Sau hơn 5 năm hoạt động theo mô hình tổ chức mới, EVN đã đạt được nhiều thành tựu, cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Trong những thành tựu đó, có sự đóng góp sức mạnh của đội ngũ CBCNV- chìa khóa quyết định thành công của EVN.
Hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao
Tính đến cuối năm 2011, tổng số CBCNV của EVN là 99.967 người: lực lượng lao động qua đào tạo chiếm 94%, trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 31,13%, điều đó cho thấy nguồn nhân lực của EVN có hàm lượng chất xám tương đối cao so với các tập đoàn năng lượng trong nước (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 45,47%; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là 20,1%).
Xét về độ tuổi, lực lượng lao động EVN còn trẻ (dưới 30 tuổi chiếm 31,8%; từ 30-39 tuổi chiếm 35,5%; từ 40-49 tuổi chiếm 21,5% và trên 50 tuổi chiếm 11,2%), như vậy cho thấy sự phân bố độ tuổi vừa đảm bảo sự tích lũy kinh nghiệm của lao động, vừa có khả năng tiếp nhận các công nghệ mới, sẵn sàng cống hiến trong những giai đoạn tình hình sản xuất-kinh doanh của EVN.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của EVN đã được quan tâm đầu tư, có sự phối hợp thực hiện đồng bộ từ cơ quan EVN đến các đơn vị thành viên. Các cơ chế, chính sách về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được xây dựng và từng bước hoàn thiện, tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất trong các hoạt động của EVN và các đơn vị thành viên, như: xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm, định mức kinh phí đào tạo hàng năm, quy định về hồ sơ cam kết của các cán bộ được cử đi học tập dài hạn, cách tính chi phí bồi hoàn, tiêu chuẩn được xét đào tạo chuyển tiếp lên bậc…Kế hoạch đào tạo được xây dựng khoa học, gắn kết với thực tiễn đồng thời thiết lập tầm nhìn dài hạn về đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm từng bước xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao, chuyên gia giỏi để thực hiện những mục tiêu trong chiến lược và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của ngành.
Hàng năm, trung bình EVN có gần 70.000 lượt người được cử đi đào tạo trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức: tự đào tạo trong nội bộ, đào tạo dài hạn nâng cao trình độ, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo chuẩn bị sản xuất, đào tạo nâng bậc…các chương trình đào tạo được thiết kế và triển khai để phục vụ trực tiếp các mục tiêu lớn trong năm, như: đào tạo chuẩn bị sản xuất để có lực lượng cán bộ vận hành và sửa chữa sẵn sàng tiếp quản các công trình trọng điểm quốc gia (thủy điện Sơn La, nhiệt điện Hải Phòng, Nghi Sơn…); đào tạo quản trị kinh doanh cho 1346 lượt cán bộ quản lý trong năm 2010 và 2011; đào tạo chuẩn bị nhân sự tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh; đào tạo hướng dẫn viên quản lý năng lượng và tuyên truyền tiết kiệm điện…
Tính đến nay, EVN có hơn 9.000 nhà quản lý các cấp; gần 5.000 kỹ sư có kinh nghiệm làm việc từ 15 năm trở lên và hơn 20.000 công nhân kỹ thuật bậc 5 trở lên. Với lực lượng nhân lực này, EVN đã tự chủ xây dựng, sửa chữa bảo dưỡng các công trình thủy điện lớn, sản xuất máy biến áp đến 500kV…vì vậy, đã đáp ứng cơ bản điện cho nền kinh tế quốc dân với mức tăng trưởng điện thương phẩm hàng năm luôn ở mức cao (từ 13%/năm trở lên trong 5 năm gần đây).
Khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân
Sau khi được nâng cấp lên cao đẳng và đại học, quy mô đào tạo của các trường trực thuộc EVN đã tăng đáng kể, ngành nghề được mở rộng. Tính đến nay, tổng số học sinh, sinh viên đang học tại các trường của EVN tăng gấp 4,39 lần so với năm 2000; ngành nghề đào tạo tăng từ 5 chuyên ngành hệ trung cấp chuyên nghiệp, 6 chuyên ngành đào tạo công nhân kỹ thuật lên 21 chuyên ngành hệ đại học, 17 chuyên ngành hệ cao đẳng/cao đẳng nghề và 10 chuyên ngành hệ trung cấp/trung cấp nghề. Nếu năm 2000, các trường thuộc EVN chỉ có 2 tiến sĩ, 9 thạc sĩ, 133 kỹ sư/cử nhân thì đến nay đã có 38 phó giáo sư/tiến sĩ, 289 thạc sĩ, 346 kỹ sư/cử nhân. Đặc biệt, Trường Đại học Điện lực có 2 sản phẩm nghiên cứu đạt giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia Vifotech.
Từ nay đến năm 2015, EVN thực hiện thống nhất tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, chương trình đào tạo nâng bậc của các chức danh chính trong dây chuyền sản xuất, theo đó, thí điểm trong các lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, quản lý vận hành đường dây truyền tải/phân phối, quản lý vận hành trạm biến áp…; tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao thông qua kế hoạch đào tạo nước ngoài để giảm dần số lượng đào tạo thuê ngoài, tạo nền tảng phục vụ sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của EVN.