Cận cảnh Manjung 4 - nhà máy điện than đầu tiên ứng dụng công nghệ siêu tới hạn tại Đông Nam Á
Vùng đất điện than
Nhà máy nhiệt điện than Manjung 4 nằm trong cụm nhà máy Manjung, bang Perak, cách thủ đô Kuala Lumpur 300km về phía Bắc, được đầu tư và vận hành bởi chi nhánh của Tenaga Nasional Berhard (TNB) - công ty điện lực duy nhất ở Malaysia và cũng là công ty điện lực niêm yết lớn nhất Đông Nam Á.
Trên con đường vào gần khu vực nhà máy, những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác hai bên vẫn đang trong nếp sinh hoạt bình thường; con người, vật nuôi, cây cối xung quanh không có vẻ gì là chịu sự ô nhiễm của các nhà máy đang vận hành gần đó. Được biết, chính những người dân sinh sống ở khu vực xung quanh đang đóng góp một phần không nhỏ vào lực lượng lao động của nhà máy.
Nền kinh tế Malaysia thu lợi nhuận chủ yếu từ việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và nông sản. Thứ mà Malaysia không có chính là than, nhưng than lại là nguồn nhiên liệu chủ yếu cho sản xuất điện nên họ luôn phải nhập khẩu loại “hàng hóa đặc biệt” này, đơn cử như 10.000 tấn than mà Manjung 4 tiêu thụ mỗi ngày đều được nhập khẩu từ Indonesia. Đây là một điểm khá thú vị bởi trên lý thuyết, Malaysia hoàn toàn có thể sản xuất điện từ trữ lượng dầu khí dồi dào mà thiên nhiên ban tặng; nhưng khi xét đến bài toán kinh tế, trong bối cảnh khi giá dầu tăng, việc phát triển điện than thay vì điện khí sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đặt trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia - đang tăng trưởng nhanh chóng và đòi hỏi nhu cầu lớn về điện năng - TNB luôn phải tìm kiếm và đầu tư vào những giải pháp công nghệ hiện đại cho các nhà máy. Là nhà máy nhiệt điện siêu tới hạn đầu tiên và lớn nhất ở Đông Nam Á, có thể nói, Manjung 4 là niềm tự hào của TNB.
Trăm nghe không bằng một thấy!
Từ tầng thượng của tòa nhà điều hành TNB Janamanjung, toàn cảnh khu nhà máy nhiệt điện Manjung hiện lên trước mắt thật rõ ràng. Cụm nhà máy Manjung 1 – 2 – 3 nằm cạnh nhau, cơ sở vật chất đã tương đối cũ kỹ sau 13 năm hoạt động, ba nhà máy này đạt tổng công suất 2.100 MW với 3 tổ máy, mỗi tổ có công suất 700 MW sử dụng công nghệ cận tới hạn (subcritical).
Manjung 4 nằm cách đó không xa. Vừa dừng chân ở lối vào nơi các thiết bị đang hoạt động, chúng tôi đã cảm nhận tiếng ồn ào của máy móc và hơi nóng tỏa ra hầm hập. Hai tuabin lớn cùng máy phát điện được đặt giữa hệ thống các ống dẫn phức tạp tỏa ra hơi nóng lên tới 600oC; thiết bị đồ sộ hoạt động cùng lúc tạo nên một nhịp độ sục sôi và âm thanh lớn tới mức hai người đứng gần nhau cũng khó có thể nói chuyện. Việc thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng nhà máy điện siêu tới hạn Manjung 4 được thực hiện bởi GE Steam Power thuộc Tập toàn GE (General Electric) - đơn vị hàng đầu thế giới về các công nghệ, giải pháp cho điện than.
Những thiết bị khổng lồ hoạt động ở nhiệt độ 600oC
Việc chọn GE làm tổng thầu EPC với công nghệ tuabin, lò hơi và máy phát siêu tới hạn đã giúp TNB đạt được những con số ấn tượng là mục tiêu của mọi nhà máy nhiệt điện than. Sau khi đi vào vận hành, Manjung 4 đạt hiệu suất lên tới 40%, vượt mức trung bình toàn cầu là 33%; nhà máy cũng đạt được tỷ lệ rất cao về tính sẵn sàng với 94,5% trong hai năm đầu vận hành; tỷ lệ mất điện cũng chỉ là 2,4% so với mức trung bình của thế giới là 4%.
Vào ban ngày, công suất nhà máy luôn được duy trì ở mức 1.000MW với hai tuabin hoạt động và một tuabin dự phòng. Vào thời gian thấp điểm buổi đêm, công suất vẫn được duy trì ở mức 850MW, cao hơn so với mức công suất cao nhất là 700MW của Manjung 1 – 2 – 3. Với tổng công suất cho 4 nhà máy là 3.100MW, Manjung đang cung cấp 20% điện năng cho toàn đất nước Malaysia.
Ông Datuk Shamsul - Tổng Giám đốc TNB Janamanjung Sdn Bhd - chia sẻ: “Thế giới nói chung và Malaysia nói riêng đang rất cần nguồn năng lượng hiệu quả và bền vững, đó là lý do thúc đẩy chúng tôi xây dựng nhà máy điện than siêu tới hạn đầu tiên ở Đông Nam Á. Mô hình này không chỉ giúp chúng tôi mang nguồn điện tới 2.000 hộ gia đình trên cả nước mà còn mở ra một thời kỳ mới về công nghệ hiệu quả cho điện than”.
Điện than “sạch” là có thật
Hiệu quả hơn đã thấy rõ, còn vấn đề nhức nhối với mọi nhà máy điện than là giải quyết ô nhiễm môi trường có triệt để ở Manjung 4?
Theo Tiến sĩ Sacha Parneix - Tổng giám đốc Thương mại, GE Steam Power - việc ứng dụng công nghệ siêu tới hạn trong sản xuất điện từ than đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. “40% điện năng của thế giới đang được sản xuất từ than, tuy con số này được dự báo giảm xuống trong thập kỉ tới, than vẫn là nguồn nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng, nhất là đối với những quốc gia như Malaysia. Việc ứng dụng công nghệ siêu tới hạn sẽ giúp sản xuất điện năng hiệu quả hơn, đồng thời giúp các quốc gia tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về môi trường” - Tiến sĩ Sacha Parneix khẳng định.
Không phải tự nhiên mà công nghệ siêu tới hạn được gọi là công nghệ sạch. Bằng chứng là hiệu suất nhà máy và lượng phát thải CO2 có liên hệ mật thiết với nhau; theo đó, với mỗi phần trăm hiệu suất được tăng lên với nhà máy, lượng khí CO2 thải ra môi trường sẽ giảm đi 2%. Ngoài ra, hệ thống quản lý chất lượng không khí (AQCS) cũng được cung cấp bởi GE, Manjung 4 đang đạt được tất cả các tiêu chuẩn về môi trường ban hành bởi các tổ chức uy tín nhất. Từ công nghệ khử lưu huỳnh khói thải (FGD) ướt, hệ thống túi lọc bụi (như thiết bị lọc bụi tĩnh điện và kiểu túi) hay hệ thống khử NOx trong khói thải (SCR), GE đang giúp nhà máy Manjung 4 giảm 4 – 5% lượng khí thải so với các nhà máy khác. Đây thực sự là một con số ấn tượng.
Môi trường xanh xung quanh nhà máy nhiệt điện than Manjung
Không chỉ có vậy, để bảo vệ môi trường cũng như tận dụng tối đa mọi nguồn tài nguyên, phần xỉ than sau khi đốt xong sẽ được TNB Janamanjung bán cho các công ty xi măng. Có thể thu thập hầu như toàn bộ lượng tro than sau khi đốt, đồng nghĩa với việc lượng tro than bay ra không khí là rất ít. Không chỉ vậy, để đảm bảo hệ sinh thái xung quanh vẫn an toàn, các kỹ sư cũng làm nhiệm vụ đo lường các chỉ số liên quan như mẫu nước mưa, độ pH của đất tại các địa điểm trong bán kính 5km đổ lại.
Khu vực cảng than Lekir Bulk (LBT) cách đó khoảng hơn 2km. Do cụm nhà máy Manjung được xây dựng lấn biển, than nhập khẩu từ Indonesia được đưa đến cảng một cách thuận lợi. Cảng LBT có thể tiếp nhận 3 tàu chở than cùng lúc, mỗi tàu trọng tải 30.000 tấn. Toàn bộ số than này được chuyển lên băng chuyền che kín để chờ sử dụng.
Tạm kết
17 giờ - tất cả những gì cảm nhận được chỉ là sóng biển và những hàng cây đang đung đưa đón gió. Không tiếng ồn, không khói bụi…
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công Thương về khả năng ứng dụng công nghệ siêu tới hạn cho nhà máy ở Việt Nam, ông Amir Mujezinovic - Trưởng bộ phận Sản phẩm Toàn cầu của GE Steam Power - cho biết, công nghệ này hoàn toàn phù hợp: “Mỗi nhà máy điện than thường hoạt động trong 30 – 40 năm; như vậy xét về tầm nhìn lâu dài, hiệu suất hoạt động sẽ là yếu tố quyết định nhà máy có hoạt động hiệu quả hay không. Tôi tin rằng những công nghệ vừa nâng cao hiệu suất của nhà máy điện than, vừa giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường sẽ rất thích hợp trong bối cảnh vẫn cần phát triển điện than trong những năm tới và GE luôn sẵn lòng đồng hành cùng Việt Nam”. |