Ông Phạm Ngọc Hiển- Phó Giám đốc EVNICT. Ảnh: VH
Theo Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) đến năm 2022, tính đến năm 2025, EVN xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT).
Với vai trò, nhiệm vụ là Nghiên cứu, xây dựng, triển khai, bảo trì - bảo dưỡng, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa, bản thân EVNICT là đơn vị thực thi rất nhiều các công việc trong Đề án này.
Do đó các nhiệm vụ trọng tâm được EVNICT thực hiện để đảm bảo đúng yêu cầu của các mục tiêu Chuyển đổi số đã đặt ra bao gồm: Thay đổi quy trình sản xuất, triển khai, quản trị, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng (VTDR) để tối ưu hóa hiệu suất, năng lực hệ thống, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hiển - Phó Giám đốc EVNICT.
PV: Xin ông cho biết vai trò của EVNICT trong việc theo dõi, giám sát thiết bị viễn thông của hệ thống mạng viễn thông dùng riêng có tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN như thế nào?
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: EVNICT là đơn vị chuyên trách trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa của EVN. EVNICT đại diện EVN tổ chức hệ thống giám sát thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu hệ thống cáp quang của các đơn vị thành viên trong EVN; thực hiện quyền điều khiển đối với các thiết bị viễn thông của các Tổng công ty trong Tập đoàn phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm mục đích thu thập, đánh giá và sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và công nghệ thông tin trong EVN phục vụ việc thiết lập kênh, tối ưu hóa, xử lý sự cố hệ thống.
EVNICT có trách nhiệm đề xuất EVN để xây dựng và ban hành các quy định/quy trình quản lý hệ thống thông tin để áp dụng trong Tập đoàn; chuyên trách về an toàn thông tin của EVN tại Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, EVNICT cập nhật, nghiên cứu, đề xuất với EVN về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiến trúc hệ thống, cấu trúc cơ sở dữ liệu, thử nghiệm và triển khai trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa để ứng dụng trong EVN phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đặc thù của EVN như: Big Data; Blockchain; trục tích hợp dịch vụ theo chiều dọc, chiều ngang; trục liên thông; chuẩn CIM (Common Information Model) cho ngành Điện; công nghệ ảo hóa, Cloud-Computing; AI; BI và các tiêu chuẩn quốc tế để liên kết, tích hợp các hệ thống phần mềm dùng chung của EVN.
Ngoài nhiệm vụ chủ trì việc kết nối, tích hợp hệ thống phục vụ điều hành hệ thống điện, sản xuất - kinh doanh điện năng giữa hệ thống viễn thông của các đơn vị với hệ thống viễn thông sử dụng chung trong EVN; Hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị với hệ thống công nghệ thông tin sử dụng chung trong EVN, EVNICT còn nghiên cứu, đề xuất EVN các giải pháp tối ưu hóa các hệ thống thông tin sử dụng chung trong Tập đoàn; Xây dựng cập nhật dữ liệu hệ thống như: lập và cập nhật sơ đồ kiến trúc tổng thể các hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin của EVN, dữ liệu vận hành và quản lý kỹ thuật hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin dùng chung của EVN.
Việc xây dựng, vận hành phần mềm quản lý kỹ thuật, quản lý sự cố viễn thông và công nghệ thông tin của EVN được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử
https://portal.evn.com.vn phục vụ công tác giám sát xử lý sự cố, báo cáo tình trạng vận hành hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin trong EVN.
Về khai thác hệ thống, EVNICT được EVN giao quản lý vận hành hệ thống truyền dẫn đường trục Backbone và các vòng Ring liên tỉnh để cung cấp các kênh truyền phục vụ điều hành sản xuất và kinh doanh điện năng của EVN. Hệ thống này được kết nối liên mạng với các Tổng Công ty để trao đổi lưu lượng sử dụng giữa các hệ thống và tăng cường khả năng dự phòng.
Ngoài ra, EVNICT còn được EVN giao quản lý hệ thống tổng đài nội bộ PABX lõi ngành điện, kết nối toàn bộ tổng đài PABX trong ngành với quy hoạch đầu số, cấu hình hòa mạng quay số đồng nhất cho các đơn vị trực thuộc EVN. Bên cạnh đó, EVNICT sử dụng các dịch vụ, tài nguyên và ứng dụng nghiệp vụ do hệ thống công nghệ thông tin cung cấp phục vụ các hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp của các đơn vị đi kèm với các giải pháp hỗ trợ an toàn thông tin như: hoạt động quản lý, nghiệp vụ (xây dựng các quy trình, quy định về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu...) và giải pháp kỹ thuật (thiết lập hệ thống Firewall/IDPS, hệ thống lưu trữ dữ liệu SAN, chứng thực điện tử...).
Mặt khác, phân bổ tài nguyên trên nền tảng điện toán đám mây của EVN (EVN Cloud) cho các đơn vị theo quy định của EVN; Cung cấp cổng kết nối đồng bộ cho các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin của các đơn vị từ hệ thống đồng hồ chủ Cesium của EVN; Triển khai nâng cấp phần cứng các thiết bị thuộc hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin dùng chung; cập nhật phiên bản mới và vá lỗi đối với phần mềm dùng chung; phối hợp với nhà sản xuất thực hiện nâng cấp đối với các phần mềm mua sắm; Xây dựng, trình EVN giải pháp nâng cao độ an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin dùng chung dựa trên hạ tầng kỹ thuật của hệ thống.
Ý nghĩa của việc giám sát hệ thống chính là nhằm điều hành, vận hành hệ thống phục vụ đảm bảo hoạt động sản xuất của EVN và các đơn vị: WAN EVN, WAN SCADA, WAN thị trường điện, kênh bảo vệ đường dây… Việc giám sát được đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, độ khả dụng hệ thống đạt 99,99%, các sự cố phát sinh đều được xử lý nhanh theo thời gian quy định của EVN.
Ca trực của kỹ sư điều hành toàn quốc tại phòng NOC 11 Cửa Bắc, Hà Nội. Ảnh: VH
PV: Trong công tác theo dõi, giám sát thiết bị viễn thông của hệ thống mạng viễn thông dùng riêng, EVNICT đã và đang tiến hành chuyển đổi số như thế nào? Việc chuyển đổi số này đem lại hiệu quả như thế nào đối với EVN nói chung và các Tổng công ty/Công ty điện lực, hay các đơn vị trong ngành sử dụng, thưa ông?
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: Trên thực tế, EVNICT đã thực hiện chuyển đổi số đối với công tác điều hành và vận hành gồm: Điều hành hệ thống xử lý sự cố EVN như hệ thống nhắn tin cảnh báo tự động SMS, chương trình quản lý sự cố EVN (liên kết tự động giữa các điều độ miền, EVNICT và các Tổng công ty); Chương trình giao ca điện tử; Chương trình quản lý kỹ thuật, quản lý tác động hệ thống; Kết nối giám sát hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin từ các Tổng công ty về 11 Cửa Bắc, trụ sở Tập đoàn.
Việc chuyển đổi số thể hiện các quy trình/quy định của EVN trong công tác giám sát, quản lý hệ thống, xử lý sự cố một cách trực quan với sự tham gia của các đơn vị trong và ngoài ngành (Điều độ miền, 9 Tổng công ty, các nhà máy điện trong và ngoài ngành).
Từ đó, việc xác định sự cố và khắc phục sự cố được nhanh hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn đối với các đơn vị tham gia vào luồng điều hành, vận hành. Bên cạnh đó, giảm bớt các thủ tục giấy tờ đối với công tác giao ca, đăng ký và quản lý tác động trên hệ thống; Phân cấp tác động trực tiếp đến các đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm xử lý. Đặc biệt quản lý hệ thống tốt hơn, nắm bắt và phân bổ/tối ưu tài nguyên hệ thống, đưa ra các cảnh báo sớm nhằm chủ động xử lý.
PV: Theo ông, việc trực ca vận hành có vai trò ra sao trong hoạt động chuyển đổi số của EVN, các đơn vị trong Tập đoàn nói chung và EVNICT nói riêng?
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: Trước hết tôi phải khẳng định rằng việc chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống đảm bảo cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của EVN. Trong đó, Trực ca Điều hành, vận hành là đầu mối tương tác nhằm giám sát hệ thống, xử lý sự cố phát sinh 24/7.
Việc phân cấp điều hành trong công tác quản lý điều hành hệ thống viễn thông như sau: Cấp điều hành toàn quốc là cấp Điều hành cao nhất đối với hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin của EVN, do EVNICT thay mặt Tập đoàn đảm nhiệm. Phạm vi điều hành của điều hành toàn quốc được quy định như: Điều hành hoạt động vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp, xử lý sự cố hệ thống viễn thông sử dụng chung trong EVN bao gồm: Cáp quang kết cuối đường trục, truyền dẫn; đồng bộ; PCM, PABX lõi, nguồn 48VDC; Điều hành hoạt động vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp, xử lý sự cố hệ thống công nghệ thông tin sử dụng chung trong EVN bao gồm: Hệ thống phần mềm (hệ điều hành, phần mềm ứng dụng), cơ sở dữ liệu, Data Center, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống an toàn thông tin; Điều hành hoạt động xử lý sự cố hệ thống tự động hóa tại các đơn vị trực thuộc EVN; Điều hành thiết lập/xử lý sự cố kênh truyền viễn thông.
Việc điều hành khôi phục dịch vụ bao gồm: Dịch vụ khai thác trên các kênh truyền; Dịch vụ công nghệ thông tin thuộc hệ thống công nghệ thông tin sử dụng chung trong EVN.
Cấp điều hành cơ sở là cấp Điều hành hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin được tổ chức tại các Tổng công ty thuộc Tập đoàn. Phạm vi điều hành của cấp này là điều hành hoạt động vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp, xử lý sự cố thiết bị, vật tư viễn thông thuộc phạm vi quản lý như: Cáp quang, cáp đồng; truyền dẫn, PCM, PABX, thiết bị đầu cuối, nguồn 48VDC; Điều hành hoạt động vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp, xử lý sự cố hệ thống công nghệ thông tin thuộc phạm vi quản lý như: Hệ thống phần mềm (hệ điều hành, phần mềm ứng dụng), cơ sở dữ liệu, Data Center, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống an toàn thông tin; Điều hành hoạt động xử lý sự cố hệ thống tự động hóa tại Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Tổng công ty.
PV: Trong quá trình chuyển đổi số, việc tăng cường giám sát các thiết bị viễn thông đã có tác dụng ngăn ngừa và phát hiện sự cố như thế nào, thưa ông?
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển: Với mục tiêu định hướng dài hạn trong 5 năm tới, để nâng cao năng lực điều hành xử lý sự cố hệ thống viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin, EVN sẽ xây dựng 1 hệ thống giám sát điều hành tập trung toàn bộ hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của các đơn vị trong EVN.
Hệ thống giám sát này sẽ có khả năng giám sát độc lập, liên thông tới toàn bộ hạ tầng mạng viễn thông và công nghệ thông tin của 9 Tổng công ty, hỗ trợ cho kỹ sư điều hành toàn quốc theo dõi tới từng phần tử thiết bị mạng tại đầu cuối trạm biến áp/nhà máy điện cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực phân tích, điều tra nguyên nhân sự cố
Từ hệ thống giám sát tập trung này, EVNICT có thể phát triển ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất như: Xây dựng Hệ thống nhắn tin/email tự động cảnh báo sự cố giúp việc xử lý, sửa chữa sự cố được nhanh chóng, chính xác, giúp tăng cường độ an toàn cũng như năng suất toàn hệ thống. Bên cạnh đó, ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật và để xây dựng cơ sở dữ liệu chung quản lý hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin toàn Tập đoàn; phát triển thuật toán để đưa ra các cảnh báo sớm dự đoán điểm yếu/điểm sự cố của hệ thống; đánh giá, đưa ra đề xuất vật tư dự phòng; dự báo điểm nghẽn cần nâng cấp hệ thống; quy hoạch tối ưu cho toàn hệ thống.
Mặt khác, xây dựng, ứng dụng phần mềm báo cáo vận hành, nhật ký vận hành điện tử, giao ca điện tử, ứng dụng hiện trường như thông tin sự cố và nhật ký xử lý sự cố trên nền web và mobile để áp dụng cho toàn bộ các đơn vị.
Tôi cho rằng hệ thống giám sát tập trung cho toàn EVN sẽ đem lại hiệu quả trong công tác điều hành, vận hành hệ thống cho toàn EVN như nâng cao năng lực quản lý theo dõi, giám sát thiết bị viễn thông trong hệ thống mạng viễn thông nội ngành, trực ca vận hành và phát hiện sự cố. Cụ thể như: Xây dựng công cụ, phương tiện tác nghiệp dành cho các ban EVN, cán bộ điều hành toàn quốc và điều hành cơ sở tại EVN, EVNICT cũng như các đơn vị quản lý, theo dõi, giám sát các thiết bị viễn thông trong hệ thống mạng viễn thông nội ngành, trực ca vận hành, phát hiện và xử lý sự cố. Đồng thời tăng cường năng lực phân tích, tổng hợp thống kê báo cáo ngày, tuần, tháng, quý, năm về chất lượng toàn bộ các hệ thống.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tập trung còn giải quyết tích hợp cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dựa trên 1 hệ thống giám sát tập trung. Đây là cơ sở quan trọng để ứng dụng xây dựng hệ thống nhắn tin/email tự động cảnh báo sự cố giúp việc xử lý, sửa chữa sự cố được nhanh chóng, chính xác, giúp tăng cường độ an toàn cũng như năng suất toàn hệ thống.
PV: Xin cảm ơn ông !