Tại tọa đàm, ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh đã bám sát các nghị quyết của Đảng và Chính phủ để triển khai chủ trương “Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”. Kết quả, tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió, trong đó, 6 dự án đã khởi công và 3 đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 117 MW. Về điện mặt trời có 31 dự án và đến nay đã có 15 dự án vận hành thương mại với tổng công suất 1.063 MW.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các sở, ngành, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, các chuyên gia về lĩnh vực tăng trưởng xanh đã thảo luận, phân tích về tiềm năng, cơ hội phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai, phân tích những thách thức, rào cản, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận và các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió đã đi vào vận hành thương mại nhưng bị giảm phát từ 30% - 60%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp và gây lãng phí công suất điện. Vì vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất Chính phủ cần gỡ nút thắt về cơ chế và giao cho tư nhân đầu hệ thống truyền tải điện đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân để giải tỏa công suất đối với các dự án năng lượng tại Ninh Thuận. Bên cạnh đó, các chuyên gia về tăng trưởng xanh cũng khẳng định về nguyên lý khoa học không có việc tác động của bức xạ điện mặt trời khiến nhiệt độ tại Ninh Thuận nóng lên. Đồng thời, cũng như không có việc tiếng ồn của các tua - bin gió rung động gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống gần dự án như dư luận đồn thổi.
Ông Nguyễn Minh Trứ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Trong quá trình thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, tỉnh Ninh Thuận tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, vì hầu hết các vùng đất giao cho nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo chủ yếu là đất hoang hóa, bạc màu, sỏi đá và là vùng chăn thả gia súc tự do. Trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư đã giải quyết thỏa đáng công tác đền bù và tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Nhà đầu tư cũng tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội như: xây trường học tại những vùng khó khăn, hỗ trợ người nghèo về vốn để có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Mục tiêu của buổi tọa đàm sẽ góp phần kiến nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị kịp thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng việc khơi thông những cơ chế, chính sách và giải tỏa những điểm nghẽn, nút thắt, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực sự có điểm tựa vững bền, an tâm gắn bó lâu dài, cùng lớn mạnh với Ninh Thuận trên con đường phát triển.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao vai trò của công tác truyền thông trong thời gian qua đã tạo sự đồng thuận cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận. Qua buổi tọa đàm, đoàn công tác ghi nhận tất cả kiến nghị của tỉnh, nhà đầu tư, các chuyên gia về cơ chế chính sách phát triển năng lượng và sẽ báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả buổi tọa đàm để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét, sớm có hướng tháo gỡ vướng mắc để Ninh Thuận thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về “Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.