Một dự án năng lượng mặt trời được triển khai trên địa bàn huyện Phú Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN
Điểm sáng từ doanh nghiệp FDI
Những năm gần đây, Phú Yên trở thành tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng. Từ cuối năm 2023 đến nay, tỉnh liên tiếp tổ chức đoàn công tác đến các nước trên thế giới để tìm hiểu, gặp gỡ và giới thiệu về tiềm năng phát triển tỉnh, trong đó có lĩnh vực công nghiệp năng lượng. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư đến từ Ý, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc… đã đặt vấn đề hợp tác, đầu tư tại tỉnh.
Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã trao bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển các giải pháp năng lượng.
Đây là cơ sở để hai bên thiết lập mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Phú Yên với việc phát triển các giải pháp năng lượng ngắn hạn và trung hạn, như năng lượng sạch từ khí thiên nhiên hóa lỏng LNG; công nghệ thu giữ, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng CO2, năng lượng tái tạo; pin nhiên liệu, năng lượng sạch dựa trên hydro; sản xuất, vận chuyển và cung cấp hydro.
Không chỉ Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư Ấn Độ cũng đặt vấn đề hợp tác với tỉnh trong phát triển các dự án về năng lượng. Điển hình như Tập đoàn Bharat Petroleum Corp Limited (BPCL), Tập đoàn Kanoria, Tập đoàn Gail… đã có những buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để trao đổi hợp tác về dầu khí, khí đốt, khí hóa lỏng, xây dựng trung tâm năng lượng.
Ông Dhruv Bhalla, đại diện Tập đoàn Kanoria cho biết: Chúng tôi rất ấn tượng với tiềm năng phát triển của Phú Yên và mong muốn được tìm hiểu để đầu tư vào một số lĩnh vực tỉnh kêu gọi. Trong đó, Tập đoàn Kanoria quan tâm đến dự án cảng nước sâu Bãi Gốc tại Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên.
Cùng với lĩnh vực cảng biển, chúng tôi còn tìm hiểu về các dự án nhà máy lọc dầu. Đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế, tham gia vào những lĩnh vực phát triển kinh tế và cộng đồng tại địa phương.
Trong khi đó, theo ông Nagato Taiyo, Trưởng đại diện Tập đoàn Obayashi (Nhật Bản), tập đoàn này đang thực hiện một dự án đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng về năng lượng xanh Hydrogen cả trong nước và quốc tế. Việt Nam là nơi mà tập đoàn muốn đẩy mạnh mảng năng lượng Hydrogen này và Phú Yên có trong danh sách đầu tư chiến lược của tập đoàn.
Tạo môi trường thông thoáng
Trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên tập trung thu hút, triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tỉnh khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp lọc - hóa dầu, cảng biển, công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ sinh học; chú trọng công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Trên cơ sở những chỉ đạo, chính sách và định hướng lớn của trung ương, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, nhằm phát triển theo định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phú Yên tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án thân thiện với môi trường. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ hiện đại.
Khẳng định về những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tại tỉnh với nhà đầu tư, đồng chí Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh đến lợi thế của KKT Nam Phú Yên với định hướng thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng. Phú Yên đang mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Link gốc