Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài 1: Khó từ địa bàn rộng...

Thứ bảy, 20/3/2021 | 18:35 GMT+7
Truyền tải điện Đông Bắc 3 (Công ty Truyền tải Điện 1) có nhiệm vụ quản lý vận hành và sửa chữa lưới truyền tải điện Quốc gia trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, một phần các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và huyện Sóc Sơn (Hà Nội). 

Ảnh minh họa.
 
Đơn vị quản lý 11 Trạm biến áp (TBA) 220kV và 1 Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa với tổng dung lượng máy biến áp 110/220/500kV là 6.172 MVA và 7 Đội Truyền tải điện quản lý vận hành 2.299 vị trí cột với 1.618 km đường dây.
 
Do địa bàn quản lý rộng, khoảng cách đến các đơn vị trực thuộc xa, đường đi lại khó khăn mất rất nhiều thời gian để di chuyển đến các đơn vị trực thuộc cũng như lên tuyến kiểm tra. Cụ thể như, từ trụ sở Truyền tải điện đến đội truyền tải điện, TBA thuộc tỉnh Hà Giang khoảng 250 km phải di chuyển mất 6 tiếng nếu tiếp tục đến vị trí cột xa nhất thuộc đội Truyền tải điện thành phố Hà Giang sẽ khoảng 90 km và di chuyển mất 3 tiếng rưỡi. 
 
Hay từ trụ sở Truyền tải điện đến trạm 220kV Cao Bằng và Đội Truyền tải điện thành phố Cao Bằng là 220 km, di chuyển mất 5 tiếng, đến vị trí cột xa nhất thuộc đội Đội Truyền tải điện thành phố Cao Bằng khoảng 70 km sẽ phải di chuyển mất 3 tiếng rưỡi. Từ trụ sở Truyền tải điện đến Đội Truyền tải điện Na Hang là 200 km di chuyển mất 5 tiếng, đến vị trí cột xa nhất thuộc đội Truyền tải điện Na Hang sẽ khoảng 90 km và di chuyển mất 3 tiếng. Hoặc từ trụ sở Truyền tải điện đến trạm 220kV Lạng Sơn là 200 km, di chuyển mất 4 tiếng.
 
Đáng chú ý, từ trụ sở Truyền tải điện đến trạm 220kV Bảo Lâm là 280 km, di chuyển mất 7 tiếng rưỡi; đến Đội Truyền tải điện Bảo Lạc là 250 km di chuyển mất 7 tiếng, đến vị trí cột xa nhất thuộc đội Truyền tải điện Bảo Lạc sẽ khoảng 50 km và di chuyển mất 4 tiếng...  
 
Ông Vũ Tất Thành, Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 chia sẻ, các tuyến đường dây trong khu vực đơn vị quản lý đi qua chủ yếu đồi núi cao, vượt rừng rậm, thung lũng và suối sâu, xa dân cư và đa phần qua vùng dân trí thấp, nhiều khu vực người dân không nói được tiếng phổ thông. Đường giao thông phục vụ kiểm tra quản lý vận hành xấu, độ dài gấp nhiều lần chiều dài đường dây. Nhiều vị trí cột ở đỉnh đồi cao, xa, công nhân phải mất rất nhiều thời gian và công sức khi vào tuyến.
 
Đội Truyền tải điện Bảo Lạc được giao nhiệm vụ quản lý vận hành hai đường dây 220kV mạch kép là Thủy điện Nho Quế 3-Cao Bằng và đường dây đấu nối TBA 220kV Bảo Lâm vào hệ thống điện Quốc gia đi trên địa hình đồi nối hiểm trở thuộc địa phận 4 xã của huyện Mèo Vạc (Hà Giang), 3 xã của huyện Bảo Lâm và 8 xã, một thị trấn của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). 
 
Đội trưởng Đội Truyền tải điện Bảo Lạc Hoàng Văn Thức cho biết, các tuyến đường dây đi qua chủ yếu vùng đồi núi cao, vượt rừng rậm, thung lũng và suối sâu, xa dân cư, đường đi lại kiểm tra trên tuyến gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Cụ thể như từ trụ sở đội đến vị trí 1A đường dây  220kV Thủy điện Nho Quế 3-Cao Bằng chỉ khoảng 61 km nhưng phải di chuyển mất 5 tiếng. Nhiều vị trí ô tô không thể vào tuyến do đường được rải bằng đá lẫn đất. Qua mùa mưa, nhiều điểm bị đá lở và sói mòn đất mặt đường nên mỗi lần đi kiểm tra tuyến anh em công nhân phải đi xe máy từ rất sớm. Thậm chí nhiều vị trí phải đi bộ vào mất nhiều thời gian, như cung đoạn 1A-02 đường dây  220kV Thủy điện Nho Quế 3-Cao Bằng công nhân phải đi bộ vào tuyến mất 1 tiếng rưỡi.
 
Thời tiết trong khu vực Truyền tải điện Đông Bắc 3 cũng diễn biến ngày càng phức tạp, giông lốc, mưa đá xuất hiện nhiều và ở cả những khu vực trước đây chưa từng xuất hiện. Các đường dây nằm ở khu vực có độ giông sét cao do đó gây nhiều nguy cơ sự cố do sét đánh vào đường dây.
 
Các tuyến đường dây thuộc địa phận Đội Truyền tải điện Bảo Lạc quản lý cũng nằm trong khu vực có mật độ giông sét lớn do địa chất có nhiều mỏ sắt, thép và đi qua nhiều khu vực chỉ có người dân tộc thiểu số sinh sống như Tày, Nùng, Sán Chỉ, Lô Lô, H’Mông, Dao nên việc đốt rẫy làm nương của người dân địa phương thường xuyên diễn ra, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5, dẫn đến nguy cơ cháy rừng gây sự cố rất dễ xảy ra. Người dân đa số không sử dụng tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền cũng không đạt hiệu quả cao trong khi đội chỉ có 3 người sử dụng được tiếng địa phương.
 
TBA 220kV Bảo Lâm cũng ở xa Truyền tải điện Cao Bằng, đường xá đi lại khó khăn nên việc xử lý sự cố hoặc xử lý khiếm khuyết đều chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên, mất nhiều thời gian, đặc biệt vào mùa mưa bão giao thông đi lại càng khó khăn hơn do sạt lở, ngập lụt gây tắc đường... trạm có thể bị cô lập.
 
Trong khi đó, việc xây dựng công trình, đường giao thông dưới và gần hành lang đường dây trong những năm gần đây diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là khu vực trung du, đồng bằng do kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều cung đoạn đường dây khi đưa vào vận hành qua khu vực ruộng nương thì đến nay đã thành khu vực đông dân cư.
 
“Không những thế, đối với khu vực vùng núi, trình độ dân trí thấp, một số địa bàn người dân không nói được tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền gặp khó khăn. Mặt khác, người dân thường đi làm nương rẫy nên cũng rất khó tiếp cận để tuyên truyền về đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải ”, ông Thành cho hay.
 
Đối với khu vực đồng bằng, huyện thị tuy trình độ dân trí cao, nhưng công tác tuyên truyền lại không hiệu quả nhiều do người dân đã biết các quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình không thực hiện. Ví dụ như trong công tác tuyên truyền không thả diều gần đường dây, người dân biết rất rõ quy định và thậm chí đã ký cam kết nhưng vẫn cố tình thả diều gần hành lang đường dây. Hoặc như nhiều hộ dân dọc hành lang đường dây 220kV Tuyên Quang - Thái Nguyên trên địa bàn huyện Đại Từ và thành phố Thái Nguyên đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền rất nhiều lần nhưng vẫn cố tình trồng cây phát triển nhanh trong hành lang đường dây, ngăn đơn vị quản lý vận hành kiểm tra đường dây và chặt cây vi phạm… Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 dẫn chứng.
 
Bài 2: ... đến quá trình vận hành
Mai Phương