Các nhà nghiên cứu Đại học British Columbia, Canada tìm ra một cách hiệu quả và ít tốn kém để pin mặt trời có thể dùng tốt ở cả những nơi thời tiết âm u.
Ảnh minh họa.
Theo Science Daily, các nhà nghiên cứu ở Đại học British Columbia tạo ra được một loại pin mặt trời sử dụng vi khuẩn để chuyển hóa ánh sáng thành năng lượng. Loại pin này không chỉ tích được dòng điện mạnh hơn các thiết bị trước đó mà còn hoạt động hiệu quả cả trong ánh sáng mạnh và ánh sáng yếu.
Đây được xem như một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ pin mặt trời ở những nơi như British Columbia và một số khu vực Bắc Âu, những nơi bầu trời thường âm u. Khi phát triển hơn, những pin mặt trời này, gọi là pin sinh học vì làm từ những sinh vật sống, có hiệu quả ngang bằng pin mặt trời tổng hợp vẫn thường được sử dụng.
“Giải pháp của chúng tôi với vấn đề của British Columbia là một bước tiến đáng kể trong việc khiến năng lượng mặt trời trở nên kinh tế hơn” – một nhà nghiên cứu cho biết.
Pin năng lượng mặt trời làm nhiệm vụ chuyển ánh sáng thành dòng điện. Các nỗ lực trước đây nhằm xây dựng pin mặt trời sinh học tập trung vào chiết xuất chất phẩm tự nhiên mà vi khuẩn dùng để quang hợp. Đó là một quá trình đắt đỏ và phức tạp bao gồm nhiều yếu tố độc hại có thể khiến chất phẩm này giảm chất lượng.
Giải pháp của các nhà nghiên cứu Đại học British Columbia là để nguyên phẩm này trong vi khuẩn. Họ cấu trúc gen của khuẩn E. coli để tạo ra một lượng lớn lycopene – loại phẩm cho cà chua màu đỏ cam và tỏ ra hiệu quả trong việc thu ánh sáng để chuyển thành năng lượng.
Theo: VTC