Xả nước vụ đông xuân 2018- 2019

Phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2018-2019: Không phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ thủy điện

Thứ tư, 23/1/2019 | 09:29 GMT+7
Để công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông-Xuân năm nay có hiệu quả, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các Công ty Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan chủ động trữ nước vào các khu trũng, đồng thời, tiến hành sớm công tác nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương để việc trữ nước có hiệu quả; tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác để cấp nước khi điều kiện cho phép; lắp đặt trạm bơm dã chiến và tăng cường vận hành để tập trung đưa nước lên ruộng. 


Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Tuyệt đối không phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ thủy điện.
 
Các địa phương chủ động lấy nước
 
Năm 2019 được dự báo về tình trạng thiếu điện có thể xảy ra, vì vậy, tránh lãng phó nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện là vấn đề đặc biệt được quan tâm trong Kế hoạch xả nước bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông-Xuân 2018-2019 ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc bộ. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018-2019, bảo đảm tiến độ lấy nước phù hợp với tiến độ lấy nước chung của toàn khu vực. Ðồng thời, đề nghị các địa phương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng sang loại thích hợp hơn ở những vùng cao, vùng xa, thường gặp khó khăn về cấp nước và vùng trũng, thấp, thường xuyên bị ngập, lụt, úng. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát lòng sông Hồng, góp phần hạn chế tình trạng hạ thấp lòng sông…
 

Theo đó, ngày 1-11-2018 Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã xây dựng phương án về việc phòng chống hạn sản xuất vụ xuân năm 2019 phục vụ cho 119.780 ha lúa và hoa màu. Để chủ động đảm bảo nguồn điện phục vụ tưới nước vụ Đông Xuân 2019, đặc biệt là phục vụ các trạm bơm đầu mối lớn như: Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, Đan Hoài, Bá Giang, Hồng Vân, La Khê, Cao Bộ, Cao Xuân Dương, Thụy Phú, Thanh Điềm, Ấp Bắc… Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã chỉ đạo các Công ty Điện lực quận, huyện xây dựng phương án cấp điện, đảm bảo điện hợp lý, ưu tiên đảm bảo nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tưới hiện có và trạm bơm dã chiến trên địa bàn đơn vị.
 
Chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước. Căn cứ lịch làm việc của các trạm bơm, lịch thời vụ của địa phương để lập phương án cung ứng điện một cách an toàn, liên tục và đảm bảo chất lượng trong từng giai đoạn cụ thể; tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị sẵn sàng vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh chóng các tình huống xảy ra sự cố lưới điện trong các đợt xả nước đổ ải; tăng cường kiểm tra, rà soát và tiến hành xác nhận tình hình cung cấp điện, tình trạng hoạt động của các máy bơm tại từng trạm bơm. Đối với các trạm bơm dã chiến đang có kế hoạch triển khai dự án lắp đặt tăng cường các máy bơm để cấp nước cho các máy bơm chính, EVN HANOI  chủ động làm việc với các Công ty thủy lợi Hà Nội, Công ty thủy lợi: Mê Linh, Sông Tích, Sông Nhuệ để lập phương án đảm bảo việc triển khai cấp điện đồng bộ với tiến độ xây dựng cũng như công suất của các trạm bơm.
 
Vụ đông xuân 2018 -2019, tỉnh Hải Dương phấn đấu gieo cấy 57.800 ha lúa, 9.500 ha rau màu và duy trì trên 10.000 ha nuôi trồng thủy sản. Theo dự báo, tình trạng thiếu nước, hạn hán sẽ diễn ra với mức độ ngày càng gay gắt. Lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, nguồn nước thượng nguồn đổ về cũng giảm so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, thực trạng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp, hiệu suất thấp; các vi phạm công trình thủy lợi vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả làm ách tắc dòng chảy… đang là những thách thức không nhỏ trong việc cung cấp nước tưới đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh Hải Dương đã ban hành kế hoạch triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống hạn, theo đó, tập trung kiểm tra, đánh giá hiện trạng để tiến hành sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời, kiên quyết giải tỏa các vi phạm đối với hệ thống công trình thủy lợi để khơi thông dòng chảy. Các địa phương chủ động hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi đông xuân 2018 – 2019, xây dựng kế hoạch điều hành lấy và trữ nguồn nước, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng ở những diện tích khả năng không đủ nước cho cấy lúa.
 
Đối với những nơi khó khăn về nguồn nước và khu vực hồ đập ở thị xã Chí Linh, các địa phương huy động nhân dân tham gia nạo vét khơi thông dòng chảy, tận dụng vận hành điều tiết các hệ thống liên hoàn hỗ trợ nhau hoặc đặt các điểm bơm dã chiến để bơm tiếp nguồn. Những ngày hệ thống sông trục có mực nước cao hơn, bố trí huy động tối đa nhân lực, công suất máy móc, thiết bị để bơm nước đạt hiệu quả cao nhất. Các vùng có hồ đập chú trọng việc sử dụng nước trên kênh và các hồ chứa.
 
Các địa phương trong hệ thống Bắc Hưng Hải như Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng tận dụng tối đa đỉnh triều để lấy nước bổ sung cho hệ thống sông trục nội đồng. Các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Gia Lộc chủ động bơm nước, trữ nước, đưa nước sớm phục vụ đổ ải cho các khu vực cao.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ động quan trắc, lấy nước ngược vào hệ thống kênh trục. Đối với các huyện, thị xã thuộc khu vực thủy triều tận dụng tối đa các đỉnh triều để lấy nước trữ vào đồng và tăng cường diện tích tưới ải tự chảy.
 
 Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà cũng đã xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2018-2019, có tính đến biện pháp cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt. Tỉnh Nam Định tập trung đôn đốc các địa phương huy động mọi lực lượng, phương tiện để triển khai khẩn trương cày ải và làm đất ngay sau khi lấy đủ nước. Trên cơ sở khả năng cân đối của nguồn nước, hướng dẫn các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Đối với vùng thực sự khó khăn về nước tưới, các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch cây trồng, vật nuôi đảm bảo hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động, hướng nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. 
 
Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt nhất yêu cầu tưới nước cho vụ Đông-Xuân 2018-2019, Công ty Điện lực Nam Định đã chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước, bám sát lịch làm việc của các trạm bơm, lịch thời vụ của địa phương để lập và thực hiện phương án cung ứng điện an toàn, đảm bảo chất lượng, liên tục (24 giờ/24 giờ). Đồng thời, tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xẩy ra sự cố lưới điện. Sẵn sàng cấp điện bổ sung cho các trạm bơm có nhu cầu bơm nước. 
 

Chặt chẽ từng m3 nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu
 
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN) cho biết, trong công tác vận hành hệ thống điện, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đang giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vì vậy, việc khai thác và sử dụng nước từ các hồ thủy điện này phải được tính toán chặt chẽ từng mét khối nước, hợp lý trên cơ sở hài hòa giữa cấp nước hạ du với cung cấp điện trong cả thời kỳ mùa khô năm nay. 
 
Điều độ Quốc gia tính toán việc xả nước theo nguyên tắc xả đệm trước 3 ngày để nâng dần mực nước tại Hà Nội và ngừng xả trước 1 ngày so với thời điểm kết thúc lấy nước với lượng nước xả bình quân từ các hồ chứa dự kiến khoảng 3.323m3/s, với tổng lượng nước xả trong 22 ngày (cả 3 đợt) xấp xỉ 6,63 tỷ m3, theo đó, hồ Thác Bà xả bình quân 406m3/s, tổng lượng xả khoảng 777 triệu m3; hồ Tuyên Quang xả bình quân 610m3/s, tổng lượng xả 1174 triệu m3 và hồ Hòa Bình xả bình quân 2.433m3/s, tổng lượng xả khoảng 4.680 triệu m3. Dự kiến nước các hồ khi kết thúc 3 đợt xả, hồ Hòa Bình giảm 20,2m; Tuyên Quang giảm 14,76m và Thác Bà giảm 3.05m.
 
Điều độ cũng cho biết, giữa các đợt xả nước sẽ hạn chế khai thác các hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang, bù vào đó, sẽ tăng cường các nguồn nhiệt điện để nâng mực nước tại các hồ thủy điện này, nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện vào mùa khô. Trong thời gian xả nước và nghỉ Tết Nguyên đán cũng sẽ giảm khai thác Nhà máy thủy điện Sơn La để đảm bảo chất lượng cung cấp điện cũng như tối ưu chung toàn hệ thống./
 
Dự kiến kế hoạch xả nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2018-2019:
- Xả đợt 1: Từ 0h ngày 18-1 đến 24h ngày 23-1, tổng thời gian xả là 6 ngày, với mực nước tối đa tại trạm thủy văn Hà Nội là 1,8m.
- Xả đợt 2: Từ 0h ngày 28-1 đến 24h ngày 2-2, tổng thời gian xả là 6 ngày, với mực nước tối đa tại trạm thủy văn Hà Nội không quá 2,2m.
- Xả đợt 3: Từ 0h ngày 12-2 đến 24h ngày 21-2, tổng thời gian xả là 10 ngày, với mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội tương ứng với chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà bình thường theo phương thức và quy trình vận hành.

Thanh Mai/Icon.com.vn

Bình luận của bạn

Captcha image