Tin thế giới

Triển vọng hợp tác Việt Nam-Pháp trong sản xuất hydrogen "xanh"

Thứ hai, 15/7/2024 | 10:38 GMT+7
Việc giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính, chuyển đổi năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo, sản xuất, sử dụng hydrogen "xanh" là một trong những lĩnh vực hứa hẹn triển vọng hợp tác lớn Việt - Pháp.

Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp do Đại sứ Đinh Toàn Thắng dẫn đầu làm việc với Lãnh đạo vùng Nouvelle Aquitaine và Công ty HDF Energy về triển vọng hợp tác Việt Nam - Pháp trong lĩnh vực năng lượng mới. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Trong bối cảnh thế giới đang tìm mọi cách để giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính, chuyển đổi năng lượng và tăng cường năng lượng tái tạo, sản xuất và sử dụng hydrogen "xanh" là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Đây cũng là một trong những lĩnh vực hứa hẹn triển vọng hợp tác lớn giữa Pháp và Việt Nam, với một bên có thế mạnh và một bên có nhu cầu cao.

Mới đây ở ngoại ô thành phố Bordeaux, một nhà máy sản xuất pin nhiên liệu (fuel cell) mới của Công ty Hydrogen de France (HDF Energy) đã được đưa vào sử dụng. Đây là nhà máy có quy mô công suất lớn nhất thế giới hiện nay với 1.5 MW/đơn nguyên.

Trao đổi với phóng TTXVN tại Pháp, trong lần đến tham quan Nhà máy HDF Energy tại Bordeaux cùng đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, ông Trần Khánh Việt Dũng, Giám đốc HDF Việt Nam, cho biết có mặt tại Việt Nam từ năm 2022, HDF Energy đã triển khai nhiều dự án hợp tác với các Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn đường sắt và Tập đoàn điện lực Quốc gia.

Công ty cũng có ký kết, làm việc, hoặc trao đổi phát triển các dự án ở nhiều tỉnh thành như Kiên Giang, Bình Thuận và Ninh Thuận, là những địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện gió trên đất liền, hay điện mặt trời. Đây cũng chính là những nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen "xanh" phục vụ ngành Giao thông Vận tải.

Đặc biệt, HDF Energy đã làm việc với Công ty Đường sắt Việt Nam để nghiên cứu cơ hội chuyển đổi gần 200 đầu máy diezen cũ đã vận hành từ cách đây hàng chục năm, chuyển sang sử dụng hydrogen, loại năng lượng xanh, sạch để góp phần thực hiện chiến lược phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) của Việt Nam vào năm 2050 và chiến lược phát triển năng lượng hydrogen "xanh" đã được chính phủ phê duyệt từ đầu năm nay.

Cũng theo ông Trần Khánh Việt Dũng, hiện hydrogen đang được sử dụng ở Việt Nam chủ yếu trong các nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa chất phân bón, nhưng đó chưa phải là hydrogen "xanh," vốn được coi là một loại năng lượng mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Ông Dũng hy vọng HDF Energy sẽ có thể xây dựng những nhà máy hydrogen "xanh" đầu tiên ở Việt Nam và việc khánh thành nhà máy pin nhiên liệu đầu tiên của công ty này ở ngoại ô thành phố Bordeaux sẽ tạo ra một động lực lớn, làm tiền đề cho sự ra đời các nhà máy hydrogen "xanh" không chỉ ở Việt Nam mà cả các nhà máy khác của HDF trên thế giới.

HDF Energy đã ký Thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) hướng đến phát triển các dự án phát điện tận dụng nguồn năng lượng tái tạo theo công nghệ Renewstable® và nguồn khí hydrogen theo công nghệ Hypower® tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là cơ sở để hai bên nghiên cứu triển khai các dự án điện bằng năng lượng tái tạo và khí hydrogen, đồng thời phát triển mô hình hợp tác này cho các dự án tương tự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng đang triển khai chương trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydrogen tại Việt Nam. HDF Energy cũng đang nghiên cứu triển khai các dự án khác với Việt Nam trong lĩnh vực điện lực, cũng như giao thông vận tải... với sự hỗ trợ của cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnerships-JETP) và các tổ chức định chế tài chính, trong đó có Cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Ủng hộ dự án phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, ông Mathieu Geze, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á của HDF Energy nhận định Việt Nam là một thị trường lớn, có sức tăng trưởng cao và nền kinh tế đang trên đà phát triển. Việt Nam cũng có nhu cầu giảm thiểu carbon đặc biệt trong các lĩnh vực điện lực, dầu khí và đường sắt.

Theo ông, việc sử dụng hydrogen "xanh" đang thu hút mối quan tâm lớn của các ngành này ở Việt Nam nhờ khả năng giảm carbon trong sản xuất điện, hóa dầu và hóa chất cũng như vận hành đầu máy xe lửa. Do đó, HDF mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong sự sáng tạo và giảm thiểu carbon.

Ông Jean François Clédel, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Nouvelle Aquitaine, cũng khẳng định năng lượng tái tạo là một lĩnh vực thế mạnh mà Nouvelle Aquitaine có thể hợp tác với Việt Nam vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững dựa trên năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt là hydrogen "xanh."

Ông cho rằng việc phát triển thủy điện có những mặt tích cực nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường. Do đó việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi mà Nouvelle Aquitaine với đại diện là HDF Energy có thể chia sẻ với Việt Nam.

Tin tưởng vào các dự án hợp tác với Việt Nam và cũng là người luôn sát cánh với đối tác này trong nhiều dự án hợp tác địa phương, ông Alain Rousset, Chủ tịch Hội đồng vùng Nouvelle Aquitaine nhận định hydrogen là một cuộc cách mạng lôi cuốn cả Việt Nam, Pháp và châu Âu.

Việc làm chủ công nghệ sản xuất pin nhiên liệu này giúp HDF Energy đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo sử dụng hydrogen "xanh" trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, trong các lĩnh vực điện năng và giao thông vận tải. Do đó, việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ là một trong những nội dung chủ đạo. Ông khẳng định: "Nếu có dịp đến thăm Việt Nam, tôi sẽ rất muốn mang sự sáng tạo của HDF tới Việt Nam."

Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hydrogen "xanh" tính theo số lượng sáng chế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trang thiết bị và doanh nghiệp ở mọi quy mô. HDF Energy là doanh nghiệp tiên phong của Pháp trong phát triển và xây dựng các nhà máy điện có công suất cao từ các nguồn năng lượng tái tạo ổn định và nguồn khí hydrogen ở nhiều nước trên thế giới.

Với tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển hydrogen "xanh" đến năm 2050.

Việc HDF Energy nghiên cứu, tìm hiểu và phát triển các dự án tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải tiến tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Để cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đồng thời thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển mạng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Hy vọng việc tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Cộng hòa Pháp, trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho ngành điện sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra.

Link gốc

 

Theo: TTXVN