Hội thảo quốc tế với chủ đề: "Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn" vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Thuận, Tây Ninh, đại diện các tổ chức tín dụng Quốc tế và trong nước như World Bank, ADB, VietinBank, HDBank... đại diện các Doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Trung Nam, Tân Hoàn Cầu Group,… cùng nhiều chuyên gia Quốc tế và trong nước.
Bức tranh phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Năng lượng tái tạo như điện Mặt trời, điện gió, thủy điện là xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước, một con số không hề nhỏ, nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%. Vậy nên quy hoạch năng lượng tái tạo như thế nào vẫn là bài toán khó được cả Chỉnh phủ các cấp, doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chỉ trong vài tháng, quy hoạch điện mặt trời đã bị phá vỡ. Do có mốc thời gian để hưởng giá ưu đãi nên nhà đầu tư triển khai ồ ạt. Xây dựng quy hoạch điện nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng phải có sự đồng bộ từ phát điện - truyền tải - phân phối. Đặc biệt, quy hoạch điện mặt trời phải gắn với quy hoạch đất đai, quy hoạch nguồn vốn. Câu chuyện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh phải có sự phân cấp trong xây dựng và triển khai thực hiện. "Không phải cứ khó là đi kêu, mà phải được thể hiện bằng luật" - ông Vũ Đình Ánh cho hay.
Những nhóm giải pháp được đề xuất
Do thiếu quy hoạch, phát triển ồ ạt nên năng lực truyền tải của EVN dành cho điện mặt trời còn nhiều hạn chế. Việc cần làm trước tiên là thúc đẩy giải tỏa công suất truyền tải của EVN, sau nữa là hoàn thiện một cơ chế phối hợp công để mở đường cho khu vực tư nhân không chỉ tham gia vào việc đầu tư sản xuất điện mặt trời mà còn đầu tư cả vào hệ thống truyền tải.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN chia sẻ, để kịp thời giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải. Ngay sau khi Thủ tướng, Bộ Công Thương phê duyệt, EVN đã tập trung mọi nguồn lực triển khai, đến nay, nhiều dự án đã đạt và vượt tiến độ. Đồng thời, Tập đoàn cũng chủ động tổ chức các buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, các chủ đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam – doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia vào mạng lưới truyền tải điện cho hay việc tham gia đầu tư vào đường dây 500 kV của Trung Nam sẽ giúp nhà nước giải tỏa được công suất mà chính phủ cho phép, tỉnh cũng giải tỏa được công suất cam kết với nhà đầu tư và cuối cùng, các nhà đầu tư cũng được sử dụng đường truyền này để giải tỏa công suất.
Theo ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp – HDBank: điện mặt trời chủ yếu sẽ được sử dụng cho sản xuất của bản thân đơn vị kinh doanh đó, từ đó họ sẽ ít phụ thuộc hơn vào khả năng mua điện của nhà nước. Điều này cũng hợp lý với chủ trương xanh hóa phân xưởng sản xuất. Ngân hàng đã rất sẵn sàng để dành ra nguồn vốn khoảng 10,000 tỷ để giải ngân cho các doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời này.
Những ý kiến góp ý và đề xuất chính sách của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ được gửi tới Bộ Công thương như một bản khuyến nghị cụ thể để Bộ có thể hoàn thiện hành lang pháp lý hướng tới việc phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững.