Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi khẳng định: trong những năm qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VEA, trong các tổng sơ đồ phát triển của các ngành điện, than, dầu khí, đến nay vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Do vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, do hạn chế về nguồn năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc ngày càng tăng cao vào năng lượng nhập khẩu; đồng thời, giá năng lượng là một trong những thách thức lớn, chưa thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng Việt Nam ngày càng lớn; các yêu cầu về đáp ứng điều kiện môi trường ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn... gây nhiều áp lức đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng.
Xu hướng phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng (GDP tăng bình quân từ 6,8 - 7,0%/năm). Do đó, nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân ngày càng tăng cao. Theo quy luật phát triển, năng lượng phải đi trước một bước. “Do vậy, ngành năng lượng phải đáp ứng được các mục tiêu chiến lược đề ra tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, không những đảm bảo năng lượng bền vững mà còn có năng lượng dự phòng” - Chủ tịch VEA nhấn mạnh.
Mục đích của Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam” là đưa ra những mục tiêu chiến lược; tầm nhìn chiến lược; các giải pháp chiến lược để đảm bảo tới những năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 chúng ta đảm bảo an ninh năng lượng bền vững. Đồng thời giải quyết vấn đề môi trường ngày các tốt hơn...
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN.
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Để đáp ứng nhu cầu điện cho các năm tới, qui mô công suất hệ thống điện Việt Nam theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến năm 2020 là 60.000MW, năm 2025 là 96.500MW và đến năm 2030 là 129.500MW.
Như vậy, tổng công suất nguồn điện cần hoàn thành đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 6.000-7.000MW/năm.
Tuy nhiên, thực tế công tác đầu tư xây dựng các dự án điện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), thậm chí một số dự án chậm tiến độ trên 5 năm.
“Vì vậy, việc đảm bảo cung ứng điện đang đặt EVN trước nhiều khó khăn, thách thức” - Ông Nguyễn Tài Anh khẳng định.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, các rủi ro mà EVN đã, đang và sẽ gặp phải như: Các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh); nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay; việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro và một số khó khăn, thách thức trong vận hành hệ thống điện khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao...
Mục tiêu phát triển bền vững ngành than, với sản lượng đạt khoảng 42 - 55 triệu tấn than thương phẩm vào giai đoạn đến 2035, trong đó TKV và Tổng công ty Đông Bắc vẫn giữ vai trò chủ đạo sản xuất trên 95% sản lượng than toàn quốc… “Cơ hội phát triển có, nhưng thách thức phát triển gặp phải không nhỏ” - Ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc công ty CP tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp - Vinacomin (đại diện TKV) nhận định.
Cụ thể, nhu cầu than trong nước tăng cao, Việt Nam có nguồn than nhưng cung không đáp ứng cầu, dự báo phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn, trong đó cho điện khoảng 88 triệu tấn vào năm 2035; giá than sẽ vận hành theo cơ chế thị trường theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí, có lãi ở mức hợp lý và tham chiếu với CIF nhập khẩu.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là công nghệ khai thác và chế biến ở mức hạn chế, điều kiện hạ tầng, hệ thống vận chuyển, đường xá, cầu cống, bến cảng và kho bãi phục vụ cho sản xuất kinh doanh than nhất là than nhập khẩu còn thiếu. Yêu cầu vốn đầu tư lớn cho thăm dò, khai thác, sàng tuyển chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, thiếu vốn để đầu tư phát triển mỏ theo Quy hoạch, thiếu công nghệ và kỹ thuật quản lý hiện đại, kể cả khai thác và chế biến. Thiếu vốn đầu tư khai thác than ở nước ngoài để có nguồn than nhập khẩu ổn định, đầu tư cơ sở hạ tầng và logistics cho nhập khẩu than. Sử dụng nhiều lao động nhất là trong các khâu phục vụ phụ trợ, năng suất lao động thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển xây dựng các mỏ than.
Ngoài ra, điều kiện địa chất mỏ phức tạp, biến động lớn, nhiều phay phá, yêu cầu bảo vệ môi trường chặt chẽ, khai thác xuống sâu, gia tăng chi phí và rủi ro trong đầu tư khai thác than nhất là góp vốn, đầu tư khai thác than ở nước ngoài…
Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn.
Khẳng định những đóng góp của PVN trong thời gian qua, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết: Trong những năm trước 2015, ngoài các thành công quan trọng đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hàng năm, PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu Ngân sách Nhà nước, 10-12% GDP cả nước; đặc biệt, PVN đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, đó là: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Các cụm dự án/dự án này đang hoạt động hiệu quả không những về mặt kinh tế mà có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, PVN đã gặp phải những khó khăn chưa từng thấy, do: Giá dầu thế giới giảm mạnh và kéo dài tiêu cực đã khiến cho cả ngành dầu khí thế giới lao đao, trong đó có Việt Nam; Nhiều dự án thăm dò, khai thác phải dừng, giãn tiến độ khiến cả lĩnh vực dịch vụ cũng ảnh hưởng nặng nề; Cạnh tranh giữa các Tập đoàn/Công ty khai thác dầu khí, vận chuyển và dịch vụ... trên thế giới ngày một khốc liệt và các nước tăng cường bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước; một số vụ việc tiêu cực ở Tập đoàn và các đơn vị thành viên khiến nhiều cán bộ bị xử lý bằng pháp luật đã ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, uy tín của PVN, tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của người lao động.
Bên cạnh đó, rất nhiều khó khăn do những cơ chế, chính sách, luật pháp chưa phù hợp, hoặc đã lạc hậu với sự phát triển của PVN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…
“Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như vậy, nhưng PVN vẫn trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả khích lệ và quan trọng, nhất là đã nộp ngân sách hàng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%” - Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định.
Tiếp đó, tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe phần trình bày tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học về: “Phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia”; “Tầm nhìn mới về phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2050, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”...; đặc biệt là các tham luận của các doanh nghiệp như: “Liên doanh Dầu khí Việt - Nga với phát triển nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường”; “Quản lý tốt và tối ưu hóa năng lượng tại Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn”.
Liên doanh Dầu khí Việt - Nga trình bày tham luận.
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn trình bày tham luận.
Từ kết quả của hội thảo, VEA sẽ có văn bản báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để xem xét giúp đỡ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; đặc biệt về cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho ngành năng lượng phát triển đạt được những mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 một cách bền vững.