Phát triển nhiệt điện than: Vấn đề là chọn công nghệ

Thứ năm, 9/8/2018 | 09:42 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, các nhà máy nhiệt điện than (NĐT) sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sử dụng công nghệ nào để nâng cao hiệu suất, đảm bảo môi trường.
 
Phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường
 
60% sản lượng điện quốc gia
 
Khẳng định NĐT đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PGS - TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam - nhận định, sau khi quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, khả năng nhu cầu điện năng sẽ được thay thế bằng NĐT, nghĩa là tới năm 2030, tỷ lệ NĐT về cơ học có thể tới 59 - 60%.
 
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh các nguồn thủy điện lớn đang dần cạn kiệt, chi phí cho hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống rất cần nguồn chạy nền để đáp ứng ổn định điện phụ tải. NĐT là việc bắt buộc tiếp tục phải làm ở Việt Nam, không có cách nào, lựa chọn nào khác.
 
Bên cạnh đó, theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ nay đến năm 2020 và năm 2025, xu hướng phát triển phụ tải ở phía Nam ở mức rất "nóng". Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc giai đoạn 2017 – 2020, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10 - 15% tổng nhu cầu (khoảng 2.000MW).
 
Tập trung các giải pháp công nghệ, môi trường
 
PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - phân tích, dư luận đang lo ngại về NĐT, nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, phát triển NĐT là bắt buộc. "Ở đây không phải điện than có làm hay không mà là công nghệ nào, cơ chế nào, lợi ích nào để đưa công nghệ vào ứng dụng? Làm được điều này, phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ hiện đại, ít phát thải" - ông Trần Đình Thiên nói.
 
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 21 nhà máy NĐT đang vận hành, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hàng năm hơn 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha. Trong khi đó, dự kiến tới năm 2020, có thêm 12 dự án NĐT đi vào hoạt động, tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm. Do đó, phát triển NĐT luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường, chủ yếu là xử lý khí thải, tro và xỉ của các nhà máy.
 
Nhiều chuyên gia năng lượng nhận định, ngày nay, công nghệ xử lý môi trường NĐT đã đạt đến trình độ rất cao. Trong tương lai, công nghệ xử lý môi trường của NĐT sẽ tốt hơn nhiều. Than được xử lý ngay từ khi mới nhập vào kho của nhà máy. Bụi than, lưu huỳnh… được xử lý trước khi lên băng chuyền vào lò đốt... Tuy nhiên, theo PGS -TS. Trương Duy Nghĩa, nếu chỉ số đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, việc xử lý chất thải độc hại tại các nhà máy NĐT sẽ không tác động đến môi trường. Theo đó, các nhà máy NĐT cần tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý, có như vậy tác hại môi trường mới được xử lý triệt để.
Theo: Báo Công Thương