Điện hạt nhân ở châu Âu - Nguồn: OECD, IEA, EIU - Dữ liệu: THANH BÌNH - Đồ họa: N.KH.
Ngày 16-4, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu Olkiluoto 3 nằm tại Phần Lan bắt đầu sản xuất bình thường trở lại sau 18 năm ngưng.
Tuy nhiên, một ngày trước đó cũng tại châu Âu, ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức đã đóng cửa, đánh dấu kết thúc kỷ nguyên hạt nhân kéo dài hơn sáu thập niên của quốc gia này.
Cuộc đua năng lượng hạt nhân?
Những diễn biến trên cho thấy sự "yêu - ghét" đối với năng lượng hạt nhân đang tồn tại ở châu Âu. Loại năng lượng này vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại đây.
Nhiều quốc gia khác đã và đang đi theo con đường tương tự Đức. Đan Mạch đã thông qua nghị quyết không xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào những năm 1980, trong khi Thụy Sĩ đã bỏ phiếu loại bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2017, còn Ý đã đóng các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào năm 1990 và một nhà máy hạt nhân của Áo chưa bao giờ được sử dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine cũng như giá năng lượng tăng và áp lực giảm ô nhiễm môi trường, các nước khác ở châu Âu vẫn muốn kết hợp sử dụng năng lượng hạt nhân.
Trong chiến lược khí hậu công bố gần đây, Vương quốc Anh - đang trong quá trình xây dựng một nhà máy điện hạt nhân - đánh giá năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc "tạo ra năng lượng an toàn, sạch và có giá cả phải chăng".
Pháp - quốc gia sản xuất khoảng 70% điện năng từ hạt nhân - đang lên kế hoạch xây dựng sáu lò phản ứng mới. Trong khi đó, Phần Lan đã khánh thành một nhà máy hạt nhân mới vào năm ngoái.
Ngay cả Nhật Bản - quốc gia châu Á vẫn đang đối phó với hậu quả từ vụ Fukushima - đang xem xét tái khởi động các lò phản ứng.
Mỹ, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng đang đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Hồi tháng 3, nước này khởi động lò phản ứng hạt nhân mới Vogtle 3 ở bang Georgia - lò phản ứng đầu tiên sau nhiều năm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng điều này không đánh dấu khởi đầu một cuộc trỗi dậy của năng lượng hạt nhân, một phần vì chi phí đắt đỏ và có thể mất hơn một thập niên để xây dựng nhà máy mới.
Trong trường hợp của Mỹ, Vogtle 3 được khởi động muộn sáu năm và với chi phí 30 tỉ USD, gấp đôi ngân sách dự tính ban đầu, theo Đài CNN.
"Ngay cả những quốc gia đang lên tiếng ủng hộ hạt nhân cũng đang gặp khó khăn lớn trong việc phát triển năng lượng hạt nhân" - bà Miranda Schreurs, giáo sư môi trường và chính sách khí hậu tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), nhận định.
Kỷ nguyên năng lượng mới
Nhiều nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu, Mỹ và các nơi khác trên thế giới đang già cỗi. Những nhà máy này có tuổi thọ hoạt động khoảng 40 - 60 năm.
Giáo sư Schreurs đánh giá khi Đức đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên hạt nhân của nước này thì cũng sắp đến lượt những nước khác hành động. "Sẽ đến thời điểm quyết định liệu hạt nhân có thực sự còn tương lai hay không" - bà nói.
Tại Đức, có hai luồng ý kiến về năng lượng hạt nhân. Thứ nhất, có những người muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ mà họ cho là không bền vững, nguy hiểm và làm xao nhãng việc tăng tốc sử dụng năng lượng tái tạo.
Thứ hai, những người khác lại cho rằng việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là thiển cận. Họ coi đó là việc cắt đứt nguồn năng lượng carbon thấp đáng tin cậy vào thời điểm cần cắt giảm mạnh mẽ ô nhiễm cho hành tinh.
Ngay cả khi những cuộc tranh luận này đang diễn ra ầm ĩ, Chính phủ Đức vẫn kiên định. "Lập trường của Chính phủ Đức rất rõ ràng: năng lượng hạt nhân không phải là năng lượng xanh và cũng không bền vững. Chúng tôi đang bắt tay vào một kỷ nguyên sản xuất năng lượng mới" - bà Steffi Lemke, bộ trưởng Bộ Môi trường Đức, nhấn mạnh.
Việc đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân gồm Emsland, Isar 2 và Neckarwestheim ở Đức đánh dấu hoàn tất kế hoạch được thực hiện từ hơn 20 năm trước. Đối với những người phản đối năng lượng hạt nhân và ủng hộ năng lượng tái tạo, đây là khoảnh khắc chiến thắng.
Thật ra từ những năm 1970, phong trào phản đối hạt nhân đã nổi lên ở Đức vì lo ngại về những rủi ro do công nghệ này gây ra và đối với một số người là mối liên hệ với vũ khí hạt nhân.
Các tai nạn hạt nhân càng thúc đẩy làn sóng phản đối: Sự cố tan chảy một phần của nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania (Mỹ) vào năm 1979 và thảm họa Chernobyl năm 1986 vốn đã tạo ra đám mây chất thải phóng xạ lan đến các vùng của Đức.
Năm 2000, Chính phủ Đức cam kết loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào năm 2011 càng thúc đẩy xu hướng này.
Năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục
Trong báo cáo "Đánh giá ngành điện toàn cầu năm 2023" mới công bố, Tổ chức môi trường Ember có trụ sở ở Anh cho biết điện gió và điện mặt trời đã chiếm kỷ lục tới 12% điện năng toàn cầu vào năm 2022 và lượng khí thải của ngành điện có thể đã đạt đến đỉnh điểm.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tạo ra 22% điện năng từ gió và mặt trời vào năm 2022. Trong đó, bảy nước thành viên EU sản xuất khoảng 1/3 điện của mình từ gió và mặt trời vào năm ngoái, trong đó có Đức (32%), Tây Ban Nha (33%) và Hà Lan (32%).
|
Link gốc