Phân compost được sản xuất. (Trái) Và 3 giai đoạn xử lý rác hữu cơ theo công nghệ AIKAN.
Đà Nẵng là thành phố trẻ, năng động, dân số đạt 951.000 người vào năm 2011. Do quá trình đô thị hóa khá nhanh, tốc độ tăng dân số những năm tới dự kiến sẽ cao hơn và duy trì ở mức 2,5 triệu người vào năm 2030 theo định hướng phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, với chính sách phát triển kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn, hằng năm thành phố đón trên 2 triệu lượt khách. Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt của thành phố khoảng 673 tấn/ngày. Phương pháp chôn lấp tại Khánh Sơn có nhược điểm thời gian phân hủy rác lâu, vấn đề ô nhiễm môi trường, khí nhà kính do khí thải từ chất thải rắn hữu cơ tạo ra gấp 20 lần cacbonic, nước rỉ rác phát sinh trong các bãi chôn lấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, áp lực về quỹ đất hạn hẹp và quan trọng hơn là mục tiêu phấn đấu xây dựng “Thành phố môi trường” đã thôi thúc thành phố tìm một phương án mới, tối ưu, xử lý triệt để rác thải sinh hoạt.
Mô hình xử lý triệt để và hiện đại
Đà Nẵng sẽ là địa phương đi đầu trong cả nước thay đổi phương thức tiếp cận quản lý rác thải bằng quản lý năng lượng và thừa nhận ngành công nghiệp môi trường bình đẳng như các ngành công nghiệp khác. Từ nhận thức này, các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Đà Nẵng đã tham gia phản biện vào dự án nghiên cứu tiền khả thi Nhà máy xử lý rác sinh hoạt, thu hồi khí và phát điện tại Khánh Sơn (Đà Nẵng) do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ và Trung tâm Phát triển năng lượng (EDEC) tại thành phố Hồ Chí Minh tư vấn thực hiện vào cuối tháng 11/2012.
Theo báo cáo tóm tắt của EDEC, dựa trên kết quả khảo sát thành phần chất thải rắn của thành phố Đà Nẵng từ hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và chợ, EDEC đã đưa ra phương án lựa chọn công nghệ xử lý rác sinh học (kết hợp hiếu khí tạo phân compost và kỵ khí tạo khí sinh học phát điện và nhiệt) của nhà cung cấp công nghệ AIKAN, Đan Mạch. Việc đầu tư xây dựng nhà máy thu hồi khí gas dự kiến sẽ tiến hành vào năm 2013 và đưa vào vận hành vào năm 2014. Tổng mức đầu tư dự án gần 50 triệu USD.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, cho rằng báo cáo tiền khả thi của EDEC sẽ là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư ra quyết định và để tham khảo cho các bãi chôn lấp rác khác trên cả nước.
Hiệu quả môi trường và xã hội
Như vậy, nếu dự án được triển khai theo công nghệ AIKAN sẽ góp phần kéo dài thời gian sử dụng bãi rác Khánh Sơn đến 50 năm so với công nghệ chôn lấp hiện tại. Ngoài việc giải phóng môi trường khỏi những hậu quả do quá trình chôn lấp rác sinh hoạt, dự án còn giúp thu hồi một lượng khí sinh học đáng kể có khả năng sản xuất lượng điện 38.000 MWh/năm. Con số này đồng nghĩa với việc dự án giúp giảm phát thải ra môi trường trên 16.000 tấn CO2/năm. Không những vậy, dự án còn tham gia giải quyết việc làm tại địa phương và cải thiện điều kiện lao động của người dân đang kiếm sống tại bãi rác.
Về mặt phát triển xã hội, ông Phương Hoàng Kim – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương tin tưởng rằng: “Việc đầu tư trang trại điện mặt trời sau khi bãi rác ngừng hoạt động sẽ góp phần vào mục tiêu phát triển ngành năng lượng sạch, bền vững và đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ của Đà Nẵng. Khả năng biến rác thành tài nguyên sử dụng đang hứa hẹn trở thành hiện thực ở Đà Nẵng”.
Theo: Báo Đà Nẵng