2005 nhưng đã bị chậm trễ mà nguyên nhân, theo như các nhà địa chất mô tả, là gặp phải những điều kiện hết sức khó khăn về đào đường hầm, hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.

Năm 2003, công tác khoan cả hai đường hầm ở thượng lưu và hạ lưu đều đi vào vùng địa chất mềm, khó ổn định. Gần 80 % địa tầng được đánh giá là xấu hoặc rất xấu khiến việc đào đường hầm bị chậm trễ đáng kể; những tắc nghẽn trong các giếng áp lực nghiêng và thẳng đứng lại khiến việc hoàn thành bị chậm trễ nhiều hơn nữa.

Công trình Tala do Tala Hydroelectric Project Authority quản lý. Công trình nằm trên sông Wangchu, phía Tây Bhutan, ở độ cao 860 m. Đây là công trình có cột nước cao nhất trong vùng. Đập cao 92 m cấp nước qua đường hầm dẫn nước dài 22 km. Gian máy ngầm có sáu tổ máy phát điện, công suất đơn vị 170 MW. Ba đường dây truyền tải 440 kV đi thẳng tới biên giới Ấn Độ bởi vì điện năng được xuất khẩu hoàn toàn sang Ấn Độ. Công trình thủy điện kiểu dòng sông này sản xuất hằng năm khoảng 4,865 tỉ kWh.

Bhutan có kế hoạch đến năm 2020 sẽ xuất khẩu trên 10.000 MW thủy điện. Ấn Độ và Bhutan hợp tác chặt chẽ với nhau về lĩnh vực này và đã ký kết thoả thuận hợp tác phát triển chung nguồn thủy năng. Hai quốc gia còn có nhiều kế hoạch phát triển thủy điện nữa. Bhutan đặt mục tiêu lắp đặt mới 10 GW công suất thủy điện vào năm 2020 để cung cấp cho thị trường Ấn Độ.

Các thoả thuận về bốn công trình - Hồ chứa Amochhu 620 MW, Kuri Gongri 1.800 MW, Chamkharchhu-I 670 MW và Kholongchhu 486 MW - đã được ký kết sau các cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Vua Butan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck hồi tháng 12/2009. Điện năng sản xuất từ các công trình sẽ được Bhutan sử dụng, và phần dư thừa sẽ được xuất khẩu sang Ấn Độ.

Tổng công ty Lưới điện của Ấn Độ cam kết xây dựng đường liên kết truyền tải mới giữa Bhutan và miền Trung Ấn Độ. Tổng công ty này đã được Ngân hàng Thế giới cho vay 400 triệu USD từ tháng 11/2008 nhằm tăng công suất lưới truyền tải điện quốc nội Ấn Độ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc bán điện năng từ các công trình thuỷ điện cho khắp đất nước. Với sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổng công ty Lưới điện đã cải thiện rất nhiều phần cơ sở hạ tầng điện phía phụ tải trong cả nước từ năm 1990, tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua bán điện năng giữa các bang của Ấn Độ và với các nước láng giềng.

 


 
Thủy điện Tala
Theo: QLNĐ số 8/2010