Diễn đàn năng lượng

Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khí hóa lỏng tại Việt Nam

Thứ tư, 13/11/2019 | 14:48 GMT+7
"Chương trình Quốc tế về năng lượng và khí hóa lỏng Hoa Kỳ - Việt Nam" diễn ra ngày 13/11 tại TPHCM với sự tham gia của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM...
Ông Steve Borsos, Phó Chủ tịch Năng lượng Khí hóa lỏng (LNG) - Tổng công ty Fluor chia sẻ kinh nghiệm thực hiện lĩnh vực khí hóa lỏng (LNG) của Fluor.
 
“Chương trình Quốc tế về năng lượng và khí hóa lỏng Hoa Kỳ - Việt Nam” diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Công thương cùng lãnh đạo các công ty về năng lượng, dầu khí lớn của Việt Nam. Chương trình do Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn YCT Việt Nam; công ty Gloabalinx Group tổ chức.
 
Sự kiện này giới thiệu tiềm năng, khả năng hợp tác về chuyển giao công nghệ, khai thác, và hợp tác kinh doanh trong vấn đề năng lượng và khí hóa lỏng giữa 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
Kế hoạch tổng thể về khí tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2017. Quyết định 60 đưa ra kế hoạch chung cho ngành công nghiệp khí đốt Việt Nam giai đoạn phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, tối đa hóa sản xuất khí trong nước từ các lĩnh vực hiện có như: Khai thác nguồn cung khí từ ngoài khơi mới như lưu vực Sông Hồng, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Thổ Chu… cung cấp khí đốt ở khu vực Đông Nam để chống lại sự sụt giảm năng lượng. Đồng thời, lập kế hoạch và thực hiện nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); Hợp nhất các cơ sở phân phối và vận chuyển khí tại các khu vực hiện có để hỗ trợ phát triển theo kế hoạch; Xây dựng chính sách giá gas phù hợp với lộ trình giá khí phù hợp để đáp ứng lợi ích của nhà nước, các doanh nghiệp và người sử dụng ngành khí.
 
Theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam, từ 2015 đến 2019, 83% gas được tiêu thụ trong ngành sản xuất điện; 11% là phân bón và 6% là người dùng công nghiệp khác. Từ năm 2021 đến 2025 và đến năm 2035, quy mô thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể. Dự kiến thị phần ngành công nghiệp điện sẽ giảm xuống hơn 72%, trong khi phân bón và người sử dụng hóa chất tăng hơn 21%.
 
Chia sẻ với đối tác Việt Nam về lĩnh vực khí hóa lỏng (LNG) của Fluor, ông Steve Borsos, Phó Chủ tịch Năng lượng Khí hóa lỏng (LNG) - Tổng công ty Fluor cho biết, công ty kinh doanh lĩnh vực dầu lửa và khí đốt, thi công những dự án lớn. Năm 2018, công ty mua bán khối lượng thiết bị, nguyên vật liệu hàng ngày trị giá lên đến 50 triệu đô la Mỹ. Điểm khác biệt của công ty ông là thi công theo mô đun, thiết lập với đối tác Kuwait ở Trung Quốc, ở đó, công ty đã thi công cho những cảng tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG). Đây là nơi lắp ráp thi công lĩnh vực này trên toàn thế giới. 
 
Fluor cũng thiết kế liên quan đến hệ thống cảng, những dịch vụ kỹ thuật như: lập kế hoạch về cảng biển, kỹ thuật hàng hải, dân dụng cho đến đường ống dẫn, hỗ trợ mở thêm cảng mới, thiết kế cảng trên và dưới mặt nước. Hiện Fluor đã thực hiện 3 dự án hệ thống nổi, bể chứa và tái khí hóa LNG ở Lithuania, Thái Lan, Singapore. Một dự án thực hiện ở Đông Âu tiếp giáp Biển Baltic, có sức chứa đến 170.000 m3 khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, có hệ thống cảng neo đậu LNG, có đường dẫn khí từ tàu đó vào đất liền. Ngoài ra, công ty cũng cung cấp các trang thiết bị và hệ thống đường ống dẫn. "Với kinh nghiệm hơn 50 năm, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu khả thi của một trạm tiếp nhận khí hóa lỏng LNG, xử lý cho đến bước vận hành và bảo dưỡng", ông Borsos cho biết thêm.
 
Quang cảnh chương trình Quốc tế về năng lượng và khí hóa lỏng Hoa Kỳ - Việt Nam.
 
Chia sẻ dự án khí thiên nhiên hóa lỏng LNG công ty đang thử nghiệm tại Singapore, bà Sheila – Giám đốc điều hành Braemar cho biết, dự án nằm ở khu đất 40 hecta của một đảo công nghiệp ở Singapore. Dự án có cảng tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng LNG ở các tàu chở LNG, sau đó khí này được lưu trữ lại và được bơm vào hệ thống đường dẫn áp suất cao và được đưa đến người tiêu dùng cuối cùng. Giai đoạn 1 của dự án gồm một bể chứa LNG và hệ thống cảng với công suất ban đầu là 3,5 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn tiếp theo công ty có thêm một bể chứa với dung tích là 80.000 m3. Theo bà Sheila, việc thêm một hệ thống cảng thứ hai giúp tăng công suất lên 6 triệu tấn khí mỗi năm, đáp ứng yêu cầu cho những tàu chở khí có trọng tải nhỏ hơn khoảng 2.000; 2500 m3 khí và vận chuyển sang các nước khác. “Giai đoạn thứ 3 của dự án là giai đoạn mở rộng. Chúng tôi thêm bể chứa thứ 4 là bể chứa LNG lớn nhất trên thế giới với dung tích là 2 trăm 60 ngàn m3, tăng công suất của hệ thống chúng tôi lên 11 triệu tấn khí mỗi năm. Dự án này được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 3/2013, nhận tàu chở LNG đầu tiên ở vùng biển này”, bà Sheila thông tin. 
 
Cũng triển khai một dự án khí hóa lỏng ở Thái Lan, ông Justice – quản lý dự án Fluor đánh giá, cũng như Việt Nam, Thái Lan đang đối mặt với tình hình suy giảm nguồn cung khí và đang tìm nguồn khác để bổ trợ cho nguồn khí này. Do đó, cơ quan năng lượng của Thái Lan đã lên kế hoạch xây dựng một hệ thống nổi bể chứa và tái khí hóa có công suất 5 triệu tấn khí mỗi năm để cung cấp khí hiện nay cho những khách hàng hiện tại và tương lai đến thời điểm 2024. 
 
Đây là dự án nổi chứa và tái hóa khí (FSRU) cho nhà máy điện khí khu vực phía Nam và Bắc Băng Cốc, chủ đầu tư là cơ quan phát điện của Thái Lan, là cơ quan nhà nước có trách nhiệm lên những quy hoạch về phát triển điện, phát điện và truyền điện. Hiện nay, đơn vị này đang cung cấp một phần điện cho khu vực phía Nam của Việt Nam. Trong dự án này, Fluor tham gia vào công tác thiết kế kỹ thuật đầu cuối. Ông Justice: "Đây là hệ thống nổi chứa và tái hóa khí (FSRU) được xây mới hoàn toàn với công suất 210 ngàn m3 khí. Đối với phương án bến tàu, để neo đậu tàu như thế nào, ban đầu chúng tôi có 8 phương án, tuy nhiên chúng tôi lựa chọn phương án gồm có 2 bến tàu là bến tàu kép và hệ thống cảng chéo”.
Theo: VOH